Nhân tố chính ảnh hưởng đến lựa chọn đội ngũ chính sách đối ngoại của ông Biden

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) | 25/11/2020, 12:05

Mỹ sẽ ít đóng vai trò chủ đạo hơn trong các vấn đề quốc tế, không phải do kết quả cuộc bầu cử năm 2020 hay cuộc bầu cử năm 2016 mà là do những thay đổi lớn về địa chính trị.

Trạng thái bình thường mới

Trong suốt chiến dịch tranh cử và ngay cả khi giành chiến thắng, ông Joe Biden nhiều lần tuyên bố sẽ đi ngược lại với các chính sách của Tổng thống Trump, đồng thời cam kết tạo ra những thay đổi mà ông cho là cần thiết nhằm duy trì vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Biden đã đề cử cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken làm ngoại trưởng và trao vị trí cố vấn an ninh quốc gia cho Jake Sullivan – một trợ lý thân cận của ông. Trái ngược với Tổng thống Trump – người thường lựa chọn các nhân vật có quan điểm khác biệt trong đảng Cộng hòa hay những nhân vật nằm ngoài bộ máy chính trị vào nhóm chính sách đối ngoại, ông Biden lựa chọn những người nằm ở vị trí trung tâm của đảng Dân chủ vốn quan tâm đến việc thể hiện sức mạnh của nước Mỹ trong quan hệ với các đối thủ, đặc biệt là một Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng, nhưng cũng để mắt đến sự hợp tác trong một số lĩnh vực và chắc chắn có xu hướng gắn bó chặt chẽ hơn với các đồng minh.

Một số nhà phân tích nhận định, nhiệm kỳ của ông Biden sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn và điều đó được thể hiện trong việc bổ nhiệm nhân sự trong nội các của ông. New York Times cho biết, ông Biden dự kiến sẽ chấm dứt nhiều chính sách đơn phương của Tổng thống Trump, thường được cho là để củng cố chiến lược “Nước Mỹ trên hết”. Với chiến lược này, trong suốt 4 năm cầm quyền, ông Trump nhiều lần đi ngược lại với quan điểm của các chính phủ tiền nhiệm, rời xa đồng minh, phá vỡ những quy tắc và điều lệ.

Dự kiến, Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại “trạng thái bình thường”, hướng theo sự đồng thuận có từ thời hậu chiến tranh Lạnh, được tạo dựng bởi những cam kết về mở cửa thị trường, sẵn sàng gắn bó và bảo vệ các đồng minh, xây dựng vai trò lãnh đạo trên toàn cầu.

Trung Quốc đang đặt ra nhiều thách thức với Mỹ

Tuy nhiên, không nên cho rằng, ông Trump đã thay đổi cơ bản chính sách đối ngoại của Mỹ hay cuộc bầu cử vừa diễn ra sẽ giúp thay đổi vai trò của Washington trên trường quốc tế. Trong những năm tới, Mỹ sẽ ít đóng vai trò chủ đạo hơn trong các vấn đề toàn cầu, không phải do kết quả cuộc bầu cử năm 2020 hay cuộc bầu cử năm 2016 mà là sự thay đổi về địa chính trị và kinh tế, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc đang lấn dần ảnh hưởng của Washington.

Thắng lợi của ông Biden báo trước những biến chuyển trên một số lĩnh vực trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, chẳng hạn như đưa lập trường về Trung Đông quay trở lại gần hơn với thời Obama. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, phần lớn nhiệm kỳ của Tổng thống Trump được đánh dấu bằng sự tiếp nối, chứ không phải là thay đổi hoàn toàn trong chính sách đối ngoại như ông Trump nhiều lần khẳng định.  

Khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Mỹ đã cam kết bảo vệ các quốc gia đồng minh với dân số chiếm khoảng 25% dân số thế giới và chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Mỹ có binh sỹ đồn trú tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ở nước ngoài với mức chi tiêu quốc phòng “khủng” bằng 10 quốc gia khác gộp lại. Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt với nhiều nước chẳng hạn như Iran, Triều Tiên…

Donald Trump không thay đổi điều này. Lập trường của ông về các cam kết của Mỹ với những đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc không thay đổi và cấu trúc các liên minh không bị ảnh hưởng. NATO tiếp tục mở rộng mạng lưới mà khối này đã xây dựng kể từ những năm 1990 khi kết nạp thêm Montenegro vào năm 2017 và Macedonia vào năm 2020. Mỹ vẫn gia tăng chi tiêu quốc phòng và tham gia hoạt động quân sự ở khắp các châu lục trên thế giới.

Chính quyền Donald Trump về cơ bản không thay đổi chính sách đối ngoại nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ diễn ra theo xu hướng vốn có. Chẳng hạn vào năm 1990, GDP của Mỹ cao gấp 17 lần GDP của Trung Quốc, nhưng hiện nay, GDP của Trung Quốc được cho là đã vượt Mỹ và xu hướng này thậm chí sẽ tiếp tục trong một thập kỷ tới hoặc xa hơn. Nhiều cuộc tranh luận về việc Mỹ cần phải làm gì để kiềm chế Trung Quốc đã diễn ra tại Washington, giữa phe cứng rắn ủng hộ các biện pháp trừng phạt và tăng gấp đôi các cam kết quân sự với phe ôn hòa ủng hộ sự hội nhập về kinh tế. Dù cho bên nào chiến thắng thì hy vọng về việc duy trì quyền lực của nước Mỹ giữa một thế giới đầy biến động vẫn là điều ảo tưởng.

Trên thực tế, Mỹ từng giận dữ khi các đồng minh như Philippines và Hàn Quốc bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc hơn là đối phó quốc gia này. Theo các nhà phân tích, sự thất vọng của Washington sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Trước đó vào giữa tháng 11, Trung Quốc và 14 quốc gia khác đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do, góp phần định hình nền chính trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ và củng cố vai trò của Bắc Kinh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng được cảm nhận tại các khu vực khác. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là cường quốc đóng vai trò chủ đạo ở Trung Đông. Chiến lược đối phó Iran của chính quyền ông Trump dựa trên giả thiết cho rằng, Washington có thể cô lập Tehran đến mức quốc gia Hồi giáo này sụp đổ hoặc buộc phải đầu hàng trước các yêu cầu của Mỹ.  

Nhưng hiện nay, có rất nhiều giới hạn được đặt ra với chiến lược gia tăng sức ép tối đa của Mỹ. Vào tháng 7, Trung Quốc và Iran đã đạt được một dự thảo thỏa thuận, theo đó Bắc Kinh sẽ đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của Iran như ngân hàng và viễn thông, đổi lại Tehran sẽ cung cấp cho đối tác nguồn dầu giá rẻ. Xét đến khả năng Iran đạt được những thỏa thuận đột phá với Trung Quốc, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Biden có kế hoạch quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, chấm dứt chính sách cô lập Tehran về mặt kinh tế và tập trung vào hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đã đến lúc Washington phải thay đổi?

Thật vậy, các quốc gia đối đầu với Washington giờ đây có thể tìm được một “người bảo trợ” hoặc một đồng minh giàu mạnh, có khả năng mang lại cho họ những lợi ích tốt hơn về mặt thương mại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tạo ra những thay đổi về kinh tế và địa chính trị chưa từng có.

Trong những năm tới, các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải thừa nhận một thực tế rằng thời kỳ áp đặt chính sách đơn phương với những quốc gia đối đầu đã qua. Việc từ chối chấp nhận thực tế này và quyết tâm theo đuổi những chính sách duy trì vị thế độc tôn của Mỹ sẽ chỉ dẫn đến những tranh chấp thương mại hoặc các cuộc chiến tranh hao người tốn của. Ngăn chặn những kịch bản xấu nhất như vậy nên là mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Về lâu dài, các nhà lãnh đạo của Washington cũng cần phải có sự linh hoạt trong chính sách để ứng phó với những biến động lớn về địa chính trị./.

Bài liên quan
Chuyện ít biết về tỷ phú giàu nhất nhì Trung Quốc thi đại học ba lần mới đỗ
Không nản chí sau hai lần thi trượt, Jack Ma cố gắng thi đỗ đại học và trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất