Nữ doanh nhân và ước vọng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển tại Trung Quốc

18/01/2022, 13:53

Trung Quốc hiện đã có Hội Doanh nghiệp của 19 quốc gia, mong mỏi của chị là Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc sẽ sớm chính thức trở thành tổ chức tiếp theo.

Phan Thị Trà My, một nữ doanh nhân 8X, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc công ty Phumo chuyên kinh doanh đệm cao su Việt Nam tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Với kinh nghiệm gần 10 năm hoạt động tại thị trường khổng lồ này, chị luôn ấp ủ những dự định để nâng tầm thương hiệu hàng Việt và tập hợp cộng đồng doanh nhân người Việt tại Trung Quốc dưới một mái nhà chung để cùng nhau phát triển lớn mạnh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về ngành y, Trà My ban đầu cũng theo học chuyên ngành y học cổ truyền. Khi làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Cát Lâm, vùng Đông Bắc Trung Quốc, chị đã làm luận án về trẻ tự kỷ, bởi ước mơ ban đầu của My là về nước mở Trung tâm phục hồi chức năng cho những đứa trẻ đặc biệt này.
Nữ doanh nhân và ước vọng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển tại Trung Quốc  - ảnh 1Trà My giới thiệu sản phẩm đệm cao su Việt Nam trước Hội nghị khách hàng tại tỉnh Sơn Đông năm 2017. Ảnh nhân vật cung cấp

 Tuy nhiên, quyết định lập gia đình tại Trung Quốc đã đảo lộn mọi dự định ban đầu của chị. Là một phụ nữ độc lập, My bắt tay gây dựng sự nghiệp của mình tại đây. “Tôi muốn tự mình làm chủ, muốn đưa thương hiệu hàng Việt sang Trung Quốc, nên quyết định đứng ra mở công ty.” – My nói.

Mang thương hiệu hàng Việt đến với người tiêu dùng Trung Quốc

Chị đã đi khảo sát nhiều công việc, nhiều ngành hàng. Đã có những gợi ý về các mặt hàng quen thuộc của Việt Nam, như đồ gỗ, trầm hương, nông sản..., tuy nhiên chị muốn phát triển một loại sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, nhưng liên quan tới chăm sóc sức khỏe – lĩnh vực mà chị yêu thích và đúng sở trường.

Chị gái làm trong ngành cao su đã giới thiệu cho Trà My về những chiếc đệm cao su phổ biến với các gia đình Việt Nam. Với họ, nằm đệm cao su vừa kháng côn trùng vừa thông thoáng, lại nâng đỡ cột sống. Đó là vào năm 2013 và My bắt đầu khảo sát thị trường Trung Quốc. Chị kể:  “Vào thời điểm đó, nhắc đến cao su nhiều người dân Trung Quốc còn chưa biết, chứ đừng nói đến đệm cao su. Tôi đã đi khắp vùng Đông Bắc Trung Quốc, rồi lên Bắc Kinh, Thượng Hải, xuống cả Thâm Quyến, Quảng Châu, nhưng không một trung tâm thương mại nào ở các địa phương này có bán đệm cao su. Trong khi đó, cao su là nguồn tài nguyên công nghiệp của Việt Nam. Nắm rõ vị thế ngành cao su thiên nhiên Việt Nam trên thế giới, nên tôi chọn sản phẩm đệm gối cao su Việt Nam để đưa đến giới thiệu với người dân nơi đây. Đối với một thị trường chưa hiểu về sản phẩm này, bắt tay gây dựng từ đầu quả là khó khăn, nhưng với tôi đó cũng là cơ hội.”
Nữ doanh nhân và ước vọng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển tại Trung Quốc  - ảnh 2Hai mẹ con chị Trà My

 Trà My đã đàm phán với các công ty của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm đệm cao su của Tập đoàn ở Trung Quốc trong 20 năm.

 Để có được 17 showroom lấy tên là gian hàng quốc gia Việt Nam đặt tại các trung tâm thương mại ở Trung Quốc như hiện nay, Trà My đã phải nỗ lực rất nhiều, bởi người Trung Quốc chỉ quen với các thương hiệu Âu, Mỹ. Tại khu vực Đông Nam Á, nhắc đến hàng tiêu dùng, họ cũng biết đến Thái Lan nhiều hơn Việt Nam.

Cạnh tranh thị trường luôn khốc liệt, chỉ một thời gian sau khi chị đưa sản phẩm gối đệm cao su Việt Nam đến Trung Quốc, các mặt hàng tương tự của Thái Lan, thậm chí hàng giá rẻ sản xuất ngay tại Trung Quốc cũng được tung ra thị trường.

Mặc dù gặp không ít khó khăn trong kinh doanh, nhưng chị luôn tâm niệm phải phát triển một thương hiệu hàng Việt chất lượng cao. “Tôi biết rất rõ giá cả mủ cao su thiên nhiên và tôi không cho phép mình cuốn theo cơn bão cạnh tranh về giá. Thay vào đó, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu phát minh cốt lõi, làm cho đệm cao su Việt Nam góp phần cải thiện giấc ngủ, nâng đỡ cột sống, góp phần giảm bớt những cơn đau do bệnh lý về cột sống, thoái hoá, thoát vị đĩa đệm gây ra. Bên cạnh đó, tôi cho sản xuất những mặt hàng theo phân khúc cân nặng và chiều cao của khách, để họ tìm được những cái gối, cái đệm hợp với thể trạng và sức khoẻ của mình nhất.”

 Ước vọng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn mạnh

 Sau nhiều năm kinh doanh tại Trung Quốc, Trà My có dịp tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp các nước và tham dự nhiều sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư, hội trợ, triển lãm, hội nghị ở nước sở tại. Chị phát hiện, các nước khác đều có Hội Doanh nghiệp. Họ hoạt động rất mạnh và trở thành nhịp cầu thương mại, đầu tư không thể thiếu giữa doanh nghiệp hai quốc gia. Vậy tại sao Việt Nam không có?

 “Bản thân tôi là người Việt làm doanh nghiệp tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước bạn thường tìm đến tôi khi có nhu cầu với tất cả những sản phẩm liên quan đến Việt Nam, ví dụ như cần tìm nguồn hàng nông sản, cà phê, gạo, tiêu, điều, trái cây tươi, thuỷ hải sản Việt Nam… Vì vậy, tôi cũng mong muốn được tham gia vào những tổ chức như vậy, để chia sẻ kịp thời các thông tin, các cơ hội cho những anh chị em khác. Ai cũng cần một tổ chức, nhất là khi ở nơi đất khách quê người, doanh nghiệp chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng mong muốn có một mái nhà để về, có các anh chị em sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hỏi...” – Chị tâm sự.

Những dự định, ấp ủ và đóng góp của chị đã nhận được sự ghi nhận từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Sau cả chục năm không được đón Tết ở nhà, đầu năm 2020, Trà My đã vinh dự là một trong những kiều bào ưu tú được cử về Việt Nam tham dự chương trình Xuân Quê hương.

Đánh giá về Trà My, anh Bùi Gia Hải, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phụ trách công tác cộng đồng cho biết: “Chị Phan Thị Trà My là một doanh nhân trẻ người Việt lập nghiệp tại Sơn Đông, Trung Quốc. Là một trí thức đã từng học tập tại đây, chị cũng am hiểu về thị trường Trung Quốc và mong muốn phát triển các sản phẩm có chất lượng của Việt Nam tại thị trường rộng lớn này. Trong công tác cộng đồng, chị Trà My là một Việt kiều tích cực trong các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức, như: quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung, Quỹ phòng chống Covid-19 ở trong nước, tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam. Do vậy, chị đã được chọn là đại diện Việt kiều tại Trung Quốc tham dự Chương trình Xuân Quê Hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan hữu quan trong nước tổ chức năm 2020.”

Nữ doanh nhân và ước vọng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển tại Trung Quốc  - ảnh 3Trà My trong lần về dự Xuân Quê hương 2020.jpg

 Đại dịch Covid-19 bùng phát đúng vào thời điểm đó và Trà My đã được ở lại quê nhà gần một năm. Khoảng thời gian quý báu này đã giúp những điều ấp ủ bấy lâu của chị trở thành hiện thực. My tìm đến Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) xin ý kiến và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Sau khi được cử làm đại diện cho BAOOV tại Trung Quốc, từ 2021, chị đã đến nhiều địa bàn khác nhau để kêu gọi, triệu tập các kiều bào thuộc diện doanh nhân, chuyên gia và phụ trách các văn phòng đại diện tại đây. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động anh chị em, My cười bảo:

 “Thành lập một hiệp hội nước ngoài được nhà nước bản địa công nhận ở Trung Quốc khá phức tạp. Tuy nhiên, do được Bộ Dân chính Trung Quốc hướng dẫn các thủ tục từ những bước đi đầu, nên tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã gần sắp hoàn tất thủ tục trong nước. Hiện tại, tôi vẫn đang cố gắng triệu tập đủ tối thiểu 50 thành viên và dự kiến năm 2022 sẽ bắt đầu xúc tiến các trình tự thủ tục bên này.” Hơn 10 năm vẫn chưa quen cơm Trung Quốc và luôn nhớ Tết Việt

 Những tưởng đã sống, học tập và làm việc ở Trung Quốc hơn 10 năm, Trà My đã quen dần với cuộc sống và sinh hoạt nơi đây. Thế nhưng, mùi vị quê hương thân thuộc từ khi còn nằm trong bụng mẹ vẫn luôn theo chị, khiến Trà My luôn nhớ về những món ăn dân dã nơi quê nhà.

“Nhiều năm nay, do không quen với đồ ăn bên này, tôi thuờng rất thèm một bữa cơm nhà, thèm cái mùi mặn của nước mắm, vị chua của quả cà pháo hay những niêu cá kho đồng. Nhiều khi nằm mơ, tôi cũng thường thấy mình quên chưa kịp mua bánh rán mang đi, trước mỗi chuyến bay rời xa đất nước.”

My bảo, nếu không có dịch, mỗi năm chị thường về Việt Nam 5,6 lần. Giờ có lúc thèm món ăn quê nhà, chị phải bay xuống Quảng Tây, vùng đất Trung Quốc giáp biên Việt Nam, hoặc đến Thượng Hải, chỉ để ăn một bát phở hay bữa cơm gần như ở nhà. Chị quả quyết: “Sau này, My sẽ đưa gia đình quay về. Thêm nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “chưa bao giờ Việt Nam mình nhiều cơ hội như bây giờ”, nên kiều bào Việt mình khi đã thành công nơi xứ người, thì sẽ không có lý do gì ngăn cản được họ thành công trên mảnh đất quê hương mình cả!”

Trà My chia sẻ, Trung Quốc hiện đã có Hội Doanh nghiệp của 19 quốc gia, mong mỏi của chị là Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc sẽ sớm chính thức trở thành tổ chức tiếp theo. Đặc biệt, trong tương lai không xa, mỗi khi Tết đến Xuân về, vào lúc bà con, anh chị em kiều bào ở nơi đất khách quê người đều hướng về gia đình, nhớ đến người thân và bữa cơm đoàn tụ, chị hy vọng Hội Doanh nghiệp sẽ đủ mạnh, để tổ chức được những cái Tết quê hương sum vầy cho bà con kiều bào tại các địa bàn, để họ có thể đưa vợ chồng, con cái đến gói bánh Trưng, làm nem và những món ăn Việt, để những đứa trẻ sinh ra ở Trung Quốc được hát những bài hát Việt Nam và trò chuyện về quê hương mình, để những cái Tết trở nên ấm áp hơn trong lòng những người con xa xứ.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất