Những câu hỏi liên quan đến sự kiện 11/9 chưa có câu trả lời

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (Tổng hợp) | 08/09/2021, 06:16

Về vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, hàng chục bộ phim tài liệu đã được thực hiện, hàng trăm cuốn sách đã được viết, hàng vạn bài báo và phóng sự đã được phát nhưng có không ít tình tiết khó hiểu trong các điều kiện hoàn toàn khách quan, sau nhiều năm vẫn không có được sự lý giải thỏa đáng.

Nga cảnh báo Mỹ

Trước thềm kỷ niệm 18 năm ngày thảm kịch, ngày 3/9/2019, một cuốn sách của cựu nhà phân tích CIA George Beebe được xuất bản tại Mỹ đã gây xôn xao trong giới truyền thông. Theo đó, “2 ngày trước khi các cuộc tấn công xảy ra, Tổng thống Putin đã gọi điện cho Tổng thống Bush để cảnh báo, tình báo Nga đã phát hiện thấy các dấu hiệu của một chiến dịch khủng bố sắp xảy ra, một điều gì đó đang được thực hiện từ lâu và xuất phát từ Afghanistan”.

Có vẻ kỳ lạ là các cơ quan tình báo khét tiếng của Mỹ đã không nhận thấy hoạt động đáng ngờ của các thành viên al-Qaeda. Họ lái một chiếc Boeing chở khách là một công việc cần hàng tháng thực hành và với những người hướng dẫn chuyên nghiệp. Bọn không tặc đã tham gia các khóa đào tạo phi công, nhưng các trợ giáo đánh giá chúng không có khả năng điều khiển thậm chí cả loại máy bay hạng nhẹ một động cơ.

Tại trường huấn luyện bay còn ghi lại đánh giá về một trong những phi công-không tặc là “không thể bay đơn”. Nhưng nhóm khủng bố đã tiếp thu được những kiến thức và kỹ năng qua các khóa đào tạo và sách giáo khoa, đã giành quyền điều khiển, khéo léo bay tới các mục tiêu và phá hủy chúng một cách chính xác, hoàn hảo.

Mật vụ Mỹ có ít nhất 12 tin tức tình báo về dự kiến sử dụng máy bay chở khách làm vũ khí và các tòa nhà chọc trời, trước hết là Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công. Từ năm 1994 đến tháng 8/2001 đã có thông tin về ý đồ của Osma bin Laden điều khiển máy bay đâm vào tòa đại sứ Mỹ ở Nairobi (Kenia). Tại sao không có một biện pháp phòng vệ nào được tiến hành? Ngay cả khi Điện Kremlin biết về một hành động khủng bố quy mô lớn đang được chuẩn bị ở Mỹ, thì tại sao người Mỹ lại không chú ý đến điều đó, bất chấp lời cảnh báo mà họ đã nhận được?

Sự kỳ quặc của báo cáo

Các công dân Mỹ với kinh nghiệm thực chiến, phi công quân sự và các nhà phân tích từ khắp nơi trên thế giới nghi ngờ tính xác thực của giải thích chính thức về những gì đã xảy ra hôm 11/9, liên tục yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ tấn công. Thiếu tướng về hưu Albert Stubblebine, người lãnh đạo tình báo Mỹ từ năm 1981-1984, đã phân tích chi tiết dữ liệu công khai và kết luận, không phải là chiếc máy bay gây ra sự phá hủy một phần tòa nhà Lầu Năm Góc.

Hư hại của Lầu Năm Góc không quá nghiêm trọng so với hậu quả va chạm của một chiếc máy bay nặng 115 tấn, đang bay với vận tốc từ 400-700 km/h. Trên bãi đất trước bức tường không hề có một mảnh vỡ nào, còn trên cỏ không có những dấu vết của vụ cháy dầu từ thùng nhiên liệu của máy bay. Trên những bức ảnh được lưu trữ không thấy cánh máy bay, chỉ có một lỗ hổng cân đối, tròn trĩnh. Tại sao lại như vậy?

Những mảnh vỡ của chiếc máy bay bị rơi ở Pensilvania được tìm thấy cách nơi xảy ra thảm họa 8 dặm. Các cư dân địa phương cho biết các mảnh máy bay đang cháy từ trên trời rơi xuống. Làm sao có thể xảy ra điều đó nếu chiếc Boeing thứ tư bị nạn và rơi xuống đất?

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi một máy bay chở khách về mặt lý thuyết có thể đánh sập một tòa nhà chọc trời, thì tòa nhà đó ít nhất cũng phải đổ về một phía, nhưng vì một lý do nào đó mà cả hai tòa tháp Bắc và Nam WTC đều sụp đổ theo chiều thẳng đứng. Ngoài ra, cho dù bình xăng của máy bay có chứa bao nhiêu nhiên liệu đi chăng nữa thì nó cũng không thể gây ra sự phá hủy quy mô lớn như vậy trong một vụ nổ.

Trung tá Robert Bowman - nguyên Giám đốc Kỹ thuật Hàng không tại Viện Công nghệ Không quân Mỹ - cho biết: “Các nhà khoa học và chuyên gia chuyên nghiệp, bao gồm kiến ​​trúc sư, kỹ sư, lính cứu hỏa, sĩ quan tình báo, luật sư, chuyên gia y tế, sĩ quan quân đội, nhà triết học, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhà vật lý và phi công nói, có sự khác biệt cơ bản giữa tài liệu chính thức về vụ tấn công 11/9 và những gì họ, với tư cách là các nhà nghiên cứu độc lập, đã thu được”.

Đánh mìn tòa nhà

Một nhóm chuyên gia quốc tế, bao gồm Niels H. Harrit thuộc Khoa Hóa học Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và nhà vật lý Steven E. Jones thuộc Đại học Brigham Young (Mỹ), đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Kết quả của nó đã được “Tạp chí Vật lý Hóa học Mở” công bố vào tháng 9/2009 dưới tiêu đề: “Chất nổ termit được tìm thấy trong bụi từ thảm họa Trung tâm Thương mại Thế giới 11/9”.

Các nhà khoa học cho rằng tòa Tháp Đôi sụp đổ là kết quả của việc phá dỡ có kiểm soát, vì bản thân vụ va chạm với máy bay không thể tác động nhiều đến khung của tòa nhà chọc trời. Ngoài ra, những mảnh thép nóng chảy được tìm thấy dưới đống đổ nát trực tiếp cho thấy có việc sử dụng chất nổ, bởi vì hậu quả của vụ nổ bình xăng của Boeing không thể giải phóng nhiều nhiệt năng.

Sự sụp đổ nhanh chóng và thẳng đứng của các tòa nhà chọc trời, xảy ra vào ngày 11/9/2001, chỉ xảy ra khi đánh mìn chính xác tòa nhà dự định phá dỡ. Các kỹ sư xây dựng và kỹ sư phá dỡ có kinh nghiệm biết việc đó. Nhưng theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST, Mỹ), các tòa tháp đã sụp đổ sau khi khung thép của chúng bị nóng chảy. Một chiếc máy bay, ngay cả khi nó được tiếp nhiên liệu đầy đủ, đơn giản là không có khả năng hủy diệt như vậy.

Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà phân tích kết luận rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã cố tình cho phép hoặc thậm chí tổ chức các cuộc tấn công, khuếch đại thiệt hại mà họ gây ra bằng một loại chất nổ được gọi là termit, có thể gây ra nhiệt độ cần thiết để làm sập các tháp WTC. Trong khi đó, theo một báo cáo chính thức của chính phủ từ NIST, sự sụp đổ của tòa nhà WTC là do sự phá hủy khả năng chống cháy của các cấu trúc hỗ trợ chính của tòa tháp. Các đám cháy cũng được thúc đẩy bởi sự hiện diện của "termit" là một cấu phần của lớp sơn lót cho các bức tường.

Giả thuyết "vụ nổ có kiểm soát"

Theo thời gian, ngày càng có nhiều "bằng chứng" xuất hiện, đặt ra nghi vấn về giả thuyết chính thức của thảm kịch 11/9. Ví dụ, tổ chức "Engineers and Architects for Truth", bao gồm khoảng 2.000 chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và kiến ​​trúc, cho rằng tòa tháp 47 tầng thứ 7 của WTC, đã bị sập sau tòa Tháp Đôi do ngọn lửa, không thể dễ dàng bị phá hủy do va đập, vì điều này đã được ngăn chặn bởi các kết cấu bê tông cốt thép.

Một thành viên của tổ chức cho biết: “Sự phá hủy của tháp thứ 7 trông giống như kết quả của một vụ nổ có kiểm soát. Công nghệ này đòi hỏi nhiều tuần chuẩn bị và chỉ có thể được thực hiện theo một kịch bản được lên kế hoạch trước". Điều đáng tò mò là không có người ở tòa tháp thứ 7 vào thời điểm xảy ra thảm kịch. Trong một cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 2013 nhân kỷ niệm 12 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố bởi YouGov, kết quả là 46% người Mỹ thậm chí không nghi ngờ rằng không phải hai mà là ba tòa nhà chọc trời ở New York đã bị phá hủy vào ngày 11/9/2001.

Đồng thời, theo các nhà xã hội học, 10% người được hỏi cho biết, họ không tin vào kết quả điều tra chính thức về thảm kịch, và 38% không tin rằng chính phủ đã công khai toàn bộ sự thật về những sự kiện đó. Theo những người theo thuyết âm mưu, thực tế là các tòa tháp không hề sụp đổ - chúng đã bị kích nổ. Những mảnh xương người nhỏ nhất đã được tìm thấy trên mái của tòa nhà Deutsche Bank lân cận vào năm 2006. Tất cả điều này phù hợp với kịch bản của một vụ nổ, không phải là một sự sụp đổ.

Trong một vụ nổ, các vật thể thực sự có thể tan rã thành các hạt nhỏ. Điều thú vị nhất là nhiều người nhà của nạn nhân cũng tin vào giả thuyết này. Vì vậy, Robert McIlwain, cha của một trong những nạn nhân vụ 11/9, tin chắc rằng "vụ tấn công khủng bố" chỉ là vỏ bọc cho một vụ nổ do các cơ quan chính phủ tổ chức. Và William Rodriguez, người đã sống sót sau thảm kịch, thậm chí còn gọi sự sụp đổ của Tháp Đôi là "sự phá hủy có kiểm soát".

Người ta cũng chỉ ra những sự thật đáng ngờ khác. Ví dụ, một số đoạn video mô tả cuộc tấn công vào Lầu Năm Góc đã bị các đặc vụ FBI thu giữ ngay sau vụ tấn công. Không ai nhìn thấy những khung hình, ghi lại cảnh chiếc máy bay đâm vào tòa nhà, hoặc đống đổ nát của nó, hài cốt của hành khách, hoặc phần còn lại của hành lý. Ngoài ra, danh sách chính thức của các hành khách Boeing, trong số đó được cho là khủng bố al-Qaeda, các đoạn ghi âm và video được thực hiện trên máy bay, không được công khai. Cuối cùng, một số dữ liệu đã được xếp loại “Mật” bởi Tổng thống George W. Bush.

Điều gì chưa được làm rõ sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà Trắng đúng vào khoảng thời gian giữa 2 vụ đâm máy bay vào các tòa nhà? Tại sao những hình ảnh và thông tin về vụ hỏa hoạn mà kênh truyền hình ABC thu được sau đó đã hoàn toàn biến mất? Và xác suất xảy ra tình huống khẩn cấp trong dinh thự Tổng thống vào chính khoảng thời gian giữa 2 vụ đâm máy bay là bao nhiêu?

Sự hy sinh thiêng liêng

Theo thuyết âm mưu, ngày 11/9 không phải được chọn một cách tình cờ, bởi vì số điện thoại của dịch vụ cứu hộ được mọi người Mỹ biết đến là 911. Đây là cách các nhà chức trách biện minh cho cuộc xâm lược quân sự của họ tại Afghanistan và một loạt hoạt động quân sự ở Trung Đông. Cựu sĩ quan phản gián Nga, đại tá dự bị Vladimir Bulatov bày tỏ quan điểm của mình trong bài báo "Mỹ cho nổ tung các tòa tháp vào ngày 11/9", được đăng trên tạp chí "Komsomolskaya Pravda" 6 năm sau thảm kịch.

Chuyên gia này tin rằng cuộc tấn công khủng bố mang lại lợi ích cho chính quyền Mỹ, những người có thể đoàn kết quốc gia để chống lại kẻ thù chung khác, và điều này được thực hiện thông qua sự trỗi dậy của tình cảm yêu nước. Còn chuyên gia Robert Bowman, một cựu nhân viên của Viện Công nghệ Không quân Mỹ, thậm chí còn ám chỉ cụ thể hơn - George W. Bush và tất cả những người trong chính phủ Mỹ có liên quan có thể nói là đã biết về các cuộc tấn công sắp xảy ra và đã cho phép chúng xảy ra.

Phần còn lại biến thành bụi

Vào thời điểm xảy ra vụ sập, có tổng cộng hơn 16.000 người trong cả hai tòa nhà. Họ là nhân viên của các văn phòng và cửa hàng, và những du khách bình thường. Theo một báo cáo năm 2004 của Ủy ban Quốc gia về các cuộc tấn công khủng bố chống lại Mỹ, hơn 3.000 người đã chết. Di hài của 1.634 người sau đó đã được phát hiện; từ 1116 người khác, chỉ còn lại những mảnh thi thể nhỏ. Một số đồ đạc trong văn phòng, điện thoại, máy tính và những đồ vật vô tri vô giác khác cũng "bốc hơi" theo, đúng hơn, chúng đã biến thành bụi và mảnh vụn.

Theo một trong những người tiến hành công tác tìm kiếm tại hiện trường, đồ đạc lớn nhất trong văn phòng được tìm thấy ở tâm của thảm kịch là một mảnh nhỏ của bàn phím điện thoại. Trong các vụ rơi máy bay hoặc hỏa hoạn nghiêm trọng, thường chỉ còn lại các mảnh vỡ từ xác người chết. Nhưng khi các tòa nhà sụp đổ, điều này thường không xảy ra. Các thi thể có thể biến dạng, nhưng chúng không bị phân hủy, và thậm chí chúng không thể biến mất mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên, đây chính xác là những gì đã xảy ra với những người không may mắn tìm thấy mình bên trong tòa Tháp Đôi./.

Bài liên quan
Nga buộc tội nhà báo Mỹ làm gián điệp, mức án có thể lên tới 20 năm tù
Nếu bị Nga kết tội, nhà báo Evan Gershkovich của tờ báo Mỹ Wall Street Journal có thể đối mặt với 20 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mới nhất