Quốc hội thảo luận: Luật khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm"

13/06/2022, 15:50

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13/6 Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)...

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân...
Nguyên tắc là bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh
Theo Ban soạn thảo, dự án Luật được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh…
Đa số ý kiến ĐB Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết sửa Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, vì sau một thời gian thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập mà chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh; một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh…
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được nêu trong dự thảo luật, ĐB Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm cho rằng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.

dai-bieu-nguyen-thanh-cam.jpg

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm

"Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch Covid-19 vừa qua" - ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm nêu rõ.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, ĐB Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Minh Hiếu cho biết, dư luận đã từng phản ánh các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ĐB Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, lý do dẫn đến tình trạng này là do chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và y đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh… Do vậy, đại biểu Hiếu đề nghị nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Trong khi, Dự thảo mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề…

Cần qui định rõ ràng về xã hội hóa trong khám, chữa bệnh
Xã hội hóa, hợp tác lắp đặt thiết bị y tế tại bệnh viện công lập là chủ trương đúng, cần có quy định rõ ràng, tránh biến tướng, lợi ích nhóm, thổi giá… gây thiệt hại cho người dân.
Về vấn đề này, theo ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy, và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dự thảo luật có quy định về hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh khu vực nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản.

dai-bieu-nguyen-thi-thuy.jpg

ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy

Vị đại biểu cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và nhà nước để bù đắp thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Thực tiễn chứng minh sau một thời gian triển khai, chính sách đã đi vào cuộc sống và đem lại kết quả tích cực. Triển khai kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật y tế cao ngay tại trong nước. Đặc biệt, việc triển khai chính sách này giúp bệnh viện tuyến dưới khám chữa bệnh bằng kỹ thuật cao, hiện đại mà không phải chuyển tuyến, vượt tuyến.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại khi thời gian qua cũng có tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết, những máy móc xã hội hóa gây tốn kém túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy cũng băn khoăn, thực tế thời gian qua, việc thổi giá không chỉ được phát hiện khi dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện ở triển khai đề án xã hội hóa, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị ở một số bệnh viện công lập. Có thể lấy ví dụ vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỉ lên 39 tỉ làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho 64 bệnh nhân dùng máy này”
Và để xảy ra tình trạng này có vấn đề hành lang pháp lý còn thiếu chặt chẽ dẫn đến vừa khó khăn cho bệnh viện khi triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn tư nhân tham gia, dễ bị lợi dụng câu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và nhà nước.,.


Đưa vấn đề y đức vào dự thảo Luật
Phát biểu tại Hội trường, ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh nêu rõ: Vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Đây là vấn đề quan trọng cần phải được đưa vào vào luật dành một chương riêng.
Đại biểu cho rằng, bên cạnh rất nhiều cán bộ y tế, tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, tận tình chăm sóc người bệnh, xông pha trên tuyến đầu chống dịch như thời gian qua, còn không ít y, bác sỹ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ "lương y như từ mẫu"… Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức. 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quyết định khá cụ thể nhưng cần được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này.
Cho ý kiến về đánh giá năng lực người hành nghề - một trong những điểm mới nhất của dự thảo Luật, ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cường đề nghị, lộ trình đánh giá năng lực người hành nghề nên tập trung đánh giá năng lực hành nghề 3 chức danh: Bác sỹ; điều dưỡng; hộ sinh bởi vì 3 chức danh này chiếm khoảng 80% tổng số nhân lực trong cơ sở khám chữa bệnh và đáp ứng hầu hết nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân.
Về một số điều khoản liên quan đến nhân lực trạm y tế và các bệnh viện huyện, ĐB Quốc hội Lê Văn Cường cho biết, hiện nay trên cả nước có gần 2.000 trạm y tế không có bác sỹ. Sau ngày 1/1/2025, dự thảo luật quy định không cấp giấy phép hành nghề cho khối y sỹ dân sự. Việc thu hút bác sỹ được đào tạo chính quy về tuyến xã sẽ vô cùng khó khăn trước mắt và trong thời gian dài. 10 năm tới sẽ có những huyện không còn bác sỹ ở trạm y tế, ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân địa phương. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương hiện nay đang quá tải, gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị y tế và tài chính, chỉ đủ nguồn lực để đào tạo nhân lực và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho một số lượng không nhiều trạm y tế trên cả nước.
Đại biểu Lê Văn Cường đề nghị cần quy định chi tiết và các biện pháp thi hành thuận lợi cho điều phối nhân lực, thanh toán bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ, chính sách cho nhân viên y tế khi đăng ký làm việc tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. "Điều này sẽ thuận lợi cho bác sỹ ở trạm y tế có thể đăng ký khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện tới 50% thời gian để nâng cao trình độ.
Ngược lại, bác sỹ bệnh viện huyện có thể đăng ký 50% thời gian khám, chữa bệnh tại trạm y tế để đáp ứng nhu cầu có bác sỹ giỏi của người dân tại trạm y tế". Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chính sách miễn tiền học phí và hỗ trợ chi phí toàn khóa học đối với hệ bác sỹ đa khoa chính quy, đăng ký công tác khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở; tăng chỉ tiêu đào tạo, tăng số lượng biên chế và thực hiện thêm nhiều chính sách để trong 10 năm tới thu hút bác sỹ bệnh viện tuyến huyện, qua đó, vừa nâng cao năng lực của bệnh viện huyện, vừa giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sỹ tại trạm y tế trong tương lai.

Bài liên quan
“Cử tri đánh giá cao kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội"
Cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân Đại Toàn quốc Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất