Phương Tây nhận định nhầm về năng lực quốc phòng Nga ở Ukraine?

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Eurasian Times | 22/11/2022, 08:12

Cả phương Tây và Ukraine đã có những nhận định không sát thực tế về kho vũ khí và năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga. Trong khi đó, dường như Nga đã chuẩn bị khá kỹ trong nhiều năm cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ.

Tính toán chưa chính xác về kho tên lửa và công nghiệp quốc phòng Nga

Vào giữa tháng 10/2022, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ước tính kho tên lửa đạn đạo và hành trình của Nga đang cực kỳ thấp. Ước tính đó của Ukraine là dựa trên kho tên lửa của Nga vào đầu xung đột quân sự Ukraine - Nga.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine ước tính rằng vào ngày 24/2, Nga có 900 tên lửa Iskander-M, 500 tên lửa Kalibr và 400 tên lửa KH-101.

Sau 8 tháng chiến sự, kho tên lửa trên được phía Ukraine ước tính chỉ còn 123 tên lửa Iskander, 272 tên lửa Kalibr và 213 tên lửa KH-101.

Trong khi đó, theo các nguồn khác nhau, Nga sử dụng khoảng 90 tên lửa hành trình và UAV cảm tử để tấn công cơ sở hạ tầng và các trung tâm chỉ huy, liên lạc của Nga vào ngày 15/11. Vào ngày 17/11, Nga lại mở thêm một đợt không kích nữa, cũng sử dụng tên lửa và UAV.

Tình báo Mỹ cũng tính toán nhầm. Ngay sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine” bắt đầu, tình báo Mỹ cho rằng Nga sẽ hết tên lửa Kalibr vào ngày 20/3.

Ngoài đánh giá thấp kho vũ khí ban đầu, giới chức phương Tây còn nhầm trong đánh giá về năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây.

Vào tháng 10/2022, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ “đang cản trở năng lực của công nghiệp quốc phòng Nga trong sản xuất vũ khí, cũng như thay thế các vũ khí bị phá hủy trong xung đột vũ trang”.

Khi ấy, Thứ trưởng Adeyemo đánh giá: “Nga đang hết dần các thiết bị vi điện tử có vai trò trọng yếu đối với tổ hợp công nghiệp-quân sự. Giới chức Nga quan ngại họ không có đủ các linh kiện nước ngoài. Hai trong số các nhà sản xuất vi điện tử nội địa lớn nhất của Nga đã tạm thời ngừng sản xuất do thiếu các công nghệ nước ngoài thiết yếu”.

Số lượng vũ khí dự trữ trong kho là thông tin mật ở mọi quốc gia và chỉ một số ít lãnh đạo của mỗi quốc gia là được tiếp cận thông tin đó.

Về lâu dài, có thể Nga sẽ thay thế các linh kiện vi điện tử của phương Tây bằng các yếu tố điện tử của Nga cồng kềnh hơn nhưng có hiệu quả ngang bằng, dựa trên các thiết bị vi điện tử ít tiên tiến hơn.

Việc chuyển sang sử dụng các linh kiện điện tử của Nga sẽ mất nhiều tháng, nhưng cuối cùng, việc sản xuất có thể sẽ trở lại mức độ Nga mong muốn để duy trì chiến dịch quân sự của họ.

Dấu hiệu Nga dày công chuẩn bị cho xung đột quân sự với Ukraine

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine chính thức bắt đầu vào ngày 24/2/2022 nhưng có lẽ ngay từ năm 2014, khi nổ ra chính biến Maidan ở Ukraine, Nga có thể cảm nhận họ sẽ phải tiến hành một chiến dịch quân sự như thế và đã bắt tay chuẩn bị. Không loại trừ khả năng Nga đã xây dựng kho tên lửa dẫn đường chính xác trong nhiều năm trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ bắt đầu.

Ngoài ra, trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp vũ khí Nga đã tuân thủ sắc lệnh của Tổng thống Nga cấm sử dụng các linh kiện nước ngoài. Do vậy, đánh giá của phương Tây về tác động mạnh của các lệnh trừng phạt lên hàng vi điện tử xuất khẩu sang Nga có thể phần lớn chỉ là mong muốn chủ quan.

Chính tờ New York Times của Mỹ cũng trích dẫn Mark Kansian - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thừa nhận rằng “ít quan chức ở phương Tây có thông tin chính xác về kho vũ khí của quân đội Nga”.

New York Times cho rằng Nga vẫn có năng lực mở tiếp các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn trong những ngày qua với 4 giả thiết sau: Thứ nhất, Nga mua được tên lửa và UAV từ Iran và Triều Tiên. Thứ hai, các ước tính trước đó về kho tên lửa của Nga là không chính xác. Thứ ba, Nga có khả năng sản xuất một lượng lớn tên lửa bằng việc huy động các doanh nghiệp quốc phòng và yêu cầu họ sản xuất liên tục. Thứ tư, Nga đang sử dụng các tên lửa phòng không theo chế độ tấn công đất đối đất.

Các cách giải thích thứ hai, thứ ba và thứ tư nêu trên được cho là sát thực tế.

Cách giải thích thứ nhất có thể không chính xác ở một điểm là không có bằng chứng nào về việc Nga sử dụng tên lửa và UAV của Triều Tiên. Còn về chi tiết Iran, khả năng lớn hơn là Iran dã chuyển giao cho Nga công nghệ và thiết bị sản xuất các UAV của Iran. Khi ấy, Mỹ sẽ khó thực hiện ngăn chặn thông qua tấn công các cơ sở lưu trữ và vận chuyển UAV tại Iran.

Dường như Nga đã dày công chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang kéo dài.

Giới chức quân sự Mỹ bắt đầu điều chỉnh nhận định

Hiện nay đã có những bằng chứng cho thấy có thể cả Mỹ và khối quân sự NATO nhận ra rằng đánh giá ban đầu của họ - Nga sẽ không thể chiến đấu dài lâu trước một nước Ukraine được vũ trang hạng nặng và được cung cấp đầy đủ các mặt - là sai.

Bình luận gần đây của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, gợi ý khả năng Ukraine khó lòng tái chiếm lãnh thổ vừa mất vào tay Nga trong thời gian ngắn trước mắt. Có lẽ tướng Milley đã đưa ra nhận định như vậy dựa trên đánh giá của cá nhân ông, đó là nước Nga có đủ phương tiện để tiếp tục chiến đấu ở Ukraine trong một thời gian dài.

Đánh giá của viên chỉ huy cấp cao Miley gần như chắc chắn dựa trên các thông tin tình báo và dữ liệu chất liệu cao mà Mỹ thu được. Chưa có quan chức Mỹ nào bác bỏ nhận định của tướng Miley.

Không phải ngẫu nhiên trong bối cảnh ấy (Ukraine khó giành lại lãnh thổ thông qua vũ lực), một số quan chức Mỹ đã bắt đầu cổ xúy cho việc Ukraine cần phải đàm phán hòa bình với Nga./.

Bài liên quan
Phương Tây rơi vào thế không được phép sai lầm ở Ukraine 2024
Giới chuyên gia quốc tế tiếp tục nhận định động thái của phương Tây đối với Ukraine trong thời gian tới. Họ cho rằng trong năm 2024 này, phương Tây không được phép mắc sai lầm trong tính toán liên quan đến Ukraine như hồi năm 2022 và 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất