Nhớ lời dặn của Đại tướng về bảo tồn hò khoan Lệ Thủy

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung | 24/08/2021, 06:30

Năm 2017, hò khoan Lệ Thủy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điệu hò khoan mộc mạc của làng quê sông nước Quảng Bình gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thuở lọt lòng qua lời ru của mẹ cho đến khi ông theo nghiệp nước.

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, bên sông Kiến Giang thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cụ Võ Đại Hàm, người trông coi nhà lưu niệm này chia sẻ về tình yêu của Đại tướng với hò khoan Lệ Thủy. Theo năm tháng, Đại tướng lớn lên qua từng câu hò, chuyện kể của mẹ - cụ bà Trần Thị Kiên. Từng làn điệu hò khoan như thấm vào máu thịt của người con quê hương Lệ Thủy, để rồi dù đi xa đã lâu, nhưng trong tâm trí của Đại tướng vẫn luôn neo lại hình bóng quê hương và làn điệu hò khoan.

Nhiều lần Đại tướng về thăm quê, chính quyền địa phương, bà con làng xóm tổ chức hát hò khoan vào buổi tối ngay tại khoảnh sân trước ngôi nhà nhỏ của gia đình Đại tướng. Trời về khuya, gió mang theo hơi nước từ sông mát rượi, Đại tướng ngồi bên bậc cửa hiên nhà, quây quần cùng gia đình và đông đảo bà con lối xóm, vỗ tay theo nhịp điệu hò khoan.

Cụ Võ Đại Hàm nói, hò khoan Lệ Thủy và đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại mỗi khi nói về quê hương mình: “Mỗi lần Đại tướng về quê thì Trung tâm văn hóa huyện về tổ chức hò khoan Lệ Thủy giữa sân nhà, gia đình Đại tướng ngồi trong thềm xem, cũng vỗ tay, hò dô theo. Đại tướng rất thích hò khoan Lệ Thủy và mong muốn bảo tồn làn điệu hò khoan, các thế hệ tiếp nối điệu hò khoan Lệ Thủy”.

Những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ nhân ưu tú Hải Lý, quê ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vinh dự cùng các nghệ nhân biểu diễn hò khoan Lệ Thủy khi Đại tướng về thăm quê hương Lệ Thủy. Bà vẫn còn nhớ những lời dặn dò chân tình, mộc mạc của Đại tướng với người dân quê nhà trong việc gìn giữ cái hay, cái đẹp của hò khoan Lệ Thủy. Năm 2019, Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy được thành lập do nghệ nhân Hải Lý làm chủ nhiệm. Sau đó, bà Lý đi mời các nghệ nhân hò khoan cùng tham gia câu lạc bộ với mong muốn xây dựng và bảo tồn hò khoan Lệ Thủy, truyền lại cho thế hệ mai sau. Theo nghệ nhân Hải Lý, lúc sinh thời, Đại tướng mong muốn “Gìn giữ hò khoan như máu, thịt của mình…”.

“Hò khoan như là món ăn tinh thần của quê hương Lệ Thủy, Đại tướng thích lắm. Lần đầu tiên Bác Giáp dặn dò lúc đó tôi đang còn trẻ, Bác dặn rằng quê hương Lệ Thủy có điệu hò khoan rất hay, các cháu phải giữ gìn nó. Lời Bác Giáp nhắn nhủ căn dặn nên chúng tôi cố gắng níu giữ làn điệu hò khoan” - nghệ nhân ưu tú Hải Lý nói.

Hò khoan Lệ Thủy có rất nhiều làn điệu mang nhiều cung bậc khác nhau. Chất liệu làm nên điệu hò khoan được lấy từ đời sống, lao động của nhân dân nên điệu hò mộc mạc, gần gũi. Tùy theo đặc trưng của mỗi vùng có một làn điệu mang bản sắc riêng, như: vùng núi có điệu hò lỉa trâu; vùng sông nước, chiêm trũng có điệu hò mái xắp, hò mái dài, hò mái ruỗi, hò mái nện; vùng biển có hò khơi, hò nậu xăm… Mỗi làn điệu dài từ 1-2 phút. Ngày nay, nhiều bài hò khoan được sáng tạo lồng ghép vào các video clip về quê hương Lệ Thủy, khi đưa lên các nền tảng xã hội rất được công chúng, nhất là những người trẻ, yêu thích và chia sẻ.

Hiện nay, nhiều bài hò khoan Lệ Thủy được viết mới để phù hợp với những đổi thay của quê hương, đặc biệt là cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới. Chị Đặng Thị Hới, ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa quê hương, lan tỏa đến nhiều nơi, trở thành cầu nối tinh thần không thể thiếu của người dân Quảng Bình: “Hò khoan Lệ Thủy có 6 mái từ mái dài, mái chẻ, mái nện, mái ba, mái xắp và mái ruỗi. Hò khoan Lệ Thủy chủ yếu xuất phát từ trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân Lệ Thủy, cho nên nhạc cụ để hỗ trợ cho hò khoan cũng chính là những dụng cụ xuất phát từ các dụng cụ lao động”.

Mỗi lần về quê và nghe điệu hò khoan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dặn dò cán bộ lãnh đạo, các nghệ nhân và bà con gìn giữ hò khoan Lệ Thủy cho thế hệ mai sau. Năm 2017, hò khoan Lệ Thủy vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mở ra nhiều cơ hội để đưa các giá trị của hò khoan vươn xa, chắp cánh cho kỳ vọng phát triển du lịch, nâng cao đời sống của bà con nơi miền quê thanh bình.

Những lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn về gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của hò khoan Lệ Thủy đã được chính quyền địa phương, các nghệ nhân và người dân nỗ lực thực hiện. Trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lệ Thủy khóa XXIV về phát triển du lịch, hò khoan đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển thương hiệu du lịch địa phương.

Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, trong những sự kiện lớn, lễ kỷ niệm, những tiết mục hò khoan Lệ Thủy luôn xuất hiện trên sân khấu, góp phần giới thiệu những làn điệu hò khoan Lệ Thủy dung dị, mộc mạc đến với công chúng.

“Sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các nội dung liên quan đã triển khai trong trường học như 'Chúng em với làn điệu hò khoan', các hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi được ngành giáo dục tổ chức qua hàng năm mang tính giáo dục truyền thống, không để hò khoan Lệ Thủy mai một. Ở huyện có Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy bao gồm các nghệ nhân rất tâm huyết. Huyện xác định đây là nội dung để gắn kết, thúc đẩy sự phát triển du lịch Lệ Thủy” - ông Dương Văn Bình nói.

Những lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn, hò khoan là linh hồn của người Lệ Thủy, đã là người xứ Lệ thì phải biết hò khoan… Cho đến tận bây giờ, từng lời dặn dò của Đại tướng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của nhiều người và trở thành động lực để chính quyền và nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn di sản hò khoan Lệ Thủy./.

Bài liên quan
Dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu Xuân
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn-2024, hàng nghìn người dân, du khách thập phương đã đến viếng thăm, dâng hương, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất