Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động thế nào?

CÔNG HIẾU | 16/10/2021, 10:33

Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa chi nhánh sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động, từ 15/10.

VAMC là doanh nghiệp đặc thù, có hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, trực thuộc Ngân hàng nhà nước. Hàng năm, nhà nước sẽ phê duyệt một mức quota (hạn ngạch về số lượng hoặc giá trị) hoạch định về nợ xấu cho phép VAMC mua lại từ các tổ chức tín dụng.

Sàn giao dịch nợ VAMC có hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động thế nào? - 1

VAMC đã đưa chi nhánh sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động từ 15/10.

Tuy mới mẻ nhưng sàn giao dịch nợ VAMC được kỳ vọng sẽ hữu ích trong nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn cả thế giới bị ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Khi có hàng hóa, sàn giao dịch nợ sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua/bán. Sàn giao dịch nợ cũng có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.

Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới, sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ và kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Thành viên tham gia sàn bao gồm VAMC, các tổ chức tín dụng, các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ trong nền kinh tế theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh các dịch vụ mua bán nợ như môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, hoạt động mua bán nợ, sàn giao dịch nợ và chính sách quản lý của Nhà nước với hoạt động mua bán nợ nếu đáp ứng được điều kiện của sàn.

Ngoài ra, sàn giao dịch nợ VAMC còn có sự tham gia của các đối tác trung gian như tổ chức thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức môi giới, tư vấn…

Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ hai nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và từ các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng.

CÔNG HIẾU
Bài liên quan
Đề xuất thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý hiệu quả
Một số chuyên gia kinh tế đề xuất Việt Nam cần sớm thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo xu hướng của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia thưởng thức phở, ngắm cảnh Hồ Gươm
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cùng các thành viên Bộ Ngoại giao hai nước đã ăn sáng với phở, uống cà phê và đi bộ ngắm Hồ Gươm.
Mới nhất