Phát thanh cần cập nhật công nghệ để lan tỏa, cạnh tranh với giải trí số

Minh Thắm, Vũ Hường/VOV-TP.HCM | 05/08/2022, 16:41

Người làm phát thanh cần xóa bỏ những lối mòn, thiết lập tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với thị hiếu mới của công chúng khán thính giả hiện đại.

Sáng 5/8, tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM diễn ra hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến” nhằm tìm ra cách thức, giải pháp để phát thanh luôn phát triển và là sự lựa chọn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Bình – Phó Giám đốc Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) cho biết trong thời gian qua, ngoài phát trên sóng radio truyền thống, đài VOH đã đưa nhiều chương trình phát thanh giải trí lên các nền tảng mạng xã hội và thu được những hiệu ứng rất tích cực, giúp gia tăng số lượng khán giả tiếp cận và tương tác với các chương trình. Việc số hóa nội dung là điều bắt buộc trong tiến trình phát triển của ngành phát thanh hiện nay. Nhưng để nội dung phát thanh giải trí của các Đài cạnh tranh được với các nội dung giải trí khác vốn đang rất bùng nổ trên các nền tảng trực tuyến không phải là điều dễ dàng.

Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng để cạnh tranh, người làm phát thanh cần xóa bỏ những lối mòn, thiết lập tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với thị hiếu mới của công chúng khán thính giả hiện đại.

“Nếu chúng ta sản xuất nội dung trên sóng radio truyền thống như thế nào, chúng ta đem qua hệ thống nền tảng số như thế đó thì chắc chắn sẽ phá sản. Hiện nay đòi hỏi người làm phát thanh phải cập nhật công nghệ và phải biết chấp nhận cuộc chơi, luật chơi của hệ thống số hiện nay. Luật chơi đó như thế nào thì người làm phát thanh phải học và đôi khi phải biết tìm những người, những đối tác có kinh nghiệm về lĩnh vực này để cùng phát triển”, ông Bình nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông cho rằng những nhà Đài, những người làm phát thanh cần phải chuyển đổi, cập nhật nhanh hơn nữa, nhất là với loại hình podcast đang rất thịnh hành, được giới trẻ ưa chuộng hiện nay.

Theo ông Tuyến, với sự hỗ trợ của công nghệ và nền tảng số, một cá nhân hay một tổ chức đều có thể dễ dàng sản xuất và phát hành được một sản phẩm phát thanh. Điều này tạo ra thách thức lớn cho các đài phát thanh. Tuy nhiên, thị trường podcast của Việt Nam vẫn chỉ mới manh nha, còn sơ sài, chưa có nhiều nội dung hấp dẫn. Do đó, các đài phát thanh có thể tận dụng thế mạnh sẵn có về nội dung, về sự am hiểu thính giả để đầu tư, xây dựng các chương trình podcast có chất lượng cao hơn, thu hút thính giả hơn.

“Những nền tảng podcast hiện có như apple podcast, androi podcast hay spotify các bạn trẻ làm rất nhiều và sáng tạo, tuy nhiên cảm nhận về thính giá vẫn còn thiếu. Điều đó khiến cho podcast ở Việt Nam vẫn đang dừng lại ở dạng thức trò chơi hơn là đầu tư cho việc thính giá muốn nghe gì”, ông Tuyến cho hay.

Tại hội thảo, đại diện một số Đài địa phương như Bình Dương và Long An cho biết các đơn vị cũng đang chú trọng và rất mong muốn đưa các nội dung giải trí lên các nền tảng số tuy nhiên lại gặp vướng mắc trong vấn đề bản quyền âm nhạc.

Về câu chuyện bản quyền này, bà Tôn Nữ Như Ngọc, Giám đốc phát hành Believe Việt Nam chia sẻ, mỗi nền tảng số như youtube, facebook hay tiktok đều có những quy định riêng về vấn đề bản quyền âm nhạc nhưng đa số các quy định này đều có quy trình xử lý thông suốt để đảm bảo quyền lợi cho các bên, chỉ là người dùng chưa hiểu nên khi nhận được các thông báo thì thấy lo lắng và nghĩ là khó giải quyết.

“Khi gặp những trường hợp liên quan đến thông báo về bản quyền âm nhạc, mọi người đừng hoảng loạn vì chúng ta sẽ có từng quy trình để gỡ các vi phạm này ra và nó sẽ không ảnh hưởng gì đến kênh youtube hay facebook của mọi người. Mọi người phải cập nhật thông tin và làm liên tục. Mọi người đừng đăng lên rồi nhận được thông báo thì sợ và ẩn đi mà hãy cứ thử giải quyết một vài trường hợp, chúng ta sẽ nắm được quy trình dễ dàng”, bà Ngọc nói.

Tại hội thảo, nhiều nghiên cứu mới về hành vi của người dùng khi nghe nhìn, chọn lọc thông tin giải trí hay trả tiền cho các nội dung chất lượng cũng đã được chia sẻ. Với sự phát triển của công nghệ 4.0, tất cả các loại hình báo chí trong đó có phát thanh cần phải đổi mới mình hơn nữa, ứng dụng đa nền tảng để sản xuất các chương trình để thu hút được người dùng, người nghe./.

Bài liên quan
Những dấu ấn thành công tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV
Qua 5 ngày tổ chức, với sự hỗ trợ rất nhiệt tình của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TP, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV gặt hái được rất nhiều thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất