Người Anh ‘chìm nghỉm’ trong bão giá

18/08/2022, 12:51

Giá các mặt hàng tiêu dùng tại Anh đang tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ năm 1982.

Cầm một hộp trà trên kệ siêu thị ở London, Stacey Smith gọi điện cho người hàng xóm đã nhờ cô mua hàng. “Họ tăng giá (trà) 20 pence (khoảng 0,25 USD)”, cô nói, "chị còn muốn mua không?”

Hàng xóm của cô chấp nhận mua. Nhưng Smith, vốn chỉ là một trợ giảng và là một bà mẹ ba con đơn thân, không thể làm được như vậy. Sau khi mua trà cho người hàng xóm, cô đến Aldi, một siêu thị giá rẻ hơn, để mua sắm cho gia đình.

Người Anh ‘chìm nghỉm’ trong bão giá - 1

Siêu thị ở London hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters)

Trong những tháng qua, khi giá lương thực tăng cao ở Anh, Smith đã cắt giảm lượng thịt trong khẩu phần ăn, thay bằng mì ống và nước sốt. Các con của cô nghỉ học bơi, hạn chế mở tủ lạnh ăn vặt. Cô cũng phải từ chối yêu cầu đến sân chơi bowling của các con.

Smith chỉ kiếm được 1.200 bảng Anh (khoảng 1400 USD) một tháng. “Cần dành số tiền đó mua thức ăn. Trước đây, chúng tôi đã cảm thấy nước ngập đến cổ rồi. Còn bây giờ thực sự là đang chìm theo đúng nghĩa đen”.

Ở Anh, lạm phát tăng 10,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Nhiều người Anh, đặc biệt là những người trong nhóm dễ bị tổn thương nhất, phải gánh chịu hậu quả của lạm phát. Họ phải cố gắng nhiều hơn để nói “không” với con cái, để đi đến nhiều siêu thị tìm hàng giảm giá, xếp hàng tại các ngân hàng thực phẩm và phải thỏa hiệp nhiều hơn trong các vấn đề về sức khỏe.

Nhiều người lo ngại rằng các nhà lãnh đạo của họ đã để đất nước trong tình trạng thiếu sự dẫn dắt khi khủng hoảng kinh tế ngày càng gia tăng. Chính phủ Anh đang bị cuốn vào một quá trình chuyển đổi lãnh đạo, khi Thủ tướng Boris Johnson chỉ còn vài tuần cuối cùng ở Phố Downing trước khi người kế nhiệm được công bố vào ngày 5/9. Bản thân quốc hội Anh không họp vì đang trong kỳ nghỉ.

Trong khi đó, người dân Anh vẫn đang phải đưa ra những lựa chọn khó khăn trong việc thắt chặt chi tiêu.

Tại Iceland, trong một siêu thị giá rẻ chuyên về thực phẩm đông lạnh, bà Tainara Graciano, 51 tuổi, làm quản gia ở London, đi mua đồ. Trong giỏ thanh toán của bà chỉ có hai hộp trứng và gà giảm giá do sắp hết hạn sử dụng. Bà cùng đã giảm mua nước đóng chai từ khi giá bắt đầu tăng.

“Thằng bé uống rất nhiều”, bà nói về cậu con trai 11 tuổi. Chỉ vào giỏ của mình, bà cho biết thêm "5 tháng trước, chỗ tôi mua phải hai giỏ như thế này”.

Bên kia đường, bà Arwen Joseph, 47 tuổi, đang mua sắm đồ gia dụng tại cửa hàng giá rẻ Poundland.

Joseph đang hưởng trợ cấp của chính phủ và thỉnh thoảng sử dụng ngân hàng thực phẩm. Bà nói việc mua thực phẩm lành mạnh phù hợp với bệnh dị ứng của mình. Do đó, bà đã cắt giảm các mặt hàng khác.

Con gái 9 tuổi của bà, bé Georgia Gold nói: “Nhà cháu thường ăn kem hoặc trà sữa một lần một tuần. Nhưng bây giờ không được nhiều như vậy”.

Người Anh ‘chìm nghỉm’ trong bão giá - 2

Người Anh đi đến nhiều siêu thị hơn để săn hàng giá rẻ. (Ảnh EPA).png

Các tình nguyện viên tại các ngân hàng thực phẩm cho biết họ đã bị bất ngờ và phải chật vật để theo kịp nhu cầu của nhiều người cần giúp đỡ.

Solomon Smith, người điều hành Brixton Soup Kitchen ở Nam London, nơi cung cấp bữa ăn nóng và các dịch vụ ngân hàng thực phẩm khác cho những người có nhu cầu, cho biết số người sử dụng dịch vụ này đã tăng hơn gấp đôi trong những tháng gần đây.

“Mọi người nói với chúng tôi rằng họ đã không ăn uống tử tế trong nhiều ngày”, Solomon Smith nói. Thậm chí, một số người trộm đồ ăn từ cửa hàng. Những người khác đắn đo giữa việc trả tiền xăng hay thức ăn.

Ngay cả các ngân hàng thực phẩm cũng không thoát khỏi sức ép lạm phát. Theo ông Smith, họ đã phải cắt giảm lượng thực phẩm trong các bữa ăn. C​các khoản quyên góp của công chúng cũng cạn kiệt dần.

“Chúng tôi không đủ để cung cấp cho tất cả mọi người. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào tuần tới”, ông nói.

Nhiều người trên khắp nước Anh đang đối mặt với những vấn đề tương tự.

Tại Ngân hàng Thực phẩm Blackburn ở phía Bắc, ngày càng nhiều người có việc làm toàn thời gian xuất hiện, do tiền lương họ được trả không theo kịp lạm phát.

Gill Fourie, giám đốc phụ trách hoạt động của Blackburn, nói: “Mọi người rất sốc khi họ phải ở đây. Họ thậm chí không có gas và điện để nấu ăn”, cô đề cập đến việc giá điện và nhiên liệu gia dụng đang tăng lên, dự báo tăng khoảng 3.500 bảng Anh (khoảng 4.216 USD) một năm vào tháng 10 tới, gấp 3 lần so với một năm trước. Tuy nhiên, bà cho biết thêm, cơ sở này vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Ngay cả những người ở trong tình huống ít bấp bênh hơn cũng phải “nâng lên đặt xuống” ví tiền của họ.

Melanie McHugh, một nữ diễn viên cho biết, cô đã chuyển sang mua một nhãn hiệu nước sốt rẻ hơn và thay đổi một số nhãn hiệu quen thuộc khác. “Tôi nhận thức được rằng mình là người may mắn. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng thói quen của mình đã thay đổi”, cô nói.

Chính phủ Anh phân bổ 15 tỷ bảng Anh (khoảng 18 tỷ USD) trợ cấp cho các gia đình dễ bị tổn thương nhất. Bà mẹ đơn thân Smith cho biết nhận được khoảng 300 bảng Anh trong tháng này. Cô cũng dự trữ xà phòng giặt, nhưng vẫn chưa bớt lo lắng. Cô đã bắt đầu nghĩ đến việc bán xe và kiếm thêm một công việc khác, như làm người dọn dẹp, vào cuối tuần.

“Đó không phải là điều tôi muốn. Nhưng bạn phải làm những gì mình cần để tồn tại”, cô nói.

Phương Anh(Nguồn: The New York Times)
Bài liên quan
EU sẵn sàng nối lại hợp tác chống khủng bố với Nga
Dù đã đình chỉ hỗ trợ và hợp tác an ninh với Nga, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn sẵn sàng nối lại đối thoại chống khủng bố với Moskva trong thời điểm hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất