Ngay khi giành được độc lập, Bác đã chỉ ra những căn bệnh của đảng cầm quyền

Kim Anh/VOV.VN | 04/09/2022, 07:56

Ngay từ sau khi giành được độc lập, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác đã cảnh báo những nguy cơ và chỉ ra những căn bệnh của đảng cầm quyền và của cán bộ, đảng viên do chủ nghĩa cá nhân gây ra.

Quyền lực và đạo đức gắn chặt chẽ với nhau

Trước khi về với cõi người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc bản Di chúc thiêng liêng, trong đó, Người nhấn mạnh việc thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao sức mạnh và uy tín của Đảng.

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Theo tư tưởng của Bác, đạo đức cách mạng là đối lập với chủ nghĩa cá nhân – đây là thứ giặc nội xâm nguy hiểm nhất, là bệnh mẹ, bệnh gốc đẻ ra trăm nghìn thói hư, tật xấu hư hỏng cần phải đấu tranh suốt đời. Đạo đức cách mạng là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nhiều khi sự nghiệp cách mạng đòi hỏi phải hy sinh lợi ích cá nhân, quyền lợi cá nhân thì người cách mạng phải có nghĩa vụ hy sinh tất cả, đặt lợi ích của Đảng, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết.

Nhiều năm nghiên cứu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, cuộc đời, sự nghiệp cũng như tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng để mọi thế hệ mà trước hết là cán bộ, đảng viên học tập và làm theo Bác.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, đạo đức được coi là gốc của cây, là nguồn của sông, là sức mạnh của con người. Đối với mỗi con người, đạo đức là thước đo chất người, tính người, trình độ của một con người. Vì vậy, con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức, đặc biệt là cán bộ, đảng viên càng cần có đạo đức.

Khi viết về Đảng, Bác dùng cụm từ “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Điều đặc biệt là cụm từ này Bác viết ngay trước đoạn nói về đạo đức, điều đó cho thấy quyền lực và đạo đức gắn rất chặt chẽ với nhau. Ngay từ sau khi giành được độc lập, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác đã cảnh báo những nguy cơ và chỉ ra những căn bệnh của Đảng cầm quyền và của cán bộ, đảng viên do chủ nghĩa cá nhân gây ra, trong đó đáng chú ý những căn bệnh như quan liêu, kiêu ngạo, "hữu danh vô thực", xu nịnh a dua, kéo bè kéo cánh, mất dân chủ, lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu dân...

Theo Bác, không phải ai có quyền cũng hư hỏng, nhưng vấn đề Bác muốn nhấn mạnh ở đây chính là trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên trong cơ quan công quyền dù ít, dù nhiều quyền hành trong tay nếu không giữ “cần, kiệm, liêm, chính” thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

“Quyền lực mà cán bộ nắm giữ là do nhân dân ủy thác để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân chứ không phải dùng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chính vì vậy, Bác từng nói: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền nếu không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thì sự nghiệp cách mạng của Đảng sẽ gặp muôn vàn khó khăn”.

Ông Bùi Đình Phong nói như vậy, đồng thời nhấn mạnh, quyền lực nếu được trao vào tay cán bộ thiếu đức, kém tài thì sẽ dẫn đến lộng quyền, thiếu ý thức phục vụ nhân dân, thiếu tinh thần trách nhiệm, tất yếu sẽ dẫn tới tha hóa, biến chất. Ngược lại, nếu quyền lực được trao vào tay cán bộ có đức, có tài thì sẽ biến thành sức mạnh, động lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Cán bộ hư hỏng, suy thoái là do lòng tham

Dẫn chứng số liệu hàng trăm cán bộ, đảng viên bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, trong đó có hơn 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bộ phận không nhỏ cán bộ hư hỏng, suy thoái là do lòng tham, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, không vượt qua cám dỗ danh – lợi, gây nên mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, lợi ích nhóm, bất minh, bất chính, tham nhũng, tiêu cực.

“Những con người này quá nhiều lòng tham và ít đạo đức cách mạng, chỉ biết đặt lợi ích của cá nhân, của nhóm mình lên trước lợi ích của nhân dân, Tổ quốc. Họ không làm được điều quan trọng là phải tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày, suốt đời, từ việc nhỏ đến việc lớn, không tu thân chính tâm, hay nói cách khác, họ đã ngã vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị danh, lợi, lòng tham che lấp đạo đức cách mạng. Thậm chí có người thấy đồng chí mình mắc sai phạm, khuyết điểm nhưng không lấy đó làm bài học mà bản thân họ vẫn bị tiền tài, địa vị che lấp tất cả nên đã đi vào vết xe đổ, cũng có thể họ nghĩ rằng việc làm sai trái đó đã được lực lượng khác che chắn, chống lưng”- ông Bùi Đình Phong cho biết.

Cũng theo giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ câu chuyện hàng chục cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua cho thấy công tác cán bộ ở khâu này, khâu khác “đang có vấn đề”. Và khi họ đã trở thành cán bộ nòng cốt của Đảng thì tổ chức lại thiếu sự kèm cặp, giáo dục, giúp đỡ, khiến vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, cuối cùng họ ngã vào vũng bùn của “chủ nghĩa cá nhân” và không thể cứu vớt.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một công việc rất khó khăn, phong phú, phức tạp, đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì. Nếu người có chức, có quyền, đặc biệt là người đứng đầu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa, có liêm sỉ, ít lòng ham muốn về vật chất thì sẽ không thể trở thành tấm gương của xã hội. Cùng với đó, phải thiết lập cho được cơ chế, thể chế chặt chẽ để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng; xây dựng bộ máy thực sự khoa học, đặc biệt là xây dựng nền dân chủ, gắn với nền dân chủ là các thiết chế về kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ.

Một yếu tố không thể thiếu nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh đó là kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước phải thật nghiêm. Theo ông Bùi Đình Phong, không ai mong muốn gì việc phải kỷ luật đồng chí mình, nhưng đối với những người đã hư hỏng, không thể giáo dục được nữa thì kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước phải thực sự nghiêm minh. Như Bác đã từng căn dặn: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”./.

Bài liên quan
"Vận dụng chỉ đạo của Tổng Bí thư trong hai cuốn sách vào công việc hàng ngày"
Ông Nguyễn Văn Thể đề nghị tất cả cán bộ, đảng viên nghiên cứu để vận dụng những chỉ đạo của Tổng Bí thư trong hai cuốn sách vào các công việc hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất