Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Dòng vốn vẫn chảy đều vào nền kinh tế

(Nguồn: vietnamplus) | 12/10/2021, 20:30

Trong 9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Chiều 12/10, tại họp báo hoạt động ngân hàng quý 3/2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, "mạch máu" dòng tiền vẫn diễn ra trôi chảy, hoạt động của các ngân hàng vẫn an toàn.

Tín dụng tăng trưởng 7,42%

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hoạt động của các ngân hàng vẫn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Dòng vốn vẫn chảy đều vào nền kinh tế - 1

Quang cảnh tại buổi họp báo. (Ảnh: CTV/Vietnam Plus)

Nhờ các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Phó Thống đốc, tính đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). “Đây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, nhu cầu vốn vẫn tăng”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Đào Mạnh Tú cho biết từ nay tới cuối năm, mục tiêu tăng trưởng còn hơn 4,5%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cả năm 12% này cũng tùy vào tình hình thực tế của nền kinh tế. "Nếu lạm phát ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới thêm trần tín tín dụng cho các ngân hàng để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp", ông Tú nói.

Theo Phó Thống đốc, trong thời gian khó khăn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp bằng nhiều chính sách như giảm lãi suất và cơ cấu nợ theo Thông tư 01 (đã sửa đổi bởi Thông tư 03 và Thông tư 14).

Về việc nhiều doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Phó Thống đốc đánh giá những mong muốn này là chính đáng, tuy nhiên thời hạn cơ cấu kéo dài tới 30/6/2022 (theo Thông tư 14) là hợp lý trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động đối với chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.

"Chúng tôi vừa đề xuất sửa điều kiện cho vay đối với chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phụ hồi sản xuất. Theo đó, thay vì doanh nghiệp phải đảm bảo đủ 3 điều kiện: Ngừng sản xuất vì dịch bệnh; xác nhận nộp thuế và không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn, chúng tôi xin đề xuất bỏ 2 điều kiện về xác nhận nộp thuế và không có nợ xấu. Như vậy, với điều kiện duy nhất là ngừng việc trong dịch, chương trình này sẽ được 'mở bung' để hỗ trợ cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc thông tin.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thông tin thêm, tính đến cuối tháng Chín, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tái cấp vốn để các ngân hàng cho vay đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và VNA đã ký hợp đồng tín dụng  với các ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

Không chỉ VNA, Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm việc với các hãng hàng không khác để tìm cách tháo gỡ khó khăn, bởi theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc phục hồi hàng không là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là một số hãng còn non trẻ, mới ra đời đã gặp ngay cơn bão.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Dòng vốn vẫn chảy đều vào nền kinh tế - 2

Ngoài ra, sau hơn 1 tháng kể từ khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng.

"Thời gian qua, mạch máu dòng tiền vẫn diễn ra trôi chảy, hoạt động của các ngân hàng vẫn an toàn. Đặc biệt, ngành ngân hàng thực hiện chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Quốc hội về các chính sách, bao gồm cả chính sách triển khai cấp bách nhưng có ý nghĩa chính trị như thu mua lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đã giảm hơn 11.800 tỷ đồng tiền lãi

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch và doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.

Về việc giảm lãi suất, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm mạnh và nhanh lãi suất điều hành phát tín hiệu cho lãi suất thị trường giảm trong năm và kéo dài sang năm 2021.

Tính từ đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7%, trong khi lãi suất huy động giảm 0,4%.

Tính đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 cho 278.000 khách hàng, với dư nợ 238.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho biết do tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng.

Thời gian tới, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.

(Nguồn: vietnamplus)
Bài liên quan
NHNN đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính hỗ trợ đấu thầu, nhập khẩu vàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi đi loạt văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện quản lý thị trường vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là "một dấu mốc bằng vàng chói lọi"
Sáng nay (17/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/7/2024).
Mới nhất