Nhà thơ Trúc Thông qua đời

PV/VOV.VN | 26/12/2021, 11:24

Nhà thơ Trúc Thông qua đời vào lúc 6h30 sáng 26/12 sau thời gian chống chọi với bệnh tai biến. Ông hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà thơ Trúc Thông qua đời trong vòng tay con cháu, sau thời gian dài tai biến. Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng nghiệp văn giới. 

Nhà báo Trần Mai Hưởng xót xa chia sẻ: "Người thơ “Bờ sông Vẫn gió...” đã trở về miền vĩnh cửu, mang theo những ước mơ đẹp đẽ, với tấm lòng thánh thiện về cuộc sống và con người. Vẫn nhớ hình ảnh ông nửa thế kỷ trước: Một nhà thơ giàu nhiệt huyết, cá tính sáng tạo mạnh mẽ , quyết liệt đổi mới thi ca. Một người anh , người bạn giàu lòng yêu mến , thương quý bạn bè bốn phương...."

Ông nhớ lại những kỷ niệm với nhà thơ Trúc Thông: "Đầu năm 1972, khi tiễn tôi lên đường mặt trận Quảng Trị, ông đã viết tặng tôi bài thơ với đầu đề rất “Trúc Thông”: “Gửi người em trai mang thai”. Và cũng “mùa hè đỏ lửa “ năm 1972 ấy , chúng tôi lại có dịp gặp nhau trên đất Quảng Trị khi ông cũng tình nguyện vào mặt trận với tư cách phóng viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hình ảnh ông cùng anh em phóng viên TTXVN chúng tôi trên những ngả đường Gio Linh, Triệu Phong , Đông Hà ...giải phóng sẽ còn mãi trong ký ức...". 

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940 tại Bình Lục, Hà Nam. Ông từng là biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà thơ Trúc Thông đã dành cả cuộc đời công chức của mình để chăm chút cho các chương trình phát thanh văn nghệ, trong đó có chương trình "Tiếng thơ" trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình đầy ắp chất thơ từ cuộc sống, nó đưa lại cho thính giả những suy ngẫm về nghệ thuật thơ, vừa tươi non vừa sâu sắc.

Trong sự nghiệp của mình, nhà thơ Trúc Thông đã xuất bản các tác phẩm: "Chầm chậm tới mình" (thơ, 1985), "Maraton" (thơ, 1993), "Một ngọn đèn xanh" (thơ, 2000), "Văn chương ngẫu luận" (lý luận phê bình, 2003), "Vừa đi vừa ở" (thơ, 2005), "Mẹ và em" (bình thơ, 2006), "Trúc thông tiểu luận - bình thơ" (2013), "Trúc thông thơ" (2014). Nhiều bài thơ của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Trong đó, nổi tiếng nhất là bài thơ "Cao Bằng" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2). 

Nhà thơ Trúc Thông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017./.

Bài liên quan
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: "Văn chương là chỗ để tôi tu thân"
Tôi coi văn chương như chỗ để tu thân, như lời của bố tôi dặn, anh muốn viết những điều tử tế và thuyết phục được người khác thì trước hết anh phải tử tế”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất