Sợ hãi những trận uống rượu đến ngất đi khi công tác miền núi

Nguyễn Thắng | 05/10/2021, 11:40

Những lần uống rượu say đến ngất đi là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tôi trong các chuyến công tác miền núi, có lần về còn ốm dặt dẹo mất gần một tuần.

Tôi cực kỳ đồng cảm với chia sẻ của anh Hoàng Minh về chuyện bị sếp ép uống rượu thường xuyên, khiến cho anh phải 2 lần đi cấp cứu dù mới vào công ty được 3 năm. Bản thân tôi là người ham vui, thích không khí náo nhiệt của những buổi tụ tập, bù khú nhưng vẫn không kham nổi, thậm chí sợ hãi những bữa nhậu mà người ta ép nhau uống bia rượu. Sợ nhất là những bữa rượu khi đi công tác miền núi.

Đồng bào miền núi trọng tình cảm và rất chân thành. Trong chuyện mời ăn cơm, uống rượu cũng vậy, khi đã quý mến rồi thì họ hết lòng khoản đãi. Vì thế nên khi lên đó, không ngày nào tôi không được mời. Cơm trưa, cơm tối đều có rượu, thậm chí cả bữa sáng lắm khi cũng không thiếu “chất cay”. Tôi nhớ lần đầu say đến ngất đi trên chiếu rượu của đồng bào là lần tôi giúp họ được một việc khá lớn. Trong bữa cơm cảm ơn, hết người này đến người khác cầm chén đến mời, ai cũng chân tình, nồng nhiệt khiến tôi không thể chối từ. Hết người trong mâm, đến lượt người ở các mâm khác biết chuyện cũng sang, vì ở cái thị trấn nhỏ ấy, mọi người biết nhau cả, khách quý của người này cũng thành khách quý của người kia. Rượu ngô rất nặng vốn dành làm ấm người những ngày giá rét đổ vào cơ thể tôi có lẽ cả chai lớn. Tôi ngất tại trận và không biết trời đất gì cả ngày hôm sau, may là thời đó còn trẻ khỏe nên mới nhanh hồi phục.

Sợ hãi những trận uống rượu đến ngất đi khi công tác miền núi  - 1

Sau nhiều năm công tác, tửu lượng của tôi tăng lên nhưng mỗi lần lên miền núi đều phải chuẩn bị “tinh thần và lực lượng”. Khả năng uống rượu của những người nơi đây thật “khủng khiếp”, kể cả phụ nữ. Dù muốn hết mình, tôi cũng biết bản thân lực bất tòng tâm, thấy rõ sức khỏe của mình sa sút sau mỗi đợt công tác như vậy nên luôn “nhận thua”, mong được thông cảm. Nhưng rốt cục bằng những lời ràng buộc khéo léo, những nụ cười cởi mở, ánh mắt chân tình, kết quả bao giờ cũng là trận say tả tơi, kéo theo mấy ngày người rũ ra như cọng rau muống héo.

Lần gần đây nhất, do phải giải quyết quá nhiều việc nên tôi không kịp ăn gì trước khi vào bữa nhậu tối. Vừa chào mâm, tôi đã “được” chủ xị chúc sức khỏe bằng một chén đầy loại rượu nặng cháy cổ. Uống xong tưởng có thể ngồi xuống thì ông ấy đã đưa tận miệng một chén nữa với lý do “đi đứng phải bằng 2 chân mới vững vàng”. Xong 2 chén, tôi định ngồi xuống tranh thủ ăn một chút thì những người khác trong mâm lần lượt đứng lên, và tôi sẽ trở nên có lỗi nếu không uống. Hết lượt, tôi vừa nhón một miếng xôi nhưng chưa kịp bỏ vào miệng thì người ở mâm bên cạnh lại cầm chén sang… Cứ như thế, tôi bị chuốc rượu liên hồi kỳ trận suốt mấy tiếng đồng hồ, trong dạ dày gần như không có gì ngoài chất cồn. Chuyến công tác ấy chấm dứt sớm hơn dự kiến và tôi phải nằm viện 2 ngày, mệt lả suốt tuần.

Mỗi lần nhận lệnh lên công tác, tôi lại ước, giá mình vẫn được hưởng cái không khí thắm tình ấy của đồng bào, anh em trên ấy mà không phải chứng minh hay “đốt nóng” nó bằng rượu thì tuyệt biết bao nhiêu.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi ý kiến của bạn vào box bình luận bên dưới.

Bạn từng chứng kiến hay có những trải nghiệm tồi tệ về nạn ép uống rượu bia? Theo bạn, có cách nào để chấm dứt tệ nạn này hay để tránh né, từ chối khi bị ép uống? Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm và ý kiến của bạn ở box bình luận phía dưới hoặc địa chỉ email tamsu@vtc.gov.vn.

Nguyễn Thắng
Bài liên quan
Nghệ sĩ múa Ấn Độ: Văn hóa Ấn Độ và Việt Nam đều có sự kết nối
Mang điệu múa mùa xuân đến với khán giả Việt Nam, nghệ sĩ múa Ấn Độ chia sẻ cảm xúc của cô về những điểm tương đồng trong văn hóa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất