Thanh toán không tiền mặt: Vận tải công cộng nâng cao khả năng cạnh tranh 

Thục Anh | 16/09/2020, 10:42

Từ ngày 2/6, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua VNPAY-QR, áp dụng cho khách hàng mua vé lượt tại các nhà chờ BRT. Tuy vậy, đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai, tỷ lệ người dân sử dụng phương thức thanh toán này trên tuyến BRT vẫn rất còn hạn chế.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Từ ngày 2/6, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội lần đầu tiên triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua VNPAYQR.

Đầu năm 2020, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã trở thành đơn vị vận tải hành khách công cộng tiên phong ứng dụng thanh toán VNPAY-QR trên toàn bộ các quầy bán vé tháng xe buýt của Tổng công ty.

Chỉ trong nửa năm triển khai hình thức thanh toán ưu việt này, doanh thu thanh toán không tiền mặt của đơn vị đã tăng lên khoảng 3 tỷ đồng - chiếm tỉ trọng gần 10% doanh thu bán vé tháng của doanh nghiệp. VNPay-QR đã trở thành một trong những kênh thanh toán mới, thu hút được sự quan tâm của người sử dụng phương tiện công cộng bằng xe buýt.

Bạn Bùi Thị Quỳnh Nga, sinh viên năm 2 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, VNPay-QR là một phương thức thanh toán hiện đại, tuy nhiên, hình thức thanh toán này mới chỉ tiếp cận được tới những người trẻ tuổi: "Mình thấy thanh toán bằng VNPay -QR sẽ tiện hơn so với dùng tiền mặt. Bản thân mình rất hay làm rơi tiền nên mình cứ quét qua điện thoại, thanh toán trực tiếp qua các ví điện tử thìsẽ tiện lợi hơn. Các bà, các bác thì hay thanh toán bằng tiền mặt còn giới trẻ thì hay thanh toán qua điện thoại".

Đồng quan điểm, bạn Trần Mai Hạnh chia sẻ, do xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu hàng ngày, vì vậy, Hạnh thường mua vé 2-3 tháng/ lần để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Việc mua vé thanh toán bằng phương thức VNPay -QR sẽ trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn nếu được thực hiện ở tất cả những điểm bán vé xe buýt: "Nếu như phương thức thanh toán này được triển khai ở tất cả những điểm bán vé tháng thì em nghĩ việc sử dụng nó sẽ tiện hơn. Hiện tại, không phải điểm bán vé xe buýt nào cũng có phương thức thanh toán VNPay -QR nên sử dụng bằng phương thức tiền mặt nó vẫn phổ biến hơn".

Sau hơn 3 tháng triển khai, tỷ lệ người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua VNPAYQR trên tuyến BRT vẫn rất còn hạn chế.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Nam, Phó trưởng Trung tâm nhận nhiệm vụ: Phụ trách Trung tâm điều hành xe buýt – Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua, Tổng công ty đã tổ chức, thực hiện tuyên truyền, phổ biến tới người dân về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt VNPay-QR. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng hành khách biết đến và sử dụng phương thức thanh toán này còn ít.

Với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hành khách cần phải sử dụng điện thoại có kết nối internet và có ứng dụng ngân hàng trên điện thoại để giao dịch nên thời gian thanh toán lâu hơn so với việc đưa tiền mặt mua vé. Vì vậy, sau hơn 3 tháng triển khai, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt VNPay- QR trên tuyến BRT của Tổng công ty mới chỉ đạt chỉ khoảng 1%:

"Thực tế, dịch vụ này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh khi áp dụng trên các tuyến xe buýt. Thứ nhất, giá vé xe buýt hiện nay có 3 loại là 7.000 đồng, 8.000 đồng và 9.000 đồng. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán của VNPay- QR trong 1 lần thanh toán tối thiểu là 10.000 đồng. Thứ hai, hiện nay, mọi người vẫn có thói quen thanh toán trực tiếp tiền mặt tại tất cả các điểm bán vé, đối tượng sử dụng phần lớn là khách hàng trẻ, các bạn sinh viên. Thứ ba, thời gian vừa qua, do dịch COVID-19 thì người dân cũng hạn chế đi lại, nhiều trường cũng tổ chức học online khiến cho tỷ lệ này còn hạn chế", ông Lê Anh Namcho biết.

Để tăng tỷ lệ hành khách sử dụng phương thức thanh toán VNPay-QR, đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco chia sẻ, thời gian tới, Tổng công ty cũng xây dựng các kế hoạch để phát triển các kênh kinh doanh không dùng tiền mặt: "Tổng công ty sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các tuyến xe buýt và nhà chờ BRT. Ngoài ra, sẽ có các kênh phát triển ở các điểm trường đại học cũng như tại các điểm bán vé tháng. Tổng công ty cũng có kế hoạch để đề nghị các cơ quan hỗ trợ, tăng cường tuyên truyền trong thời gian tới".

Việc triển khai bán vé xe buýt trên tuyến BRT qua thanh toán bằng VNPAY nhằm góp phần hiện đại hóa và đa dạng hóa các hình thức thanh toán, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt.

Phương thức thanh toán này cũng sẽ tăng thêm sự thuận tiện cho hành khách đi xe, giảm sự bất tiện trong việc chuẩn bị tiền lẻ khi đi xe buýt, đồng thời đảm bảo cho an toàn sức khoẻ cho hành khách trong dịp Covid-19.

Bài liên quan
Sau 'lùm xùm' Eximbank, NHNN yêu cầu rà soát cách tính lãi suất thẻ tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai biện pháp đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mới nhất