Người dân bật khóc vì nhiều lần “xin trả nợ” không thành, nhà cửa đều bị đấu giá

Nhóm phóng viên/VOV.VN | 21/07/2022, 06:00

Gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn vẫn khẳng định rằng, trước ngày đấu giá tài sản đã nhiều lần mang tiền lên Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Sóc Trăng và Ngân hàng để xin chuộc lại tài sản nhưng không được giải quyết.

Liên quan đến loạt bài phản ánh người dân 4 năm ôm đơn kêu cứu, phản ánh sai phạm của chấp hành viên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng mà Báo Điện tử VOV đã đăng tải, mới đây, trả lời Báo Điện tử VOV, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đã thừa nhận những sai sót của chấp hành viên trong quá trình thi hành án và bán đấu giá tài sản của gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Từ khi xảy ra sai phạm trong quá trình thi hành án và đấu giá tài sản của gia đình ông Toàn cách đây đã hơn 4 năm, bằng ấy thời gian gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn nhiều lần “ôm” đơn kêu cứu khắp nơi, trong đó có tới Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng và nhiều cơ quan liên quan khác, song đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

“Ôm tiền chuộc đất” mà không ai giải quyết?

Trong cuộc trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Văn Uốt, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng vẫn khẳng định trước ngày bán đấu giá đất, gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn không có khả năng và hoàn toàn không trả nợ. Việc này đã được “lưu trong hồ sơ thi hành án rõ ràng”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Đông Xuân (chị họ ông Nguyễn Hữu Toàn, người phải thi hành án) lại khẳng định rằng, trước thời gian bán đấu giá tài sản 1 tháng, bản thân bà đã nhiều lần “ôm tiền” lên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và cả ngân hàng để xin trả nợ nhưng “hai bên đùn đẩy” không ai giải quyết.

“Bên nào cũng nói cứ về rồi giải quyết, nhưng cuối cùng không ai giải quyết và toàn bộ nhà, đất của gia đình tôi bị đem ra bán đấu giá. Thậm chí, khi chưa diễn ra phiên bán đấu giá, khi gia đình tôi còn chưa hề hay biết, thì không hiểu bằng cách nào đã có người biết thông tin mà ngang nhiên đến xem đất.

Tôi rất bức xúc vì bản thân tôi không bỏ tài sản, không phải không trả nợ mà đã lên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng rất nhiều lần để xin trả mà không được, những người ở cơ quan này cũng nhiều lần gặp tôi ôm tiền lên trả. Tôi không hiểu tại sao lại nói tôi không trả. Tôi xây căn nhà này hơn 500 triệu, không hề cầm cố, nhưng cũng bị đem ra bán đấu giá, như vậy chấp hành viên đang lấy căn nhà này tặng không cho người mua?”, bà Xuân bức xúc nói.

Bà Nguyễn Thị Đông Xuân cho biết thêm, sau khi tài sản bị đem ra bán đấu giá, chấp hành viên cục THADS tỉnh Sóc Trăng có hướng dẫn gia đình thỏa thuận với người trúng đấu giá để mua lại toàn bộ diện tích đất với số tiền bằng giá trúng đấu giá cộng phí.

“Cả Cục THADS và ngân hàng đều không cho tôi chuộc đất, nên buộc tôi phải bắt tay với người mua mong lấy lại nhà đất. Ngày đấu giá đất, đúng 14h khi vừa kết thúc, tôi chờ sẵn ở Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, gặp cả chấp hành viên Nguyễn Quốc Tuấn và người trúng đấu giá, họ nói sẽ giải quyết cho tôi. Nhưng 3 tháng sau, chấp hành viên lại xuống kê biên tài sản để giao cho người trúng đấu giá.

Gia đình tôi đã làm đơn kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhưng không hiểu vì lý do gì lại bị bác đơn, chúng tôi đã phải ra tận Hà Nội để đưa đơn kiện đến các cơ quan có thẩm quyền cao hơn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Xuân bức xúc.

Ông Nguyễn Hữu Toàn cũng tiếp tục khẳng định rằng, trước thời gian bị cưỡng chế tài sản, gia đình đã nhiều lần mang tiền đến Cục THADS tỉnh Sóc Trăng để tự nguyện nộp tiền thi hành án nhưng không được.

“Đáng ra, gia đình tôi nợ tiền thì phải tạo điều kiện cho gia đình nộp tiền và trả nợ ngân hàng, nhưng nhiều lần liên hệ với cả Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và phía ngân hàng đều không được. Rồi bỗng dưng chúng tôi nhận được thông tin toàn bộ đất đai bị đem ra bán đấu giá. Điều này khiến gia đình tôi rất hoài nghi về động cơ, mục đích của việc tổ chức cưỡng chế thi hành án đến cùng”? ông Nguyễn Hữu Toàn đặt câu hỏi.

“Hơn 4 năm qua, gia đình tôi không thể làm ăn gì, chỉ biết ôm đơn kêu cứu khắp nơi, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, bố mẹ tôi thường xuyên đau ốm, bệnh tật, gia đình lao đao không nơi nương tựa. Trước đây toàn bộ kinh tế gia đình tập trung vào sản xuất thủy sản trên chính các thửa ao đang bị “treo” do sai sót của chấp hành viên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng. Nhiều năm nay gia đình không thể nuôi trồng thủy sản trên mảnh đất này khiến kinh tế vô cùng khó khăn, kiệt quệ. Tài sản bỏ hoang, ao nuôi trồng vứt không. Thiệt hại về kinh tế trong 4 năm qua của gia đình từ diện tích đất sản xuất này lên đến vài chục tỷ đồng. Đến nay các thành viên trong gia đình tôi đều ly tán, bỏ nghề đi khắp nơi kiếm sống”, ông Toàn cho biết.

Về việc Cục THADS tỉnh Sóc Trăng giải thích việc chậm trễ giải quyết vụ việc để kéo dài trong 4 năm qua do Cục vướng vào các vụ kiện giữa người trúng đầu giá…, ông Nguyễn Hữu Toàn lại bức xúc cho rằng, lý giải này hoàn toàn không phù hợp, bởi thực tế vụ kiện giữa người trúng đấu giá với Cục THADS là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết tố cáo của gia đình ông đối với các hành vi, quyết định của cán bộ công chức thi hành án gây ra.

“Nếu xét thấy việc thi hành án tiếp tục sẽ phát sinh hậu quả khó khắc phục, hay cần thiết dừng để xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo Cục vẫn có quyền ra quyết định dừng hoặc tạm hoãn thi hành án theo quy định, nhưng tại sao Cục Thi hành án biết sai nhưng vẫn cố tình làm? Đã hơn 4 năm, trong khi cuộc sống người dân khốn khổ, nhưng cơ quan nhà nước có trách nhiệm làm sai, cán bộ làm sai vẫn chưa bị xử lý. Gia đình tôi chỉ có một mong ước duy nhất là cần hủy kết quả bán đấu giá và kê biên tài sản sai lệch, tiếp tục đưa vụ việc ra thi hành án theo đúng quy định của pháp luật để gia đình có thể tự nguyện thi hành án, trả tiền lại cho ngân hàng”, ông Toàn nói.

Ông Toàn cho biết thêm, sau loạt bài viết bà VOV.VN đã đăng tải, ngày 7/7, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đã mời gia đình lên làm việc, nhưng lại không đưa ra hướng giải quyết vụ việc theo đơn thư tố cáo của gia đình mà đưa ra thông tin gợi ý gia đình thương lượng với người trúng đấu giá khắc phục những diện tích đất bị sai phạm trong quá trình kê biên và thẩm định giá.

Luật sư: Có dấu hiệu “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”

Để làm rõ những nội dung liên quan đến vụ việc này, trao đổi với VOV.VN, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ Điều 5 và Điều 9 Luật Thi hành án, kể cả trường hợp có quyết định thi hành án thì đương sự hoàn toàn có thể thoả thuận, tự nguyện thi hành án. Trong vụ án này, các bên tranh chấp nhau về nghĩa vụ trả tiền thì các bên hoàn trả tiền cho nhau hoặc bên có nghĩa vụ nộp tiền cho cơ quan thi hành án thì được hiểu là đã hoàn thành nghĩa vụ thi hành án. Cơ quan thi hành án cũng cần tạo điều kiện cho người thi hành án tự nguyện thi hành án.

Theo luật, việc trả nợ của các đương sự để lấy lại tài sản thế chấp được quy định tại Khoản 5 Điều 101 Luật THADS năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014:

“Điều 101. Bán tài sản đã kê biên

5. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.

Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết”.

“Trong trường hợp này nếu người tố cáo vẫn còn tố cáo sự việc cho đến nay và cho rằng nhiều lần yêu cầu tự nguyện nộp tiền để thi hành án nhưng không thành, sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết, thì Cục Thi hành án cần kiểm tra lại nội dung này”, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết.

Liên quan đến việc chấp hành viên Cục Thi hành án sai sót trong quá trình kê biên tài sản, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết, đối với các hành vi kê biên không đúng loại đất, đất xây dựng biến thành đất ao hồ, kê biên thiếu tài sản trên đất, thì đây là những hành vi lập hồ sơ khống, không căn cứ hồ sơ pháp lý, không kiểm tra hiện trạng thực tế của tài sản. Các hành vi này có dấu hiệu phạm tội: “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” theo quy định tại điều 218 Bộ luật hình sự.

Luật sư cũng cho rằng đây là sai sót không thể khắc phục được, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho người bị thi hành án. Với những sai sót có dấu hiệu vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng cần chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra, làm rõ hành vi sai phạm theo đúng thẩm quyền.

Trước câu hỏi của phóng viên rằng, vụ việc vướng mắc tồn đọng kéo dài nhiều năm đến nay vẫn chưa được giải quyết, khiến diện tích đất đấu giá vẫn đang “treo”, gia đình người phải thi hành án không được sử dụng đất để canh tác, nhưng những người trúng đấu giá vẫn chưa nhận được đất. Vậy Cục THADS tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm thế nào trong vụ việc này? Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết, Khoản 2, Khoản 4 Điều 14 Luật Thi hành án năm 2008 đã quy định rõ, trách nhiệm của Cục THADS là: “Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS thuộc thẩm quyền theo quy định của này”.

“Sự việc đã kéo dài rất nhiều năm nhưng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng không trực tiếp giải quyết triệt để,  sai phạm trong quá trình thi hành án dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người dân. Việc thừa nhận những sai phạm nhưng không có biện pháp xử lý cụ thể dẫn đến việc sai sót của Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng gây bức xúc trong dư luận. Cục thi hành án phải có trách nhiệm trực tiếp xử lý những sai phạm để đảm bảo việc Thi hành án”, luật sư nêu rõ./.

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết: “Theo quy định tại Điều 6 Luật đấu giá tài sản thì việc tổ chức đấu giá tài sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau: “Tuân thủ quy định của pháp luật. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.”

Mặc dù Khoản 3 Điều 7 Luật đấu giá tài sản có quy định về việc bảo vệ người mua tài sản nhưng việc tổ chức đấu giá tài sản phải tuân thủ về trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Nếu đúng như phản ánh của báo chí, cho thấy rằng việc tổ chức đấu giá có nhiều sai phạm trong quy trình, thủ tục đấu giá tài sản như: “Sai phạm về thông báo cho người có tài sản đấu giá; Sai phạm về việc giảm giá và sai phạm trong việc định giá tài sản sau khi đấu giá”;  Và sai phạm cả quy định về niêm yết, kiểm tra hiện trạng tài sản đấu giá, trên thực tế tài sản đấu giá khác hoàn toàn với tài sản hiện trạng và có trong hồ sơ pháp lý. Những sai phạm này vi phạm Điều 34, 58 Luật đấu giá.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3,4 Điều 72 và Khoản 6 Điều 33 Luật đấu giá thì các sai phạm trên đủ cơ sở để huỷ kết quả đấu giá tài sản. Như vậy trong trường hợp này Cục thi hành án tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn có quyền huỷ kết quả đấu giá tài sản.

Đồng thời với các sai phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự của các cá nhân có liên quan thì cần chuyển toàn bộ hồ sơ để điều tra, làm rõ các sai phạm theo quy định pháp luật”.

Bài liên quan
Lợi dụng hoãn thi hành án, bà bầu lừa đảo thêm 3 tỷ đồng
Được hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ và mang thai, nhưng Lan Anh lại thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của 9 nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mới nhất