Sử dụng kháng sinh thận trọng trên động vật vì một nền nông nghiệp bền vững

Nguyễn Hà/VOV.VN | 30/09/2022, 12:37

Sáng 30/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học “Sử dụng kháng sinh thận trọng cho động vật: thay đổi vì một nền nông nghiệp bền vững” do Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) và Mạng lưới Một Sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) tổ chức.

Tham dự hội thảo là các nhà quản lý tới từ Cục Thú y, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, các trường đại học đầu ngành trong lĩnh vực nông lâm và đại diện các công ty thức ăn chăn nuôi.

Đây là hội thảo thứ hai nằm trong chuỗi hội thảo về sử dụng kháng sinh do Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (IEHSD) tổ chức bao gồm ba nội dung: Vấn đề sử dụng kháng sinh trong ngành y dược; sử dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp và sử dụng kháng sinh tại các công ty sản xuất thức ăn theo mô hình 3F: Chăn nuôi-Trang trại-Thực phẩm. Hội thảo nhằm cập nhật các cơ chế chính sách, hiện trạng sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững; điều phối viên mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam cho biết, mặc dù kháng sinh được sử dụng phổ biến trong ngành chăn nuôi nhằm duy trì sức khỏe vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần bảo vệ nguồn sinh kế và sự bền vững của ngành chăn nuôi, nhưng việc sử dụng không hợp lý, thiếu trách nhiệm mang đến nhiều rủi ro như tạo ra vi khuẩn nhờn thuốc, tạo tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

“Qua hội thảo này, chúng tôi muốn kêu gọi những hành động thiết thực nhằm đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững, bao gồm: tăng cường quản lý thị trường kháng sinh cho vật nuôi, nâng cao nhận thức về vấn đề kháng kháng sinh cho người dân, khuyến khích áp dụng liệu pháp điều trị thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, TS. Phạm Đức Phúc nhấn mạnh.

Chia sẻ tham luận tại hội thảo, TS. Võ Trọng Thành - Cục chăn nuôi cho biết: “An toàn sinh học còn hạn chế, phòng chống dịch bệnh chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến sự phát triển không bền vững. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của ngành chăn nuôi. Hao hụt do dịch bệnh là nguyên nhân chính gây biến động tổng đàn, sản lượng thực thực phẩm mất cân đối cung cầu, giảm lợi nhuận và ảnh hưởng sinh kế của người chăn nuôi”.

TS. Võ Trọng Thành đưa ra một số giải pháp trong chăn nuôi không sử dụng kháng sinh, kích thích sinh trưởng và phòng bệnh. Ngoài việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nguyên liệu thức ăn chất lượng tốt thì việc sử dụng các chất thay thế kháng sinh, phòng bệnh cần được ưu tiên như sử dụng vaccine phòng bệnh và các chất cải thiện sức khỏe đường ruột vật nuôi: probiotic, prebiotic, enzyme, acid hữu cơ, chiết xuất thảo dược, sản phẩm lên men…

Các chuyên gia và nhà quản lý đầu ngành cũng đóng góp, thảo luận nhiều nội dung như thực trạng và giải pháp kháng sinh trong chăn nuôi bò ở Việt Nam; Khung kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh (AMR) và một số kết quả nghiên cứu AMR và gen kháng thuốc ở vật nuôi… Ngoài ra, hội thảo đã báo cáo các tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030; xem xét, đánh giá các dự thảo hướng dẫn ban đầu cũng như các văn bản, thông tư và hướng dẫn hiện hành liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cho động vật./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Vụ 7 công nhân tử vong ở Yên Bái: Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vi phạm
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động khiến 7 người chết ở Yên Bái, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Mới nhất