'Nói hung thần xe buýt không sai nhưng chúng tôi chịu áp lực thời gian rất lớn'

01/07/2022, 15:20

Tài xế D. thừa nhận mọi người gọi "hung thần xe buýt" không sai nhưng phải là người trong nghề mới hiểu nỗi khổ của tài xế khi phải chịu áp lực rất lớn về thời gian.

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ nội dung được cho là "tâm thư" của tài xế xe buýt truyền thống gửi đến Tổng Công ty vận tải Hà Nội và các đơn vị trực thuộc.

Theo người đăng tải, nhiều lái xe buýt truyền thống như anh xấu hổ khi bị mọi người chửi vì thói chạy nhanh, vượt ẩu. Người này tự nhận lý do một phần vì "ý thức của một số chúng tôi còn kém", nhưng anh cũng cho rằng lý do tài xế xe buýt truyền thống chạy như thiêu thân xuất phát từ chính những quy định ngặt nghèo về chuyến, lượt của doanh nghiệp.

Người này lý giải, do "quy định phải đuổi giờ, đuổi từ đầu ca tới cuối ca vẫn âm giờ. Xin ăn cơm còn không quá 10 phút từ khi xe về bến, bỏ lượt nào trừ tiền lượt ấy” khiến tài xế áp lực. Không những vậy, chế độ lương của họ cũng chưa được trả tương xứng, tài xế chạy 30/30 ngày lương cũng chỉ 10 triệu, nhân viên bán vé chỉ 6-7 triệu/tháng.  

"Tôi và rất nhiều những anh em đang làm buýt truyền thống mong muốn bỏ cái trừ tiền lương của chuyến lượt âm giờ, bỏ lượt lắm. Lương chúng tôi chẳng nhiều nhặn gì đâu, trừ hết rùi thì sống làm sao?", tài xế tâm sự và mong muốn hãng xe buýt truyền thống cải thiện tiền lương cho nhân viên, tăng mức xử phạt vi phạm để nâng cao ý thức của tài xế.

Trả lời VTC News, anh D. (35 tuổi) làm nhân viên lái xe buýt được 6 năm nay ở Hà Nội cho biết mỗi ngày, anh D. thức dậy từ sáng sớm, chuẩn bị cho tuyến xe dài hơn 20km từ KCN Thanh Oai đến Xuân Đỉnh.

Theo lịch phân công, anh D. sẽ lái 4-6 lượt mỗi ngày, mỗi lượt được công ty trả 50 nghìn đồng. Như vậy, thu nhập cả tháng chỉ gần 8 triệu đồng, dù làm thêm đủ 30 ngày thì mức lương của anh D. cũng khó vượt ngưỡng 9 triệu đồng/tháng.

Số tiền trên đã bao gồm 15 nghìn đồng hỗ trợ ăn trưa mỗi ngày, nhưng theo anh D. 15 nghìn không đủ mua cái bánh mì. Trừ các chi phí xăng xe đi lại từ nhà ra bến, tiền ăn hàng ngày..., mỗi tháng anh D. chỉ dành được khoảng 5-6 triệu đồng, đưa vợ mua sữa cho 2 con nhỏ.

'Nói hung thần xe buýt không sai nhưng chúng tôi chịu áp lực thời gian rất lớn' - 1

Lương thấp, áp lực thời gian khiến nhiều tài xế xe buýt ở Hà Nội không mặn mà với nghề. (Ảnh minh họa)

"Lương tài xế xe buýt thì thấp lại gặp nhiều áp lực về thời gian. Trước kia mỗi lượt quy định chạy trong 1 giờ 30 phút nhưng hiện chỉ còn 1 giờ 15 phút, bao gồm thời gian nghỉ. Nếu nhiều ngày tài xế không đạt thời gian này có thể sẽ bị sa thải", anh D. chia sẻ.

Không những vậy, theo anh D., trong hợp đồng lao động, công ty yêu cầu tài xế phải chịu trách nhiệm về tài sản là xe buýt. Nếu gặp sự cố, tài xế phải tự bỏ tiền túi ra sửa chữa, khắc phục dù không phải lỗi của tài xế. Thậm chí, trường hợp xe chết máy do ngập nước, tài xế sẽ bị quy trách nhiệm “không báo về trung tâm mà tự ý đi vào chỗ ngập” và phải đền sửa máy móc 100%.

“Dù rất cố gắng giữ hành trình an toàn nhưng nhiều tình huống bất ngờ vẫn có thể xảy ra, ví dụ như cây đổ vào xe, va chạm, ngập úng khiến xe bị chết máy… chúng tôi phải chịu phần chi phí khắc phục, phía trung tâm chỉ hỗ trợ thủ tục giấy tờ. Cách đây 1 năm, xe buýt đi vào ổ gà, xóc mạnh khiến kính bị rạn, tôi phải bỏ ra 16 triệu đồng để đền kính mới, bằng lương hơn 2 tháng", anh D. kể lại.

Chọn nghề lái xe buýt, anh D. xác định "làm dâu trăm họ", ở trên xe thì áp lực với hành khách, rồi thêm áp lực với công ty.

"Nếu không vừa lòng người ta sẵn sàng chửi mắng nhưng chúng tôi vẫn phải im lặng. Có hành khách bức xúc nhưng không trao đổi trực tiếp với lái xe, phụ xe mà gọi thẳng về hãng phản ánh, phía công ty không cần nghe chúng tôi giải thích mà luôn đứng về phía khách hàng, lập biên bản với nhân viên", anh D. cho hay.

Khi nghe người khác nhắc đến từ "hung thần xe buýt", anh D. thừa nhận "họ nói cũng không sai", nhưng phải là người làm trong nghề mới hiểu, tài xế xe buýt chịu áp lực rất lớn về thời gian.

"Trung tâm quy định cụ thể thời gian chạy giữa điểm đầu và điểm cuối, nhưng vào giờ cao điểm, tắc đường tôi phải mất gấp đôi thời gian đó. Vì vậy, khi vào chỗ đường thoáng tôi bắt buộc chạy thật nhanh để cố gắng về “trả giờ” cho ca khác. Đây là nỗi khổ riêng của chúng tôi nhưng người khác không hiểu, gọi chúng tôi là hung thần", anh D. cho biết.

Cũng chính vì áp lực giao thông, tắc đường, quy định khắt khe của công ty mà sau 6 năm làm tài xế xe buýt, tính cách của anh D. cũng bị ảnh hưởng. Khi về nhà, anh thường dễ dàng cáu gắt với người thân.

"Tôi mong trung tâm có giờ giấc “dễ thở” hơn cho nhân viên, đôi khi chúng tôi không dám đi vệ sinh bởi thời gian nghỉ quá ngắn trong khi đó nếu chậm quá 5 phút sẽ bị lập biên bản, trừ điểm xếp loại và trừ vào tiền lương", anh D. trải lòng.

Nam tài xế cũng mong công ty quan tâm đến mức thu nhập của tài xế, phụ xe buýt để ít nhất họ có đủ tiền trang trải, lo cho gia đình giữa thời buổi giá cả đắt đỏ.

Cũng giống như anh D., sau nhiều năm làm tài xế các tuyến nội thành, ông N.T.X. chuyển sang lái xe buýt cho một công ty ở gần nhà.

Ông X. được trả lương 300 nghìn đồng/ngày, còn phụ xe là 220 nghìn đồng/ngày, bao gồm phụ cấp. Dù mưa rét hay bão gió, ông X. vẫn phải thức dậy, ra khỏi nhà từ 4h30 để kịp giờ xuất bến. Mỗi ngày, ông X. phải hoàn thành 8 lượt xe, mỗi lượt 1 giờ. Dù lớn tuổi, nhưng ngoài ngày công thực tế, ông X. vẫn xin làm thêm để đủ 30 ngày. Mặc dù làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, không có ngày nghỉ nhưng thu nhập của ông X. và các tài xế xe buýt khác khó có thể vượt quá 9 triệu đồng/tháng.

"Tài xế xe buýt luôn nhiều áp lực, áp lực lớn nhất là thời gian, nhất là các tuyến nội đô, quy định từ 1-1,5 giờ nhưng tắc đường có thể đến 2-3 giờ đồng hồ. Chỉ những người trong nghề mới hiểu áp lực lớn thế nào. Chúng tôi gần như không có giờ nghỉ, đôi khi vừa lái xe vừa tranh thủ ăn bánh mì cho qua bữa", ông X. cho hay.

Quy định tài xế phải tự chịu trách nhiệm với sự cố trên đường cũng khiến ông X. nản lòng với nghề. Theo ông, có người sau khi gặp sự cố đã ám ảnh đến mức xin nghỉ việc, hiếm có tài xế nào gắn bó được với nghề lái xe buýt lâu dài bởi áp lực quá lớn mà thu nhập không đáng bao nhiêu.

Minh Tuệ
Bài liên quan
Hà Nội đắt đỏ nhất nước: 30 triệu đồng một tháng vẫn thấy...thiếu
VOVLIVE - Mức chi tiêu vừa đủ trong một tháng của gia đình 4 người ở Hà Nội lên đến 30 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất