Ngăn chặn bóc lột và xâm hại trẻ em: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Thu Hằng/VOV2 | 01/07/2022, 12:12

Báo cáo hàng năm có khoảng 4.000 vụ trẻ em bị bạo hành thì cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em còn nhiều hơn do chưa được tố cáo và phát hiện.

Trẻ em là một trong các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và được Nhà nước, cá nhân, các tổ chức xã hội quan tâm bảo vệ. Hiện nay, bên cạnh những trẻ được sống trọn trong tình thương yêu, bao bọc của gia đình của bố mẹ, thì vẫn còn rất nhiều trẻ bị bỏ rơi, phải đi ăn xin, làm những công việc nặng nhọc độc hại, thậm chí nhiều em bị chính cha mẹ của mình ngược đãi, đánh đập. Chúng ta không thể quên những cái chết thương tâm của những đứa trẻ còn rất nhỏ do chính những người làm bố, làm mẹ gây ra.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em,  Bộ Lao động -  Thương Binh và Xã hội cho rằng: do nhận thức, quan niệm về “Giáo dục trẻ em”, trừng phạt trẻ em nhằm mục đích giáo dục của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình còn khá phổ biến trong xã hội. Từ năm 2019 do dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc giãn cách xã hội khiến cho trẻ phải ở nhà nhiều, bố mẹ trẻ cũng vậy. Trẻ phải học online ở nhà, cha mẹ thì giảm sút về thu nhập hoặc là mất việc làm, gia đình phát sinh mâu thuẫn...đây là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình.

Còn theo ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em thì một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng, bóc lột trẻ em là do sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận người dân: "Người dân có thể bị sợ hãi do có sự đe dọa nào đó. Có nhiều vụ hiếp dâm trẻ em, xâm hại, bạo hành trẻ em thì cũng ghi nhận rằng nhiều người sợ không dám tố cáo. Hoặc có thể là bị mua chuộc để im lặng. Thực ra báo cáo hàng năm có 4000 vụ trẻ em bị bạo hành thì cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Chúng ta thiếu đội ngũ để ghi nhận báo cáo một cách trung thực các số liệu những em bé bị bạo lực từ dưới địa phương lên".

Thêm vào đó nhiều người biết thông tin nhưng không tố giác đến cơ quan chức năng coi đó là việc riêng của gia đình và không muốn người khác can thiệp. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, những bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cũng đã gián tiếp gây ra tình trạng bạo lực trẻ em trong thời gian qua.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, để ngăn chặn tình trạng này cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em ( trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình); chăm sóc, bảo vệ trẻ em mồ côi, trẻ em được chăm sóc thay thế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cơ chế phối hợp liên ngành trong việc hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại; củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Đồng thời phổ biến kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, triển khai chương trình giáo dục làm cha mẹ, kỷ luật tích cực, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ biết tự bảo vệ mình. Trang bị các kiến thức về quyền trẻ em, tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Bên cạnh đó thúc đẩy sự tham gia của đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị, xã hội và đơn vị có liên quan tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em. Nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.

Tăng cường  thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là các cơ sở trợ giúp xã hội và các quỹ từ thiện chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở tất cả các cấp./.

Bài liên quan
Điều tra vụ bé trai ở TP.HCM nghi bị cô giáo mầm non bạo hành
Công an phường Linh Đông, TP Thủ Đức đang làm việc với những người liên quan để xác minh, làm rõ vụ bé trai nghi bị cô giáo bạo hành ở nhóm lớp mầm non tư thục.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất