Tết Việt đầy màu sắc qua góc nhìn của học giả Việt Nam và quốc tế

PV/VOV.VN | 12/01/2021, 15:15

Tết Việt Nam xưa" được tuyển dịch kỹ lưỡng từ những bài viết của các học giả nổi tiếng Việt Nam, những du khách, nhà sử học Pháp hoặc những nhà truyền giáo nước ngoài, đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine).

Tháng 1/2021 cũng là lúc Tết Nguyên đán đang đến rất gần, MaiHaBooks cùng NXB Thế giới ra mắt bạn đọc cuốn sách mới Tết Việt Nam xưa. 

Chọn lọc những bài viết đặc sắc trên Tạp chí Đông Dương, cuốn sách đã đưa độc giả bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam” trong sự khắc họa uyên bác, tinh tế, gần gũi mà sống động của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh...

Tết Việt đã hiện lên đầy màu sắc trong tâm cảm của người Việt Nam, trong con mắt của các du khách, dưới nhãn quan của nhà sử học Pháp và Việt Nam. Nó có thể khiến độc giả ngạc nhiên khi hiểu rõ tường tận nguồn gốc của Tết, ý nghĩa của Tết, những phong tục và quan niệm đón Tết Việt Nam xưa…

Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động. Cuốn sách nhỏ Tết Việt Nam xưa là món quà Xuân ý nghĩa dành tặng tới quý độc giả gần xa nhân dịp Tết đến, Xuân về.

PGS.TS.Nguyễn Mạnh Hùng – người sưu tầm và lưu giữ các tư liệu quý giá chia sẻ: “Một năm, người Việt có những lễ hội, những cái Tết nhỏ, nhưng Tết Nguyên đán là Tết Cả, là ngày chúng ta thực hiện chuỗi nghi thức tưởng nhớ tổ tiên, ông bà và đúc kết, chiêm ngưỡng thành quả. Chúng ta ăn Tết chỉ 3 ngày nhưng kỳ thực đã chuẩn bị cả năm. Cái Tết là kết quả mà cả năm chúng ta đã chuẩn bị từng chút, từng chút một. Tết truyền thống Việt Nam cũng chính là cái hồn cốt của dân tộc”.

Đánh giá về điểm đặc biệt của cuốn sách “Tết Việt Nam xưa”, PGS.TS.Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Sách tập hợp những bài viết của những nhà Đông phương học, theo đoàn quân viễn chinh Pháp hướng vào miền Viễn Đông châu Á. Có những đoàn Kito giáo, có những nhà nghiên cứu đi theo và họ thấy một đất nước miền Viễn Đông rất xa lạ, khi đó họ gọi xứ An Nam hoặc còn gọi là Indochine, khi họ chưa xác định được vị trí và tên gọi chính xác.

Khi đến với đất nước chúng ta, họ mang tâm lý của nhà thám hiểm, đi tìm cái gì lạ để cung cấp nguồn tư liệu cho phương Tây và Tết là một trong số những thứ họ thấy độc-lạ”.

Cụ thể, trong cuốn “Tết Việt Nam xưa” có bài viết của những nhà Đông phương học quen thuộc. Họ nhận xét rất chi tiết cách ăn Tết với tác phong, cử chỉ, nghi thức, tùy theo góc nhìn cá nhân.

“Lại có những nhà Việt Nam học bậc thầy như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Vĩnh… có những nhận xét, những góc nhìn quen thuộc về Tết của dân tộc mình. Cá nhân tôi nghĩ những học giả Đông phương và những nhà Việt Nam học có trao đổi với nhau. Tôi nghĩ cuốn sách rất đáng đọc để thấy rằng phương Tây họ đã ngưỡng mộ về Tết truyền thống của ta ra sao, họ đã ngắm nhìn những điều đặc sắc của chúng ta như thế nào. Phần lớn cuốn sách được dịch từ tiếng Pháp. Tôi thấy, người dịch khá thấu đáo về Việt Nam học, có sự tìm hiểu kỹ và so sánh về ngôn ngữ nên sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm” - PGS.TS.Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất