Nét đặc biệt của “giấc mơ” đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dùng công nghệ Pháp

Trung Hiếu/VOV.VN | 29/10/2020, 07:00

Nếu suôn sẻ, giấc mơ của người Hà Nội về một tuyến đường sắt đô thị an toàn giúp giảm ách tắc giao thông và ô nhiễm sẽ sớm thành hiện thực vào cuối năm 2021.

Chiều 28/10/2020 tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu về dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3 nối khu vực Nhổn với ga Hà Nội. Sự kiện do Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery chủ trì. Tham dự buổi họp báo còn có Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh và một đại diện của liên danh nhà thầu Pháp trong dự án này.

Theo Đại sứ Pháp Nicolas Warnery, dự án này rất đặc biệt vì 4 lý do sau: Thứ nhất, dự án tập hợp những công nghệ hiện đại của nhiều doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực đường sắt đô thị (metro), huy động các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm và các cộng tác viên quốc tế của Pháp từ khắp nơi trên thế giới. Thứ hai, dự án sử dụng nguồn tài trợ từ chính phủ Pháp và một số nhà tài trợ châu Âu cũng như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Chính phủ Pháp ủng hộ dự án này, khuyến khích những sự phát triển bền vững về môi trường. Thứ ba, dự án phải vượt qua bao thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra. Và thứ tư, dự án không dừng lại ở đoạn Nhổn-ga Hà Nội mà còn tiếp tục kéo dài thêm 8km (đi ngầm) từ phố Trần Hưng Đoạn ở quận Hoàn Kiếm sang đến quận Hoàng Mai (cũng thuộc Hà Nội).

Công nghệ hiện đại, sạch và an toàn 

Theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh và liên danh nhà thầu Pháp, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội sử dụng các toa tàu, thiết bị được chế tạo bên Pháp, bảo đảm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và có độ an toàn cao.

Đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu của tuyến metro số 3 của Hà Nội, đã về tới Hải Phòng vào ngày 18/10/2020. Đoàn tàu này được lắp ráp tại nhà máy Alstom Valenciennes tại Pháp và được vận chuyển tới Việt Nam bằng một hãng tàu thủy cũng của Pháp.

Tàu metro của Pháp chạy hoàn toàn bằng điện, sử dụng vỏ bằng nhôm nhẹ. Thiết kế của toa tàu đặc biệt ở chỗ kết hợp hài hòa màu sắc nội và ngoại thất, có cửa rộng để hành khách di chuyển dễ dàng, đồng thời có không gian cho người khuyết tật cũng như tay nắm thuận tiện.

Đại diện liên danh nhà thầu Pháp (gồm Alstom, Thales, và 1 công ty nữa) khẳng định các thiết bị do họ cung cấp chỉ tiêu thụ năng lượng bằng 1/3 so với xe bus và 1/4 so với xe hơi cá nhân.

Tuyến metro số 3 với chiều dài 12,5km dự kiến sẽ vận chuyển 8.600 hành khách/giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách/giờ. Tuyến đường này được cho là có khả năng giảm tới 20.000 tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, từ đó góp phần chống biến đổi khí hậu.

Đại sứ quán Pháp cho hay, đối với phần đi ngầm dưới lòng đất, dự án sẽ sử dụng máy đào hầm do công ty Herrenknecht của Đức sản xuất. Máy đào này sắp về tới Việt Nam.

Chính phủ Pháp cung cấp tới 350 triệu euro cho dự án. Theo một cán bộ của ADB, ngân hàng này cung cấp thêm cho dự án hơn 400 triệu USD.

Đặt an toàn lên trên hết

Đại diện Liên danh nhà thầu Pháp khẳng định, toa tàu dùng cho tuyến metro số 3 là loại hiện đại nhất do họ cung cấp, hiện cũng được sử dụng tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) và 25 thành phố khác trên thế giới. Hệ thống thông tin hiện đại sử dụng trong tuyến này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho quá trình vận hành của tàu đô thị.

Bên cạnh đó, theo đại diện Liên danh nhà thầu Pháp, an toàn lao động luôn là ưu tiên hàng đầu của dự án. Họ viện dẫn con số 33.000 ngày công mà không có sự cố nghiêm trọng nào.

Liên danh nhà thầu Pháp cũng cho biết, họ đã tích cực liên lạc chặt chẽ với giới chức Việt Nam để đảm bảo dự án phù hợp với quy chuẩn an toàn của Việt Nam, đồng thời có thuê một liên danh phục vụ cho điều đó.

Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh khẳng định rằng dự án có nhà tư vấn giám sát của Pháp giàu kinh nghiệm.

Vượt thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 và cả “độ mới” của dự án

Vừa qua đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam và dự án metro số 3.

Thiết bị cho dự án đa phần xuất xứ từ châu Âu mà châu Âu thì lại đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến các nhà máy sản xuất toa tàu từng phải dừng hoạt động trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đầu ngành của Pháp trong lĩnh vực đường sắt đô thị chưa thể nhập cảnh hết sang Việt Nam ngay do các biện pháp cách ly kiểm dịch cần thiết.

Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh chia sẻ, đây là dự án metro đầu tiên ở Hà Nội nên bên Ban quản lý có những bỡ ngỡ nhất định về quy trình, thủ tục thử nghiệm, căn chỉnh và nghiệm thu...

Bất chấp các thách thức đó, Đại sứ quán Pháp, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, và Liên danh nhà thầu Pháp đều khẳng định sẽ vượt qua khó khăn để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án. Trên thực tế, dự án vẫn tiến triển đúng lịch trình. Theo Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, “việc chạy thử tĩnh và động đầu tiên sẽ bắt đầu vào đầu năm 2021 đối với phần đường sắt trên cao, trong khi đó các công việc khác tiếp tục được thực hiện đối với phần ngầm dưới đất”.

Thỏa mãn mong mỏi của người Hà Nội

Hiện nay tình trạng kẹt xe và ô nhiễm khói bụi khá nặng nề ở thủ đô Hà Nội. Do vậy, dự án metro số 3 nếu thành công sẽ có ý nghĩa lớn vì góp phần giảm ách tắc giao thông, tai nạn giao thông, và tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như mang lại trải nghiệm mới dễ chịu cho người dân tại Hà Nội. Dự án còn có thể mở ra cơ hội về phát triển kinh tế-xã hội.

Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, theo quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội, giao thông công cộng phải chiếm tới 30% và hệ thống metro được kỳ vọng là một xương sống của giao thông Hà Nội, giúp gắn kết Hà Nội với hệ thống đô thị vệ tinh.

Nếu được hiện thực hóa, dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội còn mang lại hy vọng cho người dân Hà Nội trong bối cảnh tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa đi vào hoạt động. Và về mặt chính trị-ngoại giao, sự thành công của dự án metro số 3 sẽ mang ý nghĩa biểu trưng lớn cho mối quan hệ hợp tác Pháp-Việt.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Cao Minh cho biết, tuyến metro số 3 dự kiến được đưa vào sử dụng thương mại vào cuối năm 2021./.

Bài liên quan
"Một quốc gia CNH - HĐH cần phát triển đường sắt tốc độ cao"
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, một quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hóa cần phát triển đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất