Nga đạt nhiều bước tiến ở miền Đông, Ukraine thiếu đạn dược nghiêm trọng

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) | 28/06/2022, 14:44

Các lực lượng Nga được cho là đang ở vị thế tốt nhất kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 vừa qua.

Nga đã phá hủy hầu hết hệ thống phòng thủ của Ukraine ở Lugansk, củng cố quyền kiểm soát một vành đai lãnh thổ ở phía Nam, cải thiện khả năng tiếp tế, hậu cần cũng như làm giảm hiệu quả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, ông Leonid Pasechnik cuối tuần qua dự đoán các lực lượng Nga sẽ bao vây hoàn toàn Lysychansk trong vòng 2 hoặc 3 ngày. Cho đến nay hoạt động này vẫn chưa được thực hiện, nhưng thành phố có thể phải chứng kiến những trận giao tranh dữ dội trong một vài ngày tới.

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở Donetsk, tiến gần hơn một chút đến vành đai các thị trấn công nghiệp trong khu vực chạy về phía Nam từ Sloviansk qua Kramatorsk đến Kostiantynivka.

Các nhà phân tích cho rằng, tại Lysychansk, quân đội Ukraine có thể phải đối mặt với tình huống tương tự như ở Severodonetsk, khi Nga từng bước phá vỡ hàng tuyến phòng thủ khiến lực lượng Ukraine phải rút lui. Vấn đề nan giải trước mắt đối với quân đội Ukraine là liệu họ có khả năng cầm cự lâu dài tại Lysychansk hay không trước nguy cơ bị mất quân đội và vũ khí nếu bị bao vây và liệu giới lãnh đạo Ukraine có yêu cầu rút quân về các tuyến phòng thủ mới hay không

Đối với Ukraine, sự thiếu hụt đạn dược dành cho lực lượng pháo binh trong trận chiến tại Donbass đang đặt ra những thách thức lớn.

Trong trận chiến tại miền Đông – nơi đang trở thành một cuộc đọ pháo ác liệt giữa hai phe tham chiến, Ukraine vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đạn dược có từ thời Liên Xô để dùng cho các hệ thống pháo vốn chiếm phần lớn kho vũ khí của họ. Nhưng kho đạn dược đang dần cạn kiệt và Ukraine đã phải kêu gọi Mỹ, châu Âu thay thế các khẩu pháo lâu đời bằng các hệ thống sử dụng đạn của NATO. Tuy vậy, việc chuyển giao đang được thực hiện chậm hơn so với nhu cầu của Kiev.

Ông Vadym Skibitsky, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận: “Đây là một cuộc chiến pháo binh. Mọi thứ hiện giờ phụ thuộc vào những gì phương Tây cung cấp cho chúng tôi. Nếu như Ukraine có 1 khẩu pháo thì Nga có từ 10 đến 15 khẩu pháo. Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã cung cấp cho chúng tôi khoảng 10% những gì họ có”.

Vấn đề nằm ở chỗ pháo binh của NATO và pháo binh của Ukraine có từ thời Liên Xô sử dụng cỡ đạn khác nhau, vì thế không thể thay thế cho nhau. Đạn tiêu chuẩn của NATO có cỡ 105mm và 155mm. Trong khi pháo của Ukraine, có từ thời chiến tranh Lạnh, sử dụng đạn cỡ 122-152mm.

Loại đạn 152mm thường chỉ ở có trong kho dự trữ của một số quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, hoặc ở châu Phi hay Trung Đông. Nhưng có rất ít khả năng những nước này sẽ bán lại cho Ukraine vì lo ngại gây căng thẳng trong quan hệ với Nga. Bất chấp nỗ lực tìm kiếm của Bộ Quốc phòng Mỹ và của các nhà cung cấp vũ khí tư nhân, Ukraine vẫn thiếu trầm trọng loại đạn cỡ 152mm.

Vấn đề này đã trở thành thách thức lớn trên chiến trường Donbass trong những tuần gần đây. Nhiều báo cáo ước tính, các lực lượng Nga có thể đã bắn 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi Ukraine chỉ sử dụng từ 5.000 đến 6.000 quả đạn. Do nguồn cung hạn chế nên quân đội Ukraine buộc phải tiết kiệm đạn dược.

Mặc dù phương Tây đang nỗ lực cung cấp cho Ukraine những hệ thống vũ khí tương thích với đạn pháo của NATO, nhưng quá trình này vẫn chưa thể đáp ứng đủ các yêu cầu trên chiến trường của Kiev.

Một vấn đề khác đang gây trở ngại cho Ukraine khi chuyển sang hệ thống pháo của NATO là đào tạo. Ukraine đang tiếp nhận lựu pháo M777 155mm và các hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa như Himars do Mỹ cung cấp. Nhưng các lực lượng Ukraine cần phải được huấn luyện để sử dụng chúng. Công việc này đòi hỏi phải có thời gian trước khi vũ khí được triển khai trên chiến trường./.

Bài liên quan
Tổng thống Ukraine muốn Mỹ chuyển giao vũ khí nhanh nhất có thể
Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách bổ sung cho Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên tiếng kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này nhanh nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Mới nhất