Sơn La vượt khó thực hiện mục tiêu kép tiêu thụ nông sản

Thanh Thủy-Bích Thủy/VOV-Tây Bắc | 02/08/2021, 06:45

Quy hoạch vùng trồng nông sản đặc sản gắn với chế biến sâu, cùng với tổ chức tốt công tác quảng bá, bán hàng qua thương mại điện tử giúp nông sản Sơn La có chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường khó tính.

Trung tuần tháng 7, tỉnh Sơn La đã tổ chức công bố nhãn hiệu nhãn Sơn La và xuất khẩu lô nhãn sang thị trường EU và Vương quốc Anh. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ người dân, các Hợp tác xã (HTX) và chính quyền địa phương.

Gần 100.000 tấn nhãn vào vụ thu hoạch giữa lúc dịch Covid tiếp tục diễn biến phức tạp, 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TP.HCM và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội; vận tải hành khách liên tỉnh tạm dừng hoạt động. Trước thực tế này, Sơn La nhanh chóng thực hiện cơ chế, chính sách mới, rõ ràng hơn trong tiêu thụ nông sản, đó là hỗ trợ cho các cơ sở sấy long nhãn tại chỗ.

 “Với sản lượng 100.000 tấn nhãn, tỉnh đã xây dựng ngay kịch bản, phương án khi tình hình Covid diễn ra phức tạp. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng 600 cơ sở chế biến sản phẩm long nhãn và đưa 50.000 tấn vào chế biến long nhãn, còn lại tiêu thụ tại chợ đầu mối, tiêu thụ trong nước tại các hệ thống kênh phân phối siêu thị, các kênh thương mại điện tử và thực hiện xuất khẩu”, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, tỉnh Sơn La cho biết, hiện diện tích cây ăn quả của Sơn La rất lớn, ngoài hỗ trợ các cơ sở chế biến long nhãn, vào thời điểm này khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, rất cần tỉnh Sơn La hỗ trợ các điều kiện để bảo quản nông sản trong nhà lạnh, vì nhiều HTX chưa có kho lạnh, trong khi vẫn tiếp tục thu mua hoa quả cho bà con.

“Nhãn xuất khẩu cần đảm bảo độ lạnh sau đó mới đưa lên container để tránh hoa quả bị sốc nhiệt, không bị hỏng nhưng các HTX hiện đang còn gặp khó khăn ở khâu này. Các HTX rất mong muốn tỉnh và các Bộ, ngành có giải pháp để giúp đỡ cho các HTX, các doanh nghiệp có hệ thống sơ chế, chế biến, đáp ứng để xuất khẩu sang các nước và các thị trường khó tính”, bà Dung đề xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đối với vùng sâu, vùng xa, vấn đề sơ chế nông sản rất quan trọng, vì vậy Bộ đã xây dựng chương trình nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ. Theo đó Bộ sẽ làm việc với Bộ KH&CN để có thống nhất về mặt chủ trương xây dựng nguồn.

Đối với Sơn La, Bộ NN&PTNT xác định đây là địa phương trọng điểm ở phía Bắc để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mới đây Bộ đã đồng ý chủ trương phối hợp với Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu nông sản gắn với nhà máy chế biến. Trong vùng nguyên liệu này sẽ xây dựng một số kho bảo quản lạnh để đảm bảo sơ chế và giữ lạnh trong thời gian ngắn.

“Dự án lớn này đang được tiến hành trong đó có vai trò của khuyến nông. Khuyến nông sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, thiết lập mô hình và địa phương lo kết nối với các HTX. Bộ sẽ hỗ trợ về tổng quan, các giải pháp kỹ thuật về kho lạnh và hỗ trợ một số hạ tầng để liên kết các vùng nguyên liệu theo chuỗi khép kín”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Trước những khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tỉnh Sơn La cũng xác định với diện tích hiện có gần 90.000 ha cây ăn quả, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện rải vụ cho từng loại nông sản; tập trung cho chế biến sâu, sản xuất những mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cao; sản xuất theo đơn hàng và đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng giá trị cao nhất.

“Chi Cục trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La sẽ xây dựng các mô hình về ứng dụng công nghệ cao, để làm sao tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả tập trung. Áp dụng mô hình này, nông sản sẽ có sản lượng và chất lượng tốt, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường, muốn vận cần đặc biệt phải tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp”, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La nói.

Để tiêu thụ nông sản được thuận lợi tại thị trường trong nước và quốc tế, đòi hỏi Sơn La cần đổi mới cách thức tiêu thụ, trong đó thương mại điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Đồng thời phải tập trung xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng theo lợi thế của từng địa phương gắn với mã số vùng trồng.

Tỉnh Sơn La cần tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết HTX - doanh nghiệp và người nông dân; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản cả truyền thống và thương mại điện tử; tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để tháo gỡ các rào cản về mặt kỹ thuật ở các nước xuất khẩu, tạo thuận lợi cho nông sản của Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng tiếp tục mở rộng tại các thị trường mới.

Nói về điều này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, để xuất khẩu được trái cây đặc sản của Việt Nam đi vào các thị trường khó tính, địa phương cần phải phân loại trái cây, quy hoạch vùng trồng để sản phẩm có truy xuất nguồn gốc cũng như chứng nhận xuất xứ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính.

“Công tác quảng bá và truyền thông về sản phẩm hoa quả rất quan trọng. Qua truyền thông giúp người tiêu dùng biết được những trái cây đặc sản. Bên cạnh đó, kênh phân phối hiện đại đó là thương mại điện tử cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá, truyền thông trái cây đặc sản của địa phương rất hiệu quả”, ông Phú nói.

Ngoài sự chủ động của cả hệ thống chính trị Sơn La và người nông dân, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp rất cần Chính phủ sớm có những chính sách tập trung, đối với các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid cần ưu tiên cho việc lưu thông hàng hóa để sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Các Bộ, ngành, các Hiệp hội ngành hàng thường xuyên phối hợp hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua để phân phối nông sản qua kênh phân phối siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trên cả nước. Với các Bộ, ngành, địa phương, thương vụ, Bộ Ngoại giao, Ban quản lý cửa khẩu cần phải có biện pháp tháo gỡ kịp thời để lưu thông hàng hóa xuất khẩu qua các thị trường biên giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt cần có những nghiên cứu, những chính sách hỗ trợ về thuế, về tín dụng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid lần này; đẩy mạnh chuỗi đầu tư, phát triển hệ thống logictics hỗ trợ cung ứng nông sản gắn kết với chuỗi giá trị của toàn cầu./.

Cùng loạt bài:

Bài 1: Kết nối trực tuyến: Kênh tiêu thụ và quảng bá hình ảnh nông sản Sơn La vươn xa

Bài 2: Bí thư Huyện ủy là tổ trưởng tổ sản xuất, tiêu thụ nông sản

Bài liên quan
Vì sao cam sành rớt giá thảm hại, phải kêu gọi 'giải cứu'?
Cam sành rớt giá thảm hại xuống 2.000- 3.000 đồng/kg tại vườn nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua khiến người dân đang rất lo lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Mới nhất