Quân đội Đức bộc lộ nhiều vấn đề trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: DW | 03/12/2022, 20:17

Sau khi Nga mở chiến dịch tiến công Ukraine, giới lãnh đạo Đức cam kết đầu tư đầu tư 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội nước này... Nhưng cho tới nay, tiến bộ mà Đức đạt được trong lĩnh vực quân sự là không đáng kể.

Trong các ngày gần đây, truyền thông Đức giật các dòng tít lớn đáng báo động về tình trạng của quân đội nước này. Theo con số có lẽ rò rỉ từ nội bộ giới quốc phòng, quân đội Đức chỉ có đủ đạn dược cho 2 ngày chiến đấu kịch liệt.

Nếu thông tin của báo chí Đức là đúng, nguồn cung đạn dược của Đức thấp dưới tiêu chuẩn kỳ vọng của khối quân sự NATO mà theo đó, mỗi nước thành viên phải có đủ dự trữ đạn cho 30 ngày. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các chuyên gia quốc phòng cho rằng Đức cần đầu tư 20 đến 30 tỷ euro (tương đương 21-31 tỷ USD).

Còn có nhiều sự thiếu hụt khác. Tình trạng thiết bị của lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) đã từ lâu là một mối quan ngại. Truyền thông Đức trong nhiều năm đã ngập tràn các tin bài về việc xe tăng, máy bay trực thăng nước này cần sửa chữa, súng tiểu liên bắn không chuẩn, và binh sĩ Đức phải huấn luyện trong thời tiết giá lạnh mà không có trang phục cách nhiệt đủ đầy…

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz liền công bố “Zeitenwende” (bước ngoặt thời đại) - động thái được nhiều người trong và ngoài nước Đức hoan nghênh như một sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại và chiến lược quốc phòng.

Thủ tướng Scholz công bố tăng ngân sách quốc phòng hàng năm, đưa ngân sách này lên mức lớn nhất châu Âu, công bố quỹ đặc biệt 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội Đức.

Tranh cãi nội bộ

Nhưng 9 tháng sau đó, một số người phân vân núi tiền đó cụ thể như thế nào.

Vấn đề đạn dược đã tạo ra một cuộc tranh cãi giữa chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng Đức về bên nào phải chủ động: Ngành công nghiệp này tăng công suất trước hay chính phủ phải đặt hàng nhanh hơn?

Lars Klingbeil - thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội trung tả của Thủ tướng Scholz nói: “Nếu ngành công nghiệp Đức không thể xử lý được vấn đề này thì chúng ta phải xem liệu mình có mua được gì từ nước ngoài, chẳng hạn từ các nước đối tác trong NATO”.

Phản ứng lại phát ngôn của ông Klingbeil, người đứng đầu Hiệp hội công nghiệp quốc phòng - an ninh Đức, Hans Christoph Atzpodien, nói với hãng tin Đức DPA rằng các công ty vũ khí lớn của Đức đã tăng gấp đôi năng lực sản xuất của mình trong những tuần đầu của xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Rafael Loss - một chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói với đài DW của Đức rằng hiện đang có các quy định ngăn các công ty vũ khí chủ động sản xuất vũ khí hoặc vay tiền ngân hàng khi chưa có hợp đồng với nhà nước.

Ông Loss lo ngại rằng nước Đức thiếu nhận thức về tình trạng khẩn cấp khi phản ứng lại các ẩn ý địa chính trị từ việc Nga tấn công Ukraine.

Ông Loss nói: “Các nước khác đã hành động khẩn trương hơn, đặc biệt là ở Đông Âu, trong tạo ra các nhóm làm việc giữa chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng”.

Các nước NATO ở Đông Bắc Âu đã bày tỏ lo lắng Đức không phải là một đối tác quân sự để họ có thể trông cậy vào. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia đã nói thẳng với các đồng nghiệp Đức rằng sức mạnh quân sự của Đức hiện nay không đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Việc mua sắm mới chỉ bắt đầu

Đức đã đưa ra các đơn đặt hàng lớn dưới thòi Thủ tướng Scholz. Đức đã ký một thỏa thuận mua 35 chiếc máy bay tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất để thay thế cho đội máy bay Tornado đã bắt đầu “già nua”, với chi phí 200 triệu euro. Nhưng phải đến năm 2027, số máy bay này mới sẵn sàng sử dụng được.

Mua sắm quân sự luôn là một quá trình dài lâu. Các nước Tây Âu khác cũng gặp những vấn đề tương tự khi nâng cấp kho vũ khí của mình trong thời bình.

Câu chuyện quân đội Đức thiếu đạn dược nêu ra một phần là vì nguồn cung vũ khí của Đức cho Ukraine đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề dài hạn nữa. Trong vài thập kỷ qua, quân đội Đức đã thanh lý nhiều boong-ke dùng để lưu trữ vũ khí, đạn dược thời Chiến tranh Lạnh. Như vậy, nếu Đức nhận được lượng đạn dược đủ dùng trong 30 ngày, quân đội nước này sẽ phải vất vả xoay sở tìm chỗ cất trữ số đạn dược đó.

Quân Đức còn nhiều yếu kém nữa

Ủy viên quốc phòng Đức Eva Högl gần đây nói với tờ báo quốc gia Die Zeit của Đức rằng binh sĩ Đức vẫn phải huấn luyện mà không có các thiết bị bảo hộ cần thiết, đồ mặc giữ nhiệt và những thứ thiết yếu khác.

Bà Högl còn nêu ra yếu kém về hậu cần và tình trạng quan liêu trong quân đội Đức.

Bà Högl than phiền: “Trong quân đội Đức có những quan chức thờ ơ, vô cảm, phản ứng theo kiểu  nói đi nói lại “Thiếu cái đó ư, kiên nhẫn đi, chẳng phải vấn đề gì to tát cả, chúng tôi sẽ sớm gửi đến cho”./.

Bài liên quan
Phương Tây trì hoãn viện trợ cho Ukraine khiến Nga càng có lợi thế
VOVLIVE - Tình trạng thiếu hụt đạn dược của Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng nhận thức rõ về cái giá của sự trì hoãn. Trong khi đó, các lực lượng của Moscow hiện đang phóng số lượng đạn pháo gấp 7 lần đối phương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất