Philippines sắp mua tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới của Ấn Độ

Nguồn: Straits Times, India Express | 04/03/2021, 18:12

Philippines và Ấn Độ vừa ký thỏa thuận tạo cơ sở cho kế hoạch mua sắm tên lửa hành trình BrahMos, một sản phẩm hợp tác của Ấn Độ và Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Raymund Elefante và Đại sứ Ấn Độ Shambu Kumaran ký thỏa thuận hôm 2/3 tại Doanh trại Aguinaldo, trụ sở của Lực lượng Vũ trang Philippines, theo Facebook của Bộ Quốc phòng Philippines.

Thỏa thuận liên quan đến việc Philippines mua sắm vật tư và thiết bị quốc phòng từ Ấn Độ - đối thủ siêu cường mới nổi của Trung Quốc ở châu Á.

Philippines sắp mua tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới của Ấn Độ - 1

Philippines và Ấn Độ vừa ký thỏa thuận tạo cơ sở cho kế hoạch mua sắm tên lửa hành trình BrahMos, một sản phẩm hợp tác của Ấn Độ và Nga. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, người chứng kiến ​​lễ ký cho biết: “Chúng tôi sẽ mua tên lửa BrahMos". Dù vậy ông chưa cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch mua sắm.

BrahMos là tên lửa siêu thanh tầm trung có thể phóng từ tàu ngầm, tàu thủy, máy bay hoặc đất liền. Nó đang được xem là tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới.

Ông Lorenzana cho biết thỏa thuận lần này đóng vai trò là hướng dẫn cho Philippines và Ấn Độ về "các chính sách và thủ tục trong mua sắm quốc phòng", đồng thời đóng vai trò là "khuôn khổ pháp lý cho việc mua sắm theo phương thức chính phủ đối với chính phủ".

Theo Straits Times, hệ thống tên lửa BrahMos, có thể được sử dụng trong phòng thủ bờ biển và tấn công mặt đất, dự kiến sẽ tăng cường sức mạnh hỏa lực của quân đội Philippines khi đối mặt với các mối đe dọa trên biển, trong bối cảnh các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các kế hoạch mua sắm BrahMos của Philippines bị đình trệ vào năm ngoái do hạn chế về ngân sách với tác động từ COVID-19.

Trong các dịp riêng biệt vào tháng 1 năm nay, Đại sứ Kumaran và giám đốc điều hành của BrahMos Aerospace, Sudhir Mishra đã đến thăm quân đội Philippines, “khách hàng” tiềm năng của tên lửa BrahMos.

Là sự kết hợp giữa tên của sông Brahmaputra (Ấn Độ) và Moskva (Matxcơva, Nga), tên lửa BrahMos được BrahMos Aerospace thiết kế, phát triển và sản xuất. Đây là một công ty liên doanh do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), Bộ Quốc phòng Ấn Độ và cơ quan thiết kế tên lửa Mashinostroyenia của Nga thành lập.

Nhiều phiên bản khác nhau của BrahMos, bao gồm loại có thể bắn từ đất liền, tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu Sukhoi-30 đã được phát triển và thử nghiệm thành công trước đây. Các phiên bản đầu tiên của BrahMos phóng từ tàu và hệ thống trên mặt đất lần lượt được Hải quân và Lục quân Ấn Độ sử dụng kể từ năm 2005 và 2007.

BrahMos là một tên lửa hai giai đoạn với giai đoạn đầu là động cơ đẩy chất rắn và giai đoạn hai là động cơ phản lực dòng thẳng chất lỏng. Các tên lửa hành trình như BrahMos được bắn từ phạm vi đủ để cho phép người tấn công né tránh hỏa lực phòng thủ của đối phương. Các phiên bản BrahMos đang được thử nghiệm có tầm bắn mở rộng khoảng 400 km, so với tầm bắn ban đầu là 290 km, với nhiều phiên bản tầm cao hơn hiện đang được phát triển.

Tổ hợp Brahmos trên đất liền có 4 đến 6 bệ phóng tự động di động, mỗi bệ có 3 tên lửa có thể bắn gần như đồng thời. Phiên bản BrahMos trên mặt đất của có khả năng bay với tốc độ 2,8 Mach (3.430 km/h) và với khả năng nâng cấp, tên lửa có thể bắn chính xác mục tiêu ở cự ly 400 km. Các phiên bản nâng cao có tầm bay trên 1.000 km và tốc độ lên tới 5 Mach (6.125 km/h) được cho là đang được phát triển.

Trong khi đó, các tên lửa BrahMos trên tàu giúp tăng đáng kể khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước của hải quân ở tầm xa. 

Sukhoi-30 được trang bị BrahMos có thể được xem là sức mạnh răn đe chiến lược đáng gờm đối với các đối thủ dọc theo biên giới đất liền. Không quân Ấn Độ được cho là đã tích hợp BrahMos với 40 máy bay chiến đấu Sukhoi-30 trên các căn cứ khác nhau.

Nguồn: Straits Times, India Express
Bài liên quan
Loại vũ khí bất ngờ giúp Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga
VOVLIVE - Khinh khí cầu mang chất nổ được đánh giá là vũ khí bất đối xứng, có thể giúp Ukraine tăng cường khả năng tấn công chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất