'Người mở đường' sản xuất vật tư ngành nước ở Việt Nam 

Hoàng Anh | 16/09/2020, 09:39

Những năm 1990, trong khi cả thị trường sản xuất Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu thì doanh nhân Trương Quốc Cư đã nghĩ tới việc nghiên cứu, sản xuất, tự lực tự cường trong nước.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chủ tịch thương hiệu van vòi Minh HòaTrương Quốc Cư chi hàng triệu USD đầu tư máy móc. Ảnh: Vnexpress

Xuất thân là người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từng có 9 năm làm nhiệm vụ ở miền Nam, Trương Quốc Cư hiểu rất rõ giá trị của hòa bình và sự thịnh vượng.

Trở lại miền Bắc, ông theo học Đại học Kinh tế quốc dân, ra trường và có nhiều năm làm quản lý kinh tế tại Bộ Xây dựng trong những thời khắc khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp. Mặc dù vậy, ở ngưỡng tuổi trưởng thành, vị trí nhiều người ngưỡng mộ trong bộ máy nhà nước, ông Trương Quốc Cư vẫn không nguôi giấc mơ phải “làm một thứ gì đó để đời”: “Năm 1991, 1992 hé sáng chân trời đổi mới. Tôi nhận thấy sẽ có sự chuyển mình trên thế giới và trong nước. Khi đó tôi là trưởng phòng một công ty trực thuộc Bộ Xây dựng, mà nói thật là nghèo lắm, 10 năm làm việc có mỗi cái xe đạp đi. Tôi đã xin nghỉ, phải về làm kinh tế hộ gia đình”

“Năng lực của một quốc gia được chứng minh qua lĩnh vực sản xuất, chứ không phải buôn bán” - Đó là suy nghĩ của Trương Quốc Cư. Ông vừa mở cửa hàng vật tư ngành nước, vừa mày mò học hỏi các đối tác trong nước và nước ngoài. Cửa hàng của ông là nơi đầu tiên nhập ống thép mạ kẽm về từ Thái Lan, van vòi từ Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc cung cấp cho thị trường trong nước, đặc biệt là miền Nam vốn có nhu cầu rất lớn.

Chính các doanh nghiệp nước ngoài này cũng không ngờ rằng, hàng thập kỷ sau đó, họ phải quay trở lại nhập khẩu chính thiết bị sản xuất bởi cửa hàng năm xưa, nay là Công ty cổ phần Minh Hòa, dưới sự lèo lái của ông Trương Quốc Cư.

Chủ tịch thương hiệu van vòi Minh Hòa nhấn mạnh những bài học thương trường sâu sắc từ các đối tác: “Tôi nhập hàng của Hàn Quốc, nếu như mình thì thống nhất giá cả, thời gian như vậy, bây giờ hết giờ rồi thì để mai. Nhưng họ rất quyết liệt, bắt mình lên xe, chở ra công ty xuất nhập khẩu, thảo hợp đồng, ký ngay tại đó. Mình học được ở họ phong cách quyết liệt, tích cực và trung thực”

Công việc buôn bán, nhập khẩu và phân phối thiết bị ngành nước ổn định và tạo dựng được số vốn tích lũy, Trương Quốc Cư và các cộng sự đã hướng ngay tới mục tiêu ngay từ ban đầu khi tham gia vào kinh doanh. Đó là tự lực sản xuất, không phụ thuộc vào nhập khẩu.

Chủ tịch công ty Minh Hòa trăn trở: “Trong quá trình phân phối sản phẩm, chúng tôi không hiểu tại sao những nước rất nhỏ như Đài Loan, Thái Lan chỉ có mấy chục triệu dân mà người ta có thể sản xuất van vòi, phục vụ trong nước lại xuất khẩu nữa. Còn Việt Nam hơn 90 triệu dân lại không làm được. Do đó, qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã hạ quyết tâm phải là những người đi tiên phong làm van vòi cho người Việt Nam”.

Với đầu óc của một nhà quản lý kinh tế, Trương Quốc Cư đã tập hợp được một đội ngũ kỹ sư, cộng sự có chuyên môn cao và tâm huyết để áp dụng công nghệ châu Âu tạo phôi bằng phương pháp dập nóng với năng suất cao, chất lượng ổn định.

Từ những sản phẩm đầu tiên cho tới nay, sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn và nhận được sự đánh giá cao của các đối tác, người tiêu dùng trong nước. Bằng thực tế quan sát, trải nghiệm sản phẩm tại nhà máy quy mô, hiện đại, Minh Hòa đã thuyết phục được thị trường rằng, sản phẩm van vòi của công ty không hề thua kém hàng nhập khẩu.

Thành quả là: Hàng năm, 12 triệu sản phẩm van, vòi, phụ kiện, đồng hồ nước được Minh Hòa tung ra thị trường trong nước và 8 triệu sản phẩm được xuất khẩu.

Ở độ tuổi xế chiều, doanh nhân Trương Quốc Cư đã hoàn thành được giấc mơ: “Người Việt chế tạo được vòi nước cho những ngôi nhà Việt”. Nhưng ông vẫn chưa thôi nguôi những trăn trở với con đường phát triển của các nhà sản xuất Việt Nam, đặc biệt là cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất: “Nếu Nhà nước nói rằng có hỗ trợ các doanh nghiệp thì phải đi vào thực chất, cụ thể. Anh phải điều tra nghiên cứu ai là sản xuất thực tiễn, ai là chuyên đi nhập hàng Trung Quốc về. Lên được sơ đồ doanh nghiệp xếp cao được ưu tiên về vốn ra sao. Ví dụ, Trung Quốc họ xuất được một đơn hàng máy được hoàn 30% giá trị. Làm sao mà họ không trở thành công xưởng của thế giới được”

Ông Vũ Ngọc Văn, vừa là bạn chiến đấu trong quân ngũ, vừa làm cộng sự, cố vấn trong công việc chia sẻ về ông Trương Quốc Cư với giọng nể phục và tự hào: “Anh Cư là một người rất nhạy bén với những biến động. Tính cách nổi bật là một con người có ý chí, bản lĩnh, hành động quyết liệt đến cùng. Rất đam mê với công việc và đam mê cống hiến”.

Từ một cửa hàng vật tư nhỏ, từ một cán bộ nhà nước, với tư duy đổi mới, thái độ nghiêm túc, cầu thị, quyết liệt, và một đầu óc kinh tế nhạy bén, doanh nhân Trương Quốc Cư đã gây dựng nên một thương hiệu Minh Hòa tin cậy trong thị trường sản xuất thiết bị ngành nước tại Việt Nam và khu vực.

“Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường” - Trương Quốc Cư cũng là biểu tượng cho làn sóng doanh nhân đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Bài liên quan
Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giải tỏa áp lực, hoang mang
Bộ GD-ĐT công bố định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giúp hình dung rõ nét hơn trong các khâu dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá"- cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội nhận định

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất