Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam FBNV | 22/04/2021, 11:00

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam - một người yêu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã kể câu chuyện cảm xúc trên trang cá nhân của mình với tựa đề "Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay".

Khi hay tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - bác sĩ Hoa Súng qua đời vào chiều 20/4, nhiều người cảm thấy tim mình như thắt lại. Có lẽ bởi ông là tác giả của những bài thơ tình được nhiều thế hệ chiến sĩ nắn nót chép trong sổ tay, được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu vốn rất quen thuộc.

Chính vì thế, nhớ nhà thơ tài năng, nhà báo Nguyễn Hồng Lam - một người yêu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã kể câu chuyện đầy cảm xúc về cảm nhận của ông trên trang cá nhân của mình với tựa đề "Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay". Ông viết: "Đi dạy báo chí, tôi cũng đọc thơ ông cho học trò nghe. Nói chuyện với mấy đứa bạn, đứa em cầm bút cũng dẫn thơ ông để thán phục tài viết lách. Mà ông tài thật, như câu này: "Để hình dung ra cơn khát/ Ta thường bóp méo bi đông" (Mùa hoa bất tử). Hiểu sao cũng được. Là câu chữ độc đáo chỉn chu như ông cũng được. Hoặc thi tứ tài ba, phóng túng đến rạc rài như tuổi thanh niên của chính ông cũng được. Rồi đến khi đối ngẫu chính mình, hay tả tơi những ý nghĩ vụn lúc đang sải chân trên phố một mình, thơ ông cũng lả tả rắc theo sau trước. "Hoa đã vàng hoa mướp của ta ơi".

Không ai bình chọn, chẳng sắc phân phong, mặc nhiên "Chiếc lá đầu tiên" của ông trở thành cảm thức nuối tiếc của mọi đám học trò cuối cấp. Lẫn lộn buồn vui, nuối tiếc chen háo hức khi phải chia tay, sắp trả hết những vô ưu để sấp ngửa vào đời. Và chợt nhận ra "Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên/Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ...". Cho dù là mơ hồ thôi, như  "Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm", nó cũng rất thật. Tuổi vừa chớm yêu, cháy bỏng những thập thò, dẫu tiếc nuối cũng không thể giữ lại...

Giờ thì nhà thơ cầm súng ấy đã đi mãi, đột ngột và trong cô độc. Không biết có bao nhiêu cô gái, hoặc đã từng là cô gái, đêm nay, ngày mai sẽ bật khóc. Họ khóc khi ngoảnh lại "Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên". 

Tôi cũng nhớ, cũng tiếc. Trong đời, tôi chưa một lần được gặp, được trò chuyện cùng ông để có kỷ niệm, có thể viết vài câu riêng tư đưa tiễn. Chỉ thơ ông là thân thuộc. Thơ ông náu sẵn trong lòng bạn, hồn tôi.

Nghe nói người tài, sống hết mình với những say mê, nếu viên mãn, khi có tuổi khuôn mặt sẽ trở nên bao dung, phúc hậu. Bằng ngược lại, vẫn nặng lòng với những điều đã cũ, lòng riêng còn đau đáu ân tình, thần thái sẽ thành khắc khổ. Tôi đoán Hoàng Nhuận Cầm thuộc tuýp thứ hai, đắm say chưa bao giờ dứt. Dẫu đã ra đi, lòng ông vẫn miên man chảy một sông Thương: "Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động, một mình anh".

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học đến năm 1981. Ông từng làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Ông trải qua ba đời vợ, cuối đời sống kín tiếng.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời chiều 20/4. Ông được biết đến với những bài thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng yêu thích như: “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”... Ông từng đóng phim, nổi tiếng với vai bác sĩ Hoa Súng trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" và vai nhà thơ phim "Số đỏ".

Dù bận rộn viết kịch bản, làm phim, Hoàng Nhuận Cầm nói ông chưa từng xao lãng việc làm thơ. Ông từng chia sẻ quan niệm sáng tác: "Thơ ca cũng như tình yêu, không ép buộc được đâu, khi gọi nó không đến nhưng khi đuổi thì nó không chịu đi. Bằng kinh nghiệm làm thơ riêng của mình, tôi thấy những bài thơ hay lại ra đời trong hoàn cảnh chẳng thơ chút nào"./.

Bài liên quan
Trúc Thông - Thi sĩ của ân tình
Đã gần chục năm nay, nhà thơ Trúc Thông sau cơn tai biến đã phải nằm liệt một chỗ. Ông chỉ còn có thể giao tiếp với mọi người xung quanh bằng ánh mắt. Nhưng những khi có bạn văn đến chơi, môi ông vẫn mấp máy điều gì. Vợ ông nói với khách rằng: Đó là ông vẫn đang nói về thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất