Thảo luận cơ chế đặc thù cho 4 địa phương: ĐBQH lo co kéo 'tấm chăn' ngân sách

Xuân Trường - Quang Tuyền | 27/10/2021, 15:15

Đại biểu Quốc hội lo co kéo 'tấm chăn' ngân sách, cơ chế xin - cho khi thảo luận Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương.

Sáng 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá X, các đại biểu Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề cân đối ngân sách. Theo ông Tạo, trước quý I/2021, 16 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương, trong đó có Hà Nội và 4 thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian qua các địa phương này có kiến nghị giãn tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đại biểu NguyễnTạo cho rằng cần quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao hay đã có nghị quyết về địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, cũng như đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho Trung ương. Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù, giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về Trung ương.

Dự báo ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn thời gian tới đây do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến việc điều tiết ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách rất vất vả.

Tấm chăn ngân sách nhà nước kéo bên này lại bị co phía bên kia, co lại bên kia thì bị kéo lại bên này”, ông Tạo cho biết.

Thảo luận cơ chế đặc thù cho 4 địa phương: ĐBQH lo co kéo 'tấm chăn' ngân sách - 1

Phiên thảo luận sáng 27/10.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhận định, trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương, chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng được trao cơ chế chính sách đặc thù. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề.

Đại biểu Nhân đặt câu hỏi: “Tại sao không trao cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng?".

Góp ý tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho biết sự thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 tỉnh thành phố.

Theo bà Hoa, đây là một hướng đi đúng và phù hợp với quan điểm phát triển bền vững, tức là những địa phương nào có khó khăn thì có những chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Còn những địa phương nào có tiềm lực phát triển kinh tế lớn cần có những cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo động lực.

Về “tấm chăn” ngân sách, đại biểu Hoa đồng ý việc kéo được bên này thì sẽ mất bên kia nhưng chúng ta cần phải hướng tới việc làm sao tạo điều kiện cho một số địa phương phát triển đủ mạnh thoát ra khỏi “tấm chăn” này. Đây là hướng phát triển bền vững và đúng hướng trong thời gian tới.

“Các nhóm chính sách cho 4 tỉnh, thành phố trong dự thảo là những chính sách đảm bảo được tính đặc thù, xây dựng trên những đề xuất, phân tích rất kỹ của các địa phương. Đây là cơ hội để cho các địa phương đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng, qua đó tạo ra sự lan toả”, bà Hoa đánh giá.

Bày tỏ quan điểm khác, đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) nêu thực tế hiện nay nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương có Nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm về kinh tế, an ninh quốc phòng.

Theo đại biểu Chung, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thoả, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù.

Đại biểu Chung cho rằng, Chính phủ, các cơ quan, địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo thống nhất và minh bạch trong nhân dân.

“Cần xác định những nội dung chưa có trong luật, xác định tiêu chí thoả đáng, tránh cơ chế xin - cho, quyết định cảm tính. Xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét lựa chọn thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đó, tổng kết hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc”, ông Chung nêu đề xuất.

Đại biểu Chung cũng cho rằng nên chú trọng phân cấp, phân quyền, hạn chế phân bổ thêm nguồn lực của trung ương. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ hiệu quả của chính sách thi điểm hoặc không thí điểm, những địa phương được đặc thù có hơn, có khác không? Đóng góp cho đất nước thế nào so với thời điểm trước thí điểm thế nào.

Xuân Trường - Quang Tuyền

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù bảo tồn di sản văn hoá quý hiếm
Nhấn mạnh phải coi di sản văn hóa là nguồn lực để bảo tồn, phát huy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề nên chăng cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách đặc thù bảo tồn di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất