Người dân Đà Nẵng gặp khó khăn khi xin phép thi công xây nhà trở lại

Thanh Hà/VOV-Miền Trung | 16/09/2021, 22:06

Người dân cần sửa chữa, hoàn thiện ngôi nhà trước mùa mưa bão đang khổ sở với các loại giấy phép và rất ít người được cấp phép tiếp tục thi công xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Ngày 3/9/2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 2905, tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Tại Quyết định này, thành phố cho phép một số công trình dân sinh cấp thiết được phép xây dựng, sửa chữa. Tiếp đó, ngày 9/9, tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và ứng phó với bão số 5, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện cho người dân, đơn vị được tiến hành xây dựng, sửa chữa, gia cố các công trình dân sinh, nhất là những hộ dân nhà cửa xuống cấp, gần hoàn thiện.

Tuy vậy, trên thực tế, người dân cần sửa chữa, hoàn thiện ngôi nhà trước mùa mưa bão đang khổ sở với các loại giấy phép và rất ít người được cấp phép tiếp tục thi công xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Sau khi UBND thành phố Đà Nẵng cho phép người dân cải tạo sửa chữa nhà, anh Trương Văn Thanh, ở đường Cù Chính Lan, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê liên hệ với Đội Quy tắc đô thị phường để hỏi các thủ tục hoàn thiện ngôi nhà đang xây dựng dở dang. Tuy nhiên, Đội quy tắc phường giải thích là thành phố giao quận, huyện cấp phép nên phường không thể cấp.

Sau đó, anh Thanh lên UBND quận, được nhân viên phòng Quản lý đô thị quận chỉ về phường giải quyết. Trước khi xem xét giải quyết, phường yêu cầu chủ đầu tư công trình nhà ở phải thống kê được bao nhiêu thợ thi công, kê khai đủ nơi thường trú của từng người thợ, cung cấp chính xác cung đường của người thợ đi và đến, thực hiện đủ hồ sơ thì nộp cho phường xử lý.

Tiếp đến, UBND phường xác nhận danh sách thợ và những người chở vật liệu đến công trình. Sau đó, chủ công trình (hộ dân) mới đem bộ hồ sơ đã được phường xác nhận lên nộp lại Trung tâm Hành chính quận. Cuối cùng thì danh sách thợ cũng được anh Thanh tập hợp đủ nhưng không người nào ở phường đứng ra xác nhận được. Vì vậy, Chủ tịch UBND quận không thể cấp phép thi công trở lại trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Nguyên nhân là, đối với công trình nhà ở tư nhân, số thợ do nhà thầu tuyển từ nhiều nơi. Chủ công trình nhà ở không thể giải thích được với phường, thợ đến từ địa điểm nào. Chiều 15/9, anh Trương Văn Thanh quay lại UBND phường lần nữa thì UBND phường đề nghị anh về nhà tiếp tục chờ. Anh Thanh than thở, nhà xây gần xong, dịch bùng phát phải đóng cửa nhiều tháng, mùa mưa tới, công trình hư hỏng, sắt rỉ gét, tường gạch ẩm mục, nay thành phố cho phép tiếp tục xây dựng nhưng việc cấp phép “đá qua đá lại” vì sợ trách nhiệm, dân khổ đủ đường.

Ông Đinh Viết Hồng Lễ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, quận Thanh Khê cho biết, tiến độ giấy phép nhanh hay chậm là do chủ đầu tư công trình, còn thẩm quyền xác nhận phường làm rất nhanh. Khi lãnh đạo phường thấy hồ sơ có đủ các phương án phòng chống dịch, bản cam kết không để xảy ra dịch thì phường sẽ xác nhận, tổng hợp gửi lên UBND quận để quận cấp phép.

Tuy nhiên, từ ngày 4/9 đến nay, phường mới xác nhận được 6 hồ sơ gửi lên quận và quận chưa cấp được hồ sơ nào trong số này. Trong khi quận chưa cấp hồ sơ nào cho dân sửa chữa thì tối 15/9, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thay đổi về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động tại các công trình xây dựng. Theo đó, tất cả cá nhân tham gia giao thông để đến công trình xây dựng đều phải có Giấy đi đường.

Trong đó, UBND quận, huyện cấp Giấy đi đường cho người tham gia công trình xây dựng dân dụng, các công trình khác tại các cơ sở sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn còn UBND xã, phường cấp Giấy đi đường cho cá nhân vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn xã, phường kèm theo phương tiện vận chuyển. Vậy là, người dân phải lên phường/ xã để xin giấy cho người và xe chở vật liệu xây dựng đến nhà mình, đồng thời phải lên quận để xin giấy cho thợ hồ làm nhà cho mình.

Ông Đinh Viết Hồng Lễ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, quận Thanh Khê cho biết: "Theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố số 5992 thì phường chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân vận chuyển vật liệu xây dựng thôi. Còn UBND quận cấp công trình xây dựng nên về phía quận thì quận đã phân quyền lại cho phòng Quản lý đô thị cấp Giấy đi đường nên về đầu mối thì Phòng Quản lý đô thị tiếp nhận và tham mưu cho UBND quận".

Sáng 16/9, khi người dân hỏi phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê thì cán bộ phòng này trả lời chờ hướng dẫn. Ông Tào Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê cho biết, khi thực hiện Quyết định 2905 của UBND thành phố Đà Nẵng, quận đã cấp phép khoảng 10 công trình được sửa chữa, tiếp tục xây dựng để tránh bão. Sau khi có quyết định mới vào ngày hôm qua thì quận cấp nhiều giấy đi đường nhưng do nghẽn mạng nên người dân chưa nhận được.

Ông Tào Hùng giải thích: "Trên hệ thống Giấy đi đường, UBND quận đã tiếp nhận và phê duyệt một số giấy đi đường cho người dân đi sửa nhà. Tuy nhiên, người dân phản ánh là vẫn chưa nhận được mail. Thậm chí đã hướng dẫn người dân đăng nhập lại mail để phê duyệt nhưng vẫn không được. Vấn đề này đã thông báo cho dân thông cảm chờ hệ thống ổn định lại thì sẽ thông báo lại cho người dân".

Trong khi Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cấp giấy phép tiếp tục xây dựng và sửa chữa nhà thì UBND huyện Hòa Vang, UBND quận Ngũ Hành Sơn lại ủy quyền cho UBND xã/phường cấp giấy phép và trực tiếp giám sát để tạo điều kiện cho người dân. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, chẳng có mấy người dân sửa được nhà, bởi quận chỉ ưu tiên cho thợ tại địa phương chứ chưa cho phép thợ từ các vùng khác đến xây dựng.

"Chủ trương là ưu tiên thợ của địa phương còn thợ ở các vùng khác, vùng đỏ, vùng vàng thì không vào được. Nếu tới thì tới ở lại công trình luôn chứ không được đi lại. Giấy đi đường, nếu xây dựng trong xóm trong làng, thì do phường cấp. Người dân hiện nay tổng hợp lên phường, đáng lẽ quận cấp nhưng quận ủy quyền cho phường cấp luôn để giám sát, chủ yếu là quản lý người lao động thôi. Chúng tôi cấp nhiều lắm rồi nhưng người dân rất ít xây sửa các công trình bởi không có thợ và vật tư", ông Nguyễn Hòa nói.

Việc thực hiện theo quy định về hoạt động công trình xây dựng là nhà ở cấp thiết do Chủ tịch UBND quận/huyện xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể cũng không đồng nhất. Trước tình trạng này, ngày 16/9, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này. Theo một cán bộ Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, một số quận quy định quá nhiều thủ tục khiến người dân không thể nào có thể đủ hồ sơ thủ tục để có thể tiếp tục sửa chữa, xây dựng nhà cửa, nhất là bảng cam kết các quy định phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc một số phường chỉ cấp giấy đi đường cho người dân phường mình chứ không cấp giấy cho dân phường khác cũng gây khó cho dân../.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất