Nga và Ukraine từng nêu những điều kiện gì để chấm dứt xung đột?

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp | 01/12/2022, 14:59

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 10. Kể từ đó đến nay, cả Moscow và Kiev đã nhiều lần nêu ra các điều kiện để chấm dứt xung đột.

Ukraine

Ukraine tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình chỉ diễn ra khi Nga dừng các cuộc tấn công vào Ukraine và rút quân khỏi lãnh thổ nước này. Sau khi Tổng thống Putin thông báo sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine hồi tháng 9, Tổng thống Zelensky đã khẳng định các cuộc đàm phán sẽ không thể diễn ra chứng nào Tổng thống Putin còn nắm quyền, mặc dù trong những tuần gần đây Ukraine không còn nhấn mạnh đến điều kiện đó.

Về lãnh thổ

Kiev bác bỏ bất kỳ quyết định nhượng bộ lãnh thổ nào với Nga để đổi lấy hòa bình, đồng thời công khai yêu cầu Moscow rút khỏi toàn bộ lãnh thổ của nước này. Theo đó, các vùng lãnh thổ mà Ukraine yêu cầu Nga rút khỏi không chỉ bao gồm các khu vực mà Moscow kiểm soát từ khi tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2/2022 mà còn cả khu vực do Nga hoặc các lực lượng ly khai Nga ủng hộ kiểm soát từ năm 2014, trong đó có các vùng ở Donbass và Bán đảo Crimea.

"Sự kiểm soát của Ukraine đối với tất cả các khu vực nằm trong biên giới của chúng tôi với Nga phải được khôi phục. Điều này sẽ khiến các hành động chiến tranh chấm dứt hoàn toàn và thực tế", Tổng thống Zelensky nhận định tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào giữa tháng 11.

Trước đó, Chỉ huy lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Valerii Zaluzhnyi cũng cho biết, "mục tiêu của Ukraine là giải phóng toàn bộ lãnh thổ của Ukraine" khỏi sự kiểm soát của Nga và không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hay quyết định nhượng bộ nào.

Về kế hoạch hòa bình

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Zelensky đã vạch ra kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó bao gồm:

Nga phải từ bỏ "tống tiền hạt nhân" - cụm từ mà Kiev sử dụng khi cáo buộc Nga nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và đưa ra các đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Mở rộng Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để đảm bảo xuất khẩu của Ukraine. Tổng thống Zelensky cũng đề xuất thêm 2 cảng nữa của Ukraine nằm trong thỏa thuận này.

Đưa các quan sát viên quốc tế tới các cơ sở hạ tầng của Ukraine để đánh giá mức độ thiệt hại và ngăn cản các cuộc tấn công trong tương lai của Nga.

Hạn chế doanh thu từ năng lượng của Nga để ngăn nước này sử dụng chúng làm vũ khí.

Thả tất cả tù binh và những người bị Nga bắt giữ

Thành lập một tòa án đặc biệt về những hành vi của Nga ở Ukraine và thiết lập cơ chế để Kiev được bồi thường tổn thất sau chiến tranh.

Đảm bảo an ninh hiệu quả cho Ukraine.

Đưa ra một tài liệu xác nhận xung đột kết thúc được ký kết bởi tất cả các bên.

Nga

"Các mục tiêu của chúng tôi đã được tuyên bố rõ ràng. Những mục tiêu này có thể đạt được qua chiến dịch quân sự đặc biệt hoặc qua đàm phán", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesko cho hay ngày 17/11.

Trên thực tế, các mục tiêu của Nga dường như đã có sự dịch chuyển. Ban đầu, Moscow khẳng định nhiệm vụ của chiến dịch quân sự là "phi quân sự hóa" Ukraine để nước này không còn là mối đe dọa với Nga và "phi phát xít hóa" bằng cách loại bỏ các nhà lãnh đạo mà nước này cho là những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.

Từ khi lực lượng Nga rút khỏi Kiev và phía Bắc Ukraine, Moscow đã nhấn mạnh mục tiêu của nước này là khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông Ukraine.

Về lãnh thổ

Khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin đã phủ nhận mục tiêu kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine khi tuyên bố: "Kế hoạch của chúng tôi không phải là chiếm lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi không có ý định áp đặt bất kỳ điều gì bằng vũ lực lên bất kỳ ai".

Tháng 9/2022, Nga đã tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine mà nước này kiểm soát, đồng thời cho biết chúng sẽ là một phần của Nga "mãi mãi".

Ngoài ra, Moscow cũng nhiều lần tuyên bố Ukraine phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Bán đảo Crimea như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Về đàm phán hòa bình

Ngày 10/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Nga và Ukraine vẫn có thể đàm phán để chấm dứt chiến tranh nhưng nhấn mạnh rằng Kiev sẽ không chấp nhận tối hậu thư của Moscow. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga không quan tâm đến việc đàm phán, trừ khi Tổng thống Zelensky sẵn sàng đáp ứng một yêu cầu lớn, đó là đầu hàng hoàn toàn. Bình luận của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga là một tuyên bố hiếm hoi Moscow thừa nhận về ý định của mình ở Ukraine. Hồi đầu tháng 9, ông Medvedev đã cáo buộc phương Tây muốn sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để "loại bỏ Nga khỏi đấu trường chính trị".

Sau khi Tổng thống Zelensky đã thông qua nghị quyết của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc sẽ không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 31/10, Tổng thống Nga khẳng định ông không nhận thấy bất kỳ khả năng đàm phán nào với Ukraine khi mà Kiev không thể hiện thái độ sẵn sàng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, thiện chí của Moscow đối với việc đàm phán vẫn không thay đổi.

Mối quan hệ của Ukraine với NATO

Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã yêu cầu những đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Điều này vẫn là một "lằn ranh đỏ" với Nga khi Moscow tuyên bố việc NATO mở rộng sát biên giới Nga là một mối đe dọa sống còn với nước này.

Ngoài ra, trước khi các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine sụp đổ vào tháng 3, Moscow cho biết đã có những cuộc thảo luận mà Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập để đổi lấy đảm bảo an ninh. Điện Kremlin nhận định với Reuters vào thời điểm đó rằng tình trạng trung lập của Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc nước này phải sửa đổi Hiến pháp, theo đó từ chối nguyện vọng gia nhập bất kỳ liên minh nào. Dù vậy, kể từ đó đến nay, Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO./.

Bài liên quan
Tổng thống Zelensky lên tiếng vụ tấn công khủng bố ở Moskva
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đang tìm cách chuyển hướng đổ lỗi trách nhiệm sau vụ tấn công khủng bố tại nhà hát ở Moskva hôm 23/3.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất