Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và một vật bất ly thân trong phòng thu VOV

Ngọc Mai/VOV.VN | 21/04/2021, 14:30

Anh Hoàng Nhuận Cầm đến với VOV2 trong chương trình “Khách đến chơi nhà” khi đã nổi tiếng với “Bác sỹ hoa súng” bên truyền hình. Người không rành thơ gặp anh ngoài đường kêu “Bác sỹ hoa súng” hay “Khách đến chơi nhà” chứ không phải ai cũng biết anh là Hoàng Nhuận Cầm.

Hình ảnh đầu tiên của anh Cầm với phóng viên VOV2 là một ông già lọm khọm, cóm róm, lờ đờ, ủ rũ nhưng mắt thi thoảng vụt lên những tia sáng khi gặp những ý hay, tứ hay trong câu chuyện. 

Có hai thứ cấm kị với các studio nhưng lại là vật bất ly thân của anh Cầm, đấy là cái điếu cày và bộ ấm chén uống trà. Dĩ nhiên anh không hút thuốc lào tại phòng thu nhưng uống trà thì có. Với những quy định ngặt nghèo của studio mà đem được cả ấm trà vào uống ngay trước micro thu âm thì lịch sử ở Đài TNVN chắc chỉ có anh Cầm. Và tới đây cũng chả còn ai khác.

Nói như thế để thấy phóng viên và kỹ thuật viên của VOV đã dành cho anh một sự ưu ái vô cùng, chiều anh hết mức.

Nhà thơ thường giàu xúc cảm nhưng cũng chính vì thế rất dễ cực đoan. Anh Cầm có những “cõi thiêng” trong cả thơ lẫn đời mà dù sống hay chết, hay có kiếp luân hồi anh vẫn tin đó là sự thật. “Cõi thiêng” của anh thì đừng ai động vào. Có người làm thơ nhưng rạch ròi giữa thơ với đời, còn anh, hình như thơ với đời là một? Anh thăng hoa lãng mãn cũng vì thế và khổ đau cũng vì thế?

Chỉ cần nghe tiếng húng hắng ho ngoài sảnh anh chị em VOV2 biết anh Cầm đã tới. Đề tài nào  tâm đắc anh sống chết với nó, quằn quại với nó, hào hứng - hồ hởi - say mê với nó; ngược lại, đề tài nào đưa ra mà anh lạnh nhạt là đám phóng viên lo ngay ngáy. Có đứa lại khe khẽ ướm hỏi “anh thấy thế nào”. Thích thú nhất là chọn được “bạn diễn” “hợp cạ” với anh trong phòng thu. “Khách đến chơi nhà” mà anh “không cho vào mắt” thì đề tài hay mấy, “nóng” mấy cũng thành rời rạc, nguội ngắt. Ai cũng sợ anh dỗi!  

Bộ ấm chén uống trà của anh trong phòng thu, đặt ngay trước mặt anh và trước bạn diễn - “khách đến chơi nhà”, chúng tôi gọi vui là đạo cụ. Người nghe chương trình tinh ý sẽ thấy bên cạnh câu chuyện đang được bàn rôm rả có tiếng lách cách của ấm chén, tiếng rót nước tong tong rất sống động, thi vị. Chương trình nào thấy anh Cầm hào hứng rót nước mời khách liên tục, chương trình ấy thành công. Bữa nào anh uống một mình, uống ít, mời (khách) ít, thì y như rằng, chủ đề hoặc bạn diễn… anh Cầm chưa ưng. 

“Khách đến chơi nhà” phải có chén nước trà mời người ta chứ? Anh Cầm chẳng nói nhưng anh em đều đinh ninh như vậy nên lúc nào cũng chuẩn bị trà ngon nước sôi trước mỗi chương trình để anh làm… đạo cụ. 

Mời trà, rót trà, uống trà - với anh - như một đoạn nhạc sang trang, một nét nhạc cắt, nhạc chờ, thậm chí nhạc nền cho câu chuyện thêm sinh động. Hào hứng, sôi nổi, chìm đắm trong câu chuyện anh dùng đạo cụ trà, nhưng lúc suy tư, trăn trở, hay gặp tình huống bất ngờ, khó xử  khi đối thoại với những vị khách hoạt ngôn, sắc sảo, trí tuệ, anh cũng sử dụng chúng như một thứ vũ khí hoãn binh, chuyển hướng hoặc để có thêm chút thời gian suy nghĩ cho câu trả lời đủ chín, đủ duyên dáng, thông minh. 

Anh Cầm đã đi xa thật rồi! Anh Cầm ơi! Bộ ấm chén uống trà của anh ở VOV 2 vẫn còn nguyên đấy! “Khách” vẫn ngồi chờ anh ở đấy cho những số tiếp theo của “Khách đến chơi nhà”./.

Bài liên quan
Trúc Thông - Thi sĩ của ân tình
Đã gần chục năm nay, nhà thơ Trúc Thông sau cơn tai biến đã phải nằm liệt một chỗ. Ông chỉ còn có thể giao tiếp với mọi người xung quanh bằng ánh mắt. Nhưng những khi có bạn văn đến chơi, môi ông vẫn mấp máy điều gì. Vợ ông nói với khách rằng: Đó là ông vẫn đang nói về thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất