Nguy cơ lây dịch Covid-19 trong nhà ở chung cư thế nào?

CTV Hà Thành/VOV.VN | 14/09/2021, 07:00

Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, ngoài việc làm theo những khuyến cáo của cơ quan y tế thì giữ gìn môi trường sống là một điều rất quan trọng, đặc biệt là ở các khu chung cư.

Dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp. Theo đó, để phòng chống dịch hiệu quả, ngoài việc làm theo những khuyến cáo của cơ quan y tế thì giữ gìn môi trường sống là một điều rất quan trọng. Tuy nhiên, với nhà ở chung cư – một loại hình nhà ở phổ biến trong đô thị thì rất khác, bởi đặc thù riêng nên nơi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, cần thiết phải có những lưu ý và biện pháp chung để đảm bảo an toàn.

Môi trường dễ lây lan dịch bệnh

Nhà ở chung cư, nhất là chung cư cao tầng có mật độ người cư trú cao, sử dụng chung nhiều không gian công cộng, dễ tiếp xúc với nhau trong quá trình di chuyển và sinh hoạt; lại có nhiều sự kết nối, “giao lưu” với bên ngoài như với những người chuyển hàng (shipper), khách thuê nhà, thợ sửa chữa… nên là một môi trường rất dễ lây lan mầm bệnh, và khi đã lây lan thì khó kiểm soát. Những nơi “nguy hiểm”, “nhạy cảm” trong nhà ở chung cư có thể kể tới như sau:

Hầm để xe: Tất cả các gia đình ở chung cư đều có xe để dưới hầm, dù là xe đạp hay xe máy, hay ô tô. Điều đó có nghĩa là 100% các gia đình đều có thành viên tới nơi đây, để lấy xe sử dụng cũng như gửi trước khi lên nhà. Tầng hầm kín và rất bí, kể cả khi có hệ thống thông gió thì vẫn không thể thoáng như tầng nổi được. Trong tầng hầm, xe đậu san sát nhau, nhất là xe máy; thì sự tiếp xúc gần khi tiếp cận lấy xe là xảy ra phổ biến và không tránh được, nhất là buổi sáng và cuối giờ chiều.

Hành lang chung: Ở chung cư cao tầng, đa phần thiết kế theo kiểu hành lang giữa, cửa vào căn hộ ở hai bên hành lang, nên hành lang cũng rất bí. Có một số trường hợp hành lang thông với cầu thang bộ hay có cửa sổ thoáng ở cuối, nhưng không phải chung cư nào cũng như thế. Cũng rất ít chung cư có hệ thống quạt thông gió cho hành lang (bởi vận hành tốn kém). Đây là không gian chung tất cả mọi người đều sử dụng, là nơi ai cũng phải đi qua, dù ít hay nhiều.

Thang máy: Cũng như hành lang, thang máy là một bộ phận của hệ thống giao thông mà hầu như ai cũng phải sử dụng. Điều khác biệt là thang máy có mật độ người sử dụng lớn nhất, trung bình từ 3-4 người/m2, trong không gian cabin thang nhỏ bé và chật hẹp. Vào giờ cao điểm, số người chờ ở sảnh thang máy cũng rất đông, đứng sát nhau. Thang máy lại vận hành hầu như liên tục, ít có thời gian ngưng nghỉ để làm vệ sinh, khử khuẩn nên có thể nói đây là nơi nguy hiểm nhất để lây lan dịch bệnh.

Thang bộ: Một số chung cư có thang bộ (khác với thang thoát hiểm) cũng là một tuyến giao thông kết nối cùng hành lang chung và sảnh thang máy. Nhiều người ở tầng thấp vẫn sử dụng thang bộ thay vì phải chờ thang máy lâu, hay đi từ tầng nọ tới tầng kia mà khoảng chênh tầng không quá lớn. Thang bộ tuy ít người sử dụng, tương đối thoáng nhưng có một vị trí là tay vịn lan can, hầu như ai đi cũng cầm nắm vào, là vật trung gian có thể gây lây dịch bệnh.

Phòng đổ rác: Thông thường, mỗi tầng chung cư có một phòng rác. Tùy chung cư với mức độ tiện ích khác nhau mà thiết kế sử dụng ống đổ rác hay đặt thùng lớn chứa rác trong phòng rác. Nhưng dù là đổ rác kiểu gì thì cũng phải vào phòng rác. Đây cũng là không gian chật hẹp và bí, hầu như không có thông gió hay cửa thoáng. Mặc dù đổ rác ít tập trung đông người, ít tiếp xúc với nhau song đây là một môi trường yếm khí và chứa nhiều loại vi trùng, vi khuẩn nói chung, có thể nhiễm và lây lan nhiều loại dịch bệnh, không riêng gì Covid-19.

Hệ thống hút mùi bếp nấu trong căn hộ: Trong khu bếp ở mỗi căn hộ, đều có một ống hút mùi từ máy hút mùi trên bếp về hộp kỹ thuật. Theo thiết kế phổ biến thì ống này sẽ đấu nối vào một ống thẳng đứng từ tầng dưới lên tới mái rồi thoát ra khoảng không trên mái. Có tòa chung cư trên đỉnh ống ở mái có quạt hút để tăng cường lưu chuyển khí, nhưng cũng có tòa không có, để khí tự do bay lên. Dù theo cách nào thì hệ thống dẫn khí này đều thông các căn hộ với nhau, và thực tế đã có những trường hợp mùi nấu của nhà này bay vào nhà khác qua hệ thống ống này. Đây cũng có thể là nguyên nhân lây lan dịch bệnh, nhưng có lẽ cần có nghiên cứu khoa học, kiểm chứng cụ thể đối với hệ thống này, xem mức độ an toàn như thế nào.

Ngoài những nơi “nguy hiểm”, “nhạy cảm” kể trên, có thể đề cập thêm một số không gian công cộng ở chung cư thường tập trung đông người như phòng sinh hoạt cộng đồng, sân chơi, vườn hoa ở tầng trệt, các cửa hàng dịch vụ, siêu thị tích hợp chung trong toà nhà… Với một lượng cư dân lớn sinh sống và sự tương tác không nhỏ với bên ngoài, thì rõ ràng chung cư là một môi trường sống rất dễ lây lan dịch bệnh.

Các biện pháp phòng dịch cho chung cư

Do đặc thù chung cư như đã đề cập ở trên, là nơi dễ lây lan dịch bệnh, cơ quan y tế đã có ban hành hướng dẫn việc phòng chống dịch bệnh ở chung cư, khu tập thể, khu nhà/chung cư cho thuê, trong đó, việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh khử khuẩn là quan trọng để phòng dịch bệnh hiệu quả.

* Đối với Ban quản lý/Ban quản trị/Ban đại diện chung cư:

- Cần phân công người chịu trách nhiệm thực hiện, kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh; hạn chế người lạ, người giao hàng, người bán hàng rong... vào chung cư; quản lý khách ra vào chung cư (nếu có thể); không tổ chức các sự kiện có tập trung đông người.

- Thu gom rác thải, đưa đi xử lý hàng ngày theo quy định. Khử khuẩn thường xuyên bằng các chất tẩy rửa thông thường, đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn, ít nhất 1 lần/ngày. Đặc biệt, các vị trí có tiếp xúc thường xuyên, như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, bảng điều khiển thang máy, cabin thang máy, bảo đảm có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn, ít nhất 2 lần/ngày, tại các vị trí sảnh chờ, cầu thang, thang máy, nhà vệ sinh công cộng, phòng rác… Cung cấp đầy đủ khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn cho người lao động có tiếp xúc với cư dân hoặc khách đến chung cư.

- Tổ chức thông tin, truyền thông về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho cư dân, khách vào chung cư, người lao động; tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động về phòng chống dịch bệnh và những khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người lao động.

- Nắm được thông tin các căn hộ cho thuê và khách thuê nhà. Yêu cầu khai báo đầy đủ thông tin tạm trú/tạm vắng. Yêu cầu cư dân và khách thuê nhà cam kết thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh và quy định của chung cư đối với cư dân; yêu cầu hạn chế tụ tập đông người tại nhà cũng như các không gian công cộng khác trong chung cư.

- Báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương các trường hợp có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc các trường hợp đi từ vùng có dịch về. Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý từng trường hợp cụ thể.

* Đối với cư dân:

- Giữ gìn căn hộ sạch sẽ, vệ sinh. Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà bằng cách thường xuyên mở cửa ra vào, cửa sổ, bật quạt để không khí lưu thông, hạn chế sử dụng điều hòa. Đổ rác đúng nơi quy định, không để rác thải lưu cữu lâu trong căn hộ.

- Thường xuyên vệ sinh trong nhà. Các khu vực thường xuyên chạm vào như mặt bàn, tay nắm cửa, dụng cụ cầm tay, bàn, bảng công tắc đèn, nhà vệ sinh, vòi, bồn rửa… cần được ưu tiên làm sạch và khử khuẩn. Khi làm vệ sinh phải đeo khẩu trang và găng tay. Quần áo thay giặt hàng ngày.

- Sử dụng khẩu trang khi ra khỏi căn hộ, đeo khẩu trang đúng loại, đúng cách; sát khuẩn trước khi vào thang máy, hạn chế cầm nắm, tiếp xúc với những vật dụng và bề mặt ở những chỗ công cộng như hành lang, cầu thang bộ, thang máy. Khi ở ngoài về căn hộ tiến hành rửa tay và khử khuẩn. Không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng.

- Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vệ sinh bàn tay là rất quan trọng. Rửa tay đúng cách là biện pháp rất hiệu quả để phòng chống bệnh. Người dân cần hạn chế đưa tay sờ lên mặt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Rửa tay ngay sau khi về nhà; sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như: bảng điều khiển thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can…; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ, người ốm; trước khi ăn; trước và sau khi chế biến thực phẩm và khi bàn tay bẩn.

 - Không tụ tập đông người, không đi tới những nơi không cần thiết, không tiếp xúc, nói chuyện với người khác nếu không cần thiết.

- Tập thể dục đều đặn, đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, sinh hoạt điều độ.

- Trong trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tại căn hộ, nơi lưu trú, người dân cần chấp hành việc tự cách ly tại căn hộ, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Nếu không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2 mét. Các sinh hoạt phải tiến hành độc lập, không chung với các thành viên khác trong căn hộ. Cần báo cáo rõ ràng trung thực về tình hình sức khỏe và tuân thủ các yêu cầu, chỉ định của cán bộ y tế phụ trách.

Thực tế thời gian qua cho thấy, dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng và khó lường, khó kiểm soát. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan y tế và giải pháp căn cơ là vaccine, thì việc tạo lập và gìn giữ một môi trường sống tốt, an toàn là điều rất quan trọng, là một yếu tố quan trọng để ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất