Thành lập mạng lưới nhà khoa học, doanh nhân công nghệ Việt tại Mỹ

Minh Khôi | 20/05/2022, 10:19

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ vừa tổ chức cuộc họp mặt và ra mắt ban thường trực tại thành phố San Francisco.

Nhân chuyến công tác Mỹ, ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng đại diện các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Úc tham gia họp mặt và ra mắt ban thường trực tại thành phố San Francisco.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ sẽ phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thúc đẩy 5 lĩnh vực: Giáo dục STEM, hỗ trợ doanh nghiệp, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, và công nghệ chuỗi khối (Blockchain).

Thành lập mạng lưới nhà khoa học, doanh nhân công nghệ Việt tại Mỹ - 1

Các nhà lãnh đạo, thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Thành viên của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Mỹ gồm hơn 50 tiến sĩ, thạc sĩ đang làm việc tại các trường đại học và tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, NASA, Cisco cùng nhiều tên tuổi khác.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân phải thường xuyên di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam để thực hiện những dự án ở Thung lũng Silicon. Thời gian qua, do dịch COVID-19 nên nhiều dự án bị gián đoạn, nhưng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nhân, nhà khoa học người Việt đang sinh sống tại Mỹ sẽ đem những ước mơ đó về lại Việt Nam để cùng phát triển đất nước”.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, người điều phối chính trong quá trình vận động, kết nối của NIC các chuyên gia và trí thức người Việt tại San Francisco tham gia vào mạng lưới chia sẻ: “NIC sẽ tiếp tục là đơn vị bảo trợ, phối hợp và kết nối các hoạt động của cũng như các mạng lưới thành phần để quy tụ và phát huy nguồn lực trí thức to lớn của người Việt ở khắp nơi trên thế giới, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới.”

Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, một thành viên của mạng lưới từ 2018 chia sẻ, cuộc gặp với Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng năm 2018 giúp ông tự tin đặt bản doanh của Genetica tại Việt Nam, thay vì Singapore theo kế hoạch ban đầu. Hiện nay, trung tâm giải mã gen NIC-Genetica đi vào vận hành tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trở thành một trong những trung tâm giải mã gen công suất lớn nhất Đông Nam Á, tuân thủ chuẩn quốc tế CLIA.

Đặc biệt đối với công nghệ Blockchain, Genetica, công ty giải mã gen hàng đầu châu Á đã cùng Oasis Labs (một mạng lưới blockchain) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến và ủng hộ của đoàn Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập mạng lưới nhà khoa học, doanh nhân công nghệ Việt tại Mỹ - 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) thảo luận cùng Giáo sư Dawn Song - Nhà sáng lập của một unicorn ứng dụng blockchain Oasis Labs (thứ ba từ trái sang) , tỷ phú công nghệ David Strohm (thứ hai từ trái sang) và TS Cao Anh Tuấn, đồng sáng lập Genetica (ngoài cùng bên trái).

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được công bố thành lập năm 2018 tại Hà Nội nhằm thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để hỗ trợ tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp cũng như các ý tưởng đổi mới sáng tạo đột phá, giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao nhằm phát triển kinh tế quốc gia.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng ký quyết định thành lập năm 2019. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao NIC làm đầu mối trao đổi giữa các thành viên trong mạng lưới. Đồng thời, Ban thường trực Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ cũng đóng vai trò là người giới thiệu cho các nhà khoa học, các startup, các nhà sáng chế gốc Việt biết đến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và tham gia đông đảo vào mạng lưới này. Ngoài ra, NIC cũng là đầu mối trực tiếp để hỗ trợ, kết nối những ý tưởng, dự án liên quan đến Việt Nam khi các đối tác về Việt Nam.

Trong gần 3 năm qua, nhiều hoạt động của cộng đồng trí thức, doanh nhân người Việt tại Mỹ ở Thung lũng Silicon được thúc đẩy nhanh chóng, thuận lợi. Trong đó có thể kể đến dự án giải mã gen Genetica với công nghệ bản quyền dành cho người châu Á; dự án GmarTech đào tạo nhân lực marketing digital; dự án STEAM for Vietnam, và dự án đào tạo công nghệ Blockchain và nhiều dự án công nghệ cao khác.

Minh Khôi
Bài liên quan
Nhà khoa học dùng ngân sách nghiên cứu thất bại sẽ được miễn trách nhiệm dân sự?
Một trong những điểm mới của Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) là miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà khoa học khi nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không đạt kết quả như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất