Nhựa phân hủy sinh học: Giải pháp khắc phục tình trạng 'ô nhiễm trắng'

KHUẤT NGUYÊN | 16/04/2021, 17:54

Bộ TN&MT phối hợp cùng Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”.

Ngày 16/4, tại Khu Liên cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường phía Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”.

Nhựa phân hủy sinh học: Giải pháp khắc phục tình trạng 'ô nhiễm trắng' - 1

Lãnh đạo Bộ TN&MT và Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Hội thảo với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Chủ tịch Hội Nước sạch Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng hơn 100 đại biểu là đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các Viện, Trường Đại học, Hiệp hội, các đoàn thể.

Nhựa phân hủy sinh học: Giải pháp khắc phục tình trạng 'ô nhiễm trắng' - 2

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khi đề xuất phối hợp tổ chức Hội thảo vô cùng ý nghĩa này.

Hội thảo này với mục đích trao đổi, thảo luận những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, công nghệ, nguyên liệu để sản xuất nhựa phân hủy sinh học nói riêng và các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nói chung.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết, mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đang phải gánh chịu nhiều hệ quả từ chất thải nhựa nhất trên thế giới, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương.

Trước tác hại của rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoạt động tái chế chất thải nhựa, trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vật dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế đất đai, đầu tư công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu nội địa.

Nhựa phân hủy sinh học: Giải pháp khắc phục tình trạng 'ô nhiễm trắng' - 3

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về Chính sách của Bộ T&MT đối với nhựa tự hủy, góc nhìn của nhà khoa học về nhựa tự hủy, các vấn đề của thị trường nhựa tự phân hủy do đại diện doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp sử và đại diện Đoàn thể đang thực hiện công tác tuyên truyền về giảm rác thải nhựa như Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Bến Tre.

Nội dung thảo luận được nhiều đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm xoay quanh giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, của doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm nhựa tự hủy, các vấn đề về môi trường liên quan đến chất lượng và vòng đời sản phẩm, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì tự phân hủy sinh học, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam - TS Nguyễn Linh Ngọc kiến nghị điều chỉnh Thông tư 07/2012 của Bộ TN&MT sao cho phù hợp với thực tiễn.

Đề nghị Bộ TN&MT xem xét cấp giấy chứng nhận nhựa thân thiện với môi trường, xây dựng các phòng thí nghiệm trong nước để test sản phẩm giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân hiểu được tác dụng to lớn của nhựa sinh học vì một môi trường xanh, sạch đẹp.

KHUẤT NGUYÊN
Bài liên quan
Nắng nóng, hóa đơn tiền điện của 1 triệu khách hàng tại TP.HCM sẽ tăng cao
Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình KT – XH TP.HCM chiều 28/3, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, do nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao và dự kiến có khoảng 1 triệu khách hàng sẽ có hóa đơn tiền điện tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất