Quốc hội thảo luận: Những con đường làm thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội

10/06/2022, 16:43

Trong phiên họp ngày 10/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư những dự án giao thông quan trọng, điển hình là vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM, mà sau khi hình thành sẽ tạo thêm diện mạo mới cho bức tranh kinh tế - xã hội của các vùng được hưởng lợi từ dự án và các vùng liên quan.

Đổi đất lấy hạ tầng phải theo cơ chế ngang giá để tránh thất thoát nguồn lực.

ĐB Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được đầu tư xây dựng, sẽ góp một cứu cánh giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông thường nhật trên tuyến đường vành đai 3 hiện nay, giúp cho giao thông thuận lợi vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh phía Nam lên phía Bắc một cách nhanh chóng, vì không phải xuyên qua trung tâm Hà Nội, vốn quá đông đúc...

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng khẳng định việc hình thành các tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối mạng lưới giao thông để giãn áp lực về đô thị và lưu lượng giao thông tập trung vào khu vực trung tâm các thành phố, mà còn tạo sự liên kết không gian đô thị, thêm các nguồn lực phát triển vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

dai-bieu-hoang-van-cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường

ĐBQH Hoàng Văn Cường chia sẻ, mới chỉ nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã rất sôi động, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn.

Ông bật mí: Do vậy, nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cũng như tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách, mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách bằng việc khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường.

Vị ĐBQH và là Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị, cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP Hồ Chi Minh, Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường.

Ông cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận việc quy hoạch vùng lân cận hai bên đường thành các đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực); Tổ chức đấu thầu các dự án phát triển các trung tâm trên kèm theo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với đường vành đai và các hệ thống giao thông trong vùng...; thì trong phương án đầu tư, cần thực hiện theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng theo cơ chế ngang giá để tránh thất thoát nguồn lực.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cơ chế đề xuất việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối, được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và các công cụ định giá xác định giá trị thị trường.

Nếu cơ chế này được áp dụng, sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại; nhà nước không phải đầu tư ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hay đường gom, mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách. Vì đất đai xung quanh khu vực có tuyến đường đi qua đều có tiềm năng phát triển...

Gỡ điểm nghẽn phục hồi kinh tế

ĐB Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa khẳng định, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Đông Nam Bộ.

dai-bieu-truong-trong-nghia.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Ông Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.

Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định...

Góp ý vào chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, ĐB Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho các địa phương... Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng theo tiến độ xác định.

Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó, việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề quan trọng khác được đại biểu đề nghị là phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua và cho thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, nhằm giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, mọi việc đều phải tuân thủ đúng qui định của pháp luật

Bài liên quan
Giám đốc Sở Y tế thôi làm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội
Bà Trần Thị Nhị Hà, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mới được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất