Quốc lộ trong thành phố: Giao về cho địa phương quản lý là cần thiết

Hà Khánh-Thiên Lý-Lưu Sơn/VOV-TPHCM | 01/10/2022, 08:53

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, những tuyến đường nào chức năng, nhiệm vụ nào thuộc về địa phương thì mặc dù là Quốc lộ cũng nên nghiên cứu rà soát, đưa về cho địa phương quản lý cho phù hợp thực tế ở địa phương....

Thời gian qua, một số tuyến Quốc lộ ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Bà Rịa– Vũng Tàu đã xuống cấp, tồn tại nhiều bất cập, gây mất an toàn giao thông. Do các tuyến đường này do Bộ GTVT quản lý nên các địa phương nơi có tuyến đường đi qua không thể sửa chữa. Các địa phương đã có kiến nghị lên Bộ GTVT đề nghị bàn giao các tuyến đường này cho địa phương quản lý, để sửa chữa, duy tu và tổ chức giao thông phù hợp.

Tai nạn thường xuyên từ trạm thu phí bỏ hoang

Tuyến Quốc lộ 1K đi qua địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là tuyến đường quan trọng, lưu lượng giao thông rất lớn. Tuyến đường này do Cục Quản lý Đường bộ IV thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tạm quản lý sau khi dừng thu phí hoàn vốn đầu tư theo hình thức BOT.

 Thời gian gần đây, nhiều đoạn của tuyến đường bị xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông chập chờn, mặt đường lồi lõm, rác thải tràn lan…gây ảnh hưởng đến việc lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Bà Nguyễn Thị Phúc, người dân ở phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương lo lắng cho biết, đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông bởi vì mật độ xe lưu thông đông đúc mà lại không có đèn chiếu sáng.

"Đoạn qua ngã tư cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn và Quốc lộ 1K có người dừng trước thì người đi sau không thấy nên tông luôn. Còn ở ngã ba núi Châu Thới trước đây có đèn nhưng nay cũng không có mà đường gồ ghề, ổ gà nhiều, xuống cấp, không ai quan tâm sửa chữa nên dân rất bức xúc", bà Phúc nói.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 1K vào buổi sáng, không phải giờ cao điểm nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được áp lực giao thông khá căng thẳng. Người xe nườm nượp, nhất là xe container, xe tải, chạy liên tục trong khi trên tuyến đường có nhiều trường học, ngã tư…nên nguy cơ tai nạn là rất cao.

Đặc biệt, người dân bức xúc việc 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1K đã dừng hoạt động gần 2 năm nay nhưng vẫn án ngữ giữa đường, trở thành vật cản đối với các phương tiện tham gia giao thông. Ngay trong hành trình, chúng tôi cũng đã chứng kiến 2 vụ va chạm giao thông ở khu vực trạm thu phí bỏ hoang. Theo ghi nhận của chúng tôi, có 2 trong 4 cabin đã bị hư hỏng và dẹp bỏ, 2 cabin còn lại ọp ẹp, các thanh sắt hoen gỉ, phương tiện, vật liệu bỏ bừa bãi…

Chị Khánh Ngọc, nhà ngay trạm thu phí cho biết, tai nạn giao thông xảy ra ở đây như cơm bữa: "Việc này cũng thấy nhiều người cũng phản ảnh lên, không dùng nữa thì tháo cho an toàn giao thông chứ xảy ra tai nạn miết hà. Ở đây tối lắm người ta chạy dễ tai nạn. Có khi sáng mở cửa ra thì thấy xe vỡ bửng, máu me trước cửa nhà tùm lum, có bữa xe ô tô tông bể đầu xe".

Thực tế, chỉ tính riêng Quốc lộ 1K đoạn qua TP.HCM, từ tháng 12/2021 đến tháng 9/2022 tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp, đã xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng, tăng 3 vụ (+300%), tăng 3 người chết (+300%), tăng 2 người bị thương (+200%)…

Để đảm bảo an toàn giao thông, ngày 26/9 vừa qua, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT đề xuất chấp thuận giao Quốc lộ 1K (đoạn qua địa bàn TP.HCM) về cho địa phương quản lý, để thực hiện sửa chữa duy tu và tổ chức lưu thông phù hợp với thực tế. Tỉnh Bình Dương cũng nhiều lần có văn bản đề xuất Bộ có phương án sửa chữa hoặc giao về cho địa phương quản lý để chủ động sửa chữa, nâng cấp…

Trong khi đó, một tuyến quốc lộ huyết mạch khác trong khu vực là Quốc lộ 51, đoạn qua thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa– Vũng Tàu) dài 23km cũng đang quá tải và là điểm nóng về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, đặc biệt là tại các nút giao cùng mức, điểm giao giữa Quốc lộ 51 các khu công nghiệp. Trên tuyến này, hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng…có nơi chưa đồng bộ, sau mưa thường xuyên bị ngập nước gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hoá tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, kìm hãm sự phát triển của Bà Rịa– Vũng Tàu.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu cho biết, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 là nhiệm vụ cấp bách của Bà Rịa – Vũng Tàu. Do đó tỉnh mong muốn được Trung ương giao nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo tuyến đường này. Tuy nhiên, Quốc lộ 51 là tuyến đường thuộc Bộ giao thông quản lý, Công ty BVEC khai thác nên việc đầu tư là chưa phù hợp với Luật Ngân sách.

"Tuyến Quốc lộ 51 nằm trong dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý và khai thác, cho nên hiện nay trên tuyến BOT hiện hữu này không đầu tư thêm, nếu Bà Rịa– Vũng Tàu đầu tư thêm thì vướng Luật Ngân sách. Do vậy, Quốc hội phải có Nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù, còn trách nhiệm đầu tư là thuộc Bộ Giao thông vận tải", ông Chí nói.

Giao Quốc lộ về cho địa phương quản lý là phù hợp

Cục Quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT), đơn vị quản lý Quốc lộ 1K cho biết, dù thực tế có những bất cập trên tuyến nhưng đơn vị chưa được bố trí kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa. Đặc biệt, với các trạm thu phí bỏ hoang gây mất an toàn giao thông, đơn vị này cũng phải chờ các thủ tục chuyển đổi để xử lý theo quy định, chứ không thể tự ý phá bỏ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết, đoạn Quốc lộ 1K qua địa bàn TP.HCM đã có trong quy hoạch, khi bàn giao BOT vẫn thuộc phạm vi TP.HCM và chỉ cần Bộ GTVT có văn bản chấp thuận bàn giao thì đơn vị sẽ bàn giao. Riêng đoạn Quốc lộ 1K qua địa bàn Bình Dương và Đồng Nai thì đang làm thủ tục để chuyển tài sản, chờ ý kiến của Bộ Tài chính về việc sở hữu tài sản từ BOT qua sở hữu toàn dân, khi đó mới tiến hành dỡ bỏ các trạm thu phí.

"Trước mắt mình chỉ duy trì, bảo dưỡng thường xuyên chờ văn bản của Bộ Tài chính. Giờ ở đây mình đã lắp đèn chiếu sáng để chiếu sáng tạm thời xong, rồi bố trí ở cái dán phản quang ở một số tiểu đảo, đồng thời lắp hệ thống đèn xanh, đèn đỏ rồi", ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

Trao đổi với phóng viên VOV, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, cá nhân ông rất ủng hộ việc giao các tuyến Quốc lộ về cho địa phương quản lý. Bởi việc này cũng là thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Theo ông Tuấn, những tuyến đường nào chức năng, nhiệm vụ nào thuộc về địa phương thì mặc dù là Quốc lộ cũng nên nghiên cứu rà soát, đưa về cho địa phương quản lý.

"Thứ nhất là phân cấp phân quyền và kể cả trong tương lai lâu dài thì những tuyến đường nào mang tính chất kết nối huyết mạch giữa các trung tâm kinh tế thì cơ quan Trung ương quản lý. Còn cái nào chỉ mang tính chất nội bộ trong khu vực địa phương hay là tầm thứ yếu thôi thì bàn giao lại cho địa phương để chủ động nâng cấp quản lý, bố trí vốn ngân sách', ông Tuấn nói.

Rõ ràng, đề xuất của các địa phương về việc được quản lý các tuyến Quốc lộ trên địa bàn là phù hợp với chủ trương chung, phù hợp với thực tế. Qua đó sẽ giúp cho các địa phương được chủ động trong quản lý, sửa chữa, bảo trì…giúp khai thác tối đa tiềm năng của các tuyến đường và đặc biệt là đảm bảo an toàn giao thông./.

Bài liên quan
Thức ăn đường phố nhiều nguy cơ, vì sao nhiều người thích dùng?
TP.HCM có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố. Trong đó, các điểm bán ở xung quanh trường học, bệnh viện, khu dân cư… ẩn giấu rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Dù vậy nhiều người vẫn mua thức ăn đường phố, vì sao?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất