Phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới

Thủy Tiên/VOV1 | 21/12/2022, 08:08

Theo Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, lực lượng tác giả trẻ ngày càng mỏng, rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hoá phong phú nhưng không có tác giả trẻ sáng tác.

Diễn ra vào sáng 20/12, Hội thảo khoa học “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT các DTTSVN) tổ chức đã đánh giá những thành tựu cũng như những mặt tồn tại trong những năm qua để xác định các định hướng phát triển trong thời kỳ mới.

Qua 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội VHNT các DTTSVN đã tích cực tổ chức hàng trăm chuyến đi thực tế, bồi dưỡng sáng tác cho hơn 30 lớp cho các tác giả trẻ, khích lệ hội viên sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm.

Đến nay, nhiều tác giả đã đoạt giải trong nước và quốc tế, các tác phẩm xuất sắc đều thể hiện thành công cả hình thức và nội dung, nhưng trên hết là yếu tố văn hoá. Đây chính là yếu tố quan trọng nhắc nhở tác giả trẻ về sự tiếp thu có chọn lọc, kết hợp khéo léo giữa cái mới và bản sắc truyền thống dân tộc.

Ông Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho rằng: “Mỗi một giai đoạn đều có trách nhiệm của người cầm bút, của văn nghệ sỹ đối với thời đại của mình, chẳng hạn như từ trước đối với cuộc kháng chiến trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Thế nhưng bây giờ là công cuộc xây dựng mới, đòi hỏi những người viết phải có kiến thức mới, hiểu biết mới về thời đại, nhất là thời đại mà chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất nhiều, kể cả kinh tế xã hội, về mặt lực lượng, nhất là giới trẻ hiện nay, càng ngày sự hiểu biết họ càng nhiều hơn. Vậy thì nắm bắt tâm lý của thời đại để phản ánh trong tác phẩm văn học nghệ thuật lại là một câu chuyện".

Cùng việc định hình phong cách viết trong thời đại mới, một số tác giả cũng băn khoăn về thực trạng “già hoá” trong Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, lực lượng tác giả trẻ ngày càng mỏng, rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hoá phong phú nhưng không có tác giả trẻ sáng tác.

Theo anh Nông Quang Khiêm, thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, Hội cần có nhiều chương trình, hoạt động phong phú hơn để thu hút sự tham gia của các tác giả trẻ.

“Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong những năm qua đã có sự quan tâm và có những giải pháp nhưng để hoạt động được mạnh hơn, tập hợp được phong trào, thu hút được các tác giả trẻ nhiều hơn, tôi nghĩ cần phải có nhiều hoạt động như có thể mở thêm các trại sáng tác, mở thêm các cuộc thi. 

Từ các cuộc thì có thể phát hiện thêm các tác giả trẻ dân tộc thiểu số, chúng ta có thể mở thêm các lớp bồi dưỡng văn học, các cuộc tọa đàm, cũng có thể tổ chức những cuộc tọa đàm trực tuyến, vừa không tốn kém mà lại mang lại hiệu quả" - anh Khiêm chia sẻ.

Nhằm nâng cao chất lượng của các tác phẩm văn học, nghệ thuật đậm chất dân tộc trong thời đại mới,  PGS.TS Trần Thị Việt Chung, trường Đại học Thái Nguyên cho rằng cần thực hiện 3 nhánh giải pháp để phát huy vai trò, nhiệm vụ của công tác nghiên cứu lý luận và phê bình trong giai đoạn phát triển mới của đời sống văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Thị Việt Chung: “Cần phải củng cố xây dựng đội ngũ những người làm nghiên cứu lý Luận phê bình văn học dân tộc thiểu số ngày càng đông đảo hơn, trẻ hơn, có sự am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa các tộc người dân tộc thiểu số Việt Nam.

Thứ hai, cần phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo hơn nữa về tác giả tác phẩm văn học, cụ thể được đánh giá cao như là đạt giải thưởng Nhà nước giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng ASEAN.

Thứ 3, cần tạo điều kiện, đầu tư một cách xứng đáng hơn đối với những người làm công tác nghiên cứu lý uận, phê bình văn học nói chung văn học dân tộc thiểu số nói riêng, về cả tinh thần và vật chất. Ví như có chế độ đặt bài, chế độ viết các công trình nghiên cứu luận, phê bình với mức chi nhuận bút xứng đáng”.

Một vấn đề nữa được nhiều diễn giả quan tâm là mong muốn cơ chế tài chính thoả đáng, ổn định để tạo điều kiện cho Hội phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài giới thiệu, phổ biến những tác phẩm xuất sắc tới đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế./.

Bài liên quan
“Xốc” lại công tác quảng bá, sáng tác văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số
Việc đầu tư phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ vẫn còn bỏ ngỏ, chưa phát triển đúng tầm vì thiếu sức người sức của; các tác phẩm chưa được phổ biến rộng rãi vào đời sống đồng bào, nhất là lớp trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là "một dấu mốc bằng vàng chói lọi"
Sáng nay (17/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/7/2024).
Mới nhất