Phương Tây sẽ không để Ukraine vỡ nợ giữa lúc xung đột với Nga?

05/08/2022, 07:51

Khả năng vỡ nợ của Ukraine gần như chắc chắn xảy ra, tuy nhiên các khoản viện trợ từ phương Tây có thể giúp Ukraine vượt qua khó khăn trong thời gian trước mắt.

Cuối tháng 7, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã hạ 3 bậc xếp hạng nợ dài hạn của Ukraine, cho rằng kế hoạch mà nước này thông báo gần đây về việc chậm trả nợ có nghĩa là khả năng vỡ nợ gần như chắc chắn xảy ra.

Xung đột khiến Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

S&P hạ xếp hạng của Ukraine từ "CCC+" xuống "CC," sau khi Kiev đề nghị chậm thanh toán toàn bộ số nợ nước ngoài 24 tháng. Quan điểm của S&P cho rằng Ukraine phải thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu nợ, tức là là vỡ nợ.

Phương Tây sẽ không để Ukraine vỡ nợ giữa lúc xung đột với Nga? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đại sứ các nước G7 thăm cảng Odessa – trung tâm xuất khẩu quan trọng nông sản quan trọng của Ukraine. (Ảnh: EPA)

Trước đó, Fitch Ratings cũng hạ bậc tín nhiệm của Ukraine từ CCC xuống C. Công ty này cho rằng, đề nghị của chính phủ Ukraine về việc chậm trả nợ là một “quá trình giống như vỡ nợ”.

Đầu tháng 7, Kiev đã chính thức đề nghị chậm thanh toán trái phiếu và Bộ Tài chính Ukraine cho biết họ đã “nhận được dấu hiệu rõ ràng về sự ủng hộ” đối với kế hoạch này từ nhóm các chủ nợ lớn nhất, trong đó có BlackRock Inc., Fidelity International, Amia Capital và Gemsstock Ltd.

Ukraine đang tiêu tốn tiền bạc một cách nhanh chóng trong bối cảnh xung đột với Nga đã kéo dài hơn 5 tháng qua. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Ukraine có thể giảm 35% trong năm 2022 do hậu quả của chiến tranh. Lạm phát tại Ukraine được dự báo ở mức 31% vào cuối năm 2022, so với mức 10% của năm 2021.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc gần đây cũng chỉ chuyển được một phần kho dự trữ hiện tại của Ukraine. Năm 2021, Ukraine xuất khẩu 27,8 tỷ USD (22,6 tỷ bảng Anh) các sản phẩm nông nghiệp ra thế giới, chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Không có gì ngạc nhiên khi nền tài chính công Ukraine gặp khó khăn. Bộ Tài chính Ukraine ước tính thâm hụt khu vực công của nước này đã tăng từ 2 tỷ USD vào tháng 3/2022 lên tới 7 tỷ USD vào tháng 5.

Nếu Ukraine hết tiền, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc chiến hiện nay mà còn khiến nước này không thể trả lương cho y tá, giáo viên, sĩ quan cảnh sát, cùng các thành phần lao động quan trọng khác. Điều này cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực đối với người dân Ukraine, các dịch vụ quan trọng bị gián đoạn, các hộ gia đình không có khả năng thanh toán hóa đơn và mua thực phẩm. Đây là điều đáng quan ngại, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, tình hình sẽ không quá thảm khốc.

Phương Tây sẽ giúp Ukraine tránh bị vỡ nợ?

Ukraine đã nhận được tài trợ từ các đồng minh và vẫn còn nhiều khoản khác được hứa hẹn. Chẳng hạn, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh khoảng 5,3 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Biden chính thức nhậm chức, bao gồm khoảng 4,6 tỷ USD kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Đây không phải là sự hỗ trợ duy nhất mà Ukraine nhận được. G7 và EU đã công bố các cam kết tài trợ chính thức cho Ukraine trị giá 29,6 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã cam kết hỗ trợ thêm lên tới 9,1 tỷ USD, bên cạnh khoản vay khẩn cấp 1,2 tỷ USD trước đó. Khoản tiền này từ các đối tác quốc tế sẽ giúp Ukraine vượt qua khó khăn trong thời gian ngắn. Việc trả lãi cho khoản nợ này sẽ không phải là vấn đề ngay lập tức đối với Ukraine, mặc dù đó vẫn là một mối quan tâm.

Thách thức cấp bách hơn là trả các khoản nợ nước ngoài và trái phiếu chưa thanh toán. Do nguồn tiền hạn chế, Ukraine khó có thể thực hiện được nghĩa vụ trả nợ đúng hạn. Trên thực tế, nước này đã xin phép “đóng băng” khoản nợ nước ngoài khoảng 20 tỷ USD. Yêu cầu này ngay lập tức được các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Đức, chấp thuận.

Một thách thức khác đối với nền kinh tế Ukraine là cuộc xung đột vẫn đang diễn ra. Một cuộc chiến kéo dài sẽ chỉ mang lại nhiều bất ổn cho nền kinh tế của đất nước.

Do ảnh hưởng của xung đột, các thành phố của Ukraine liên tiếp bị trúng tên lửa, cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sắt và cảng cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Xung đột cũng không đem lại động lực đầu tư vào Ukraine ở giai đoạn này, từ đó tạo thêm một thách thức dài hạn khác đối với triển vọng kinh tế của Ukraine.

Trên thực tế, Ukraine đã vỡ nợ vào năm 2020. Đây không phải là một sự kiện thảm khốc, nhưng điều đó đã làm tăng lãi suất đối với bất kỳ khoản vay mới nào mà nước này tìm kiếm.

Các chủ nợ thường không muốn cho vay nếu có rủi ro họ sẽ không lấy lại được tiền. Tuy nhiên, tình hình chính trị và những tuyên bố hỗ trợ của các cường quốc phương Tây có nghĩa là Ukraine có nhiều khả năng nhận được tiền để ngăn chặn một vụ vỡ nợ khác. Những cam kết công khai như vậy cho thấy chính phủ các nước phương Tây có thể sẵn sàng trả một cái giá đắt để giữ cho Ukraine tồn tại, cả về quân sự và kinh tế.

Hoàng Phạm(VOV.VN)
Bài liên quan
Tổng thống Ukraine muốn Mỹ chuyển giao vũ khí nhanh nhất có thể
Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách bổ sung cho Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên tiếng kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này nhanh nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất