Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non từ chuyển đổi số

Lưu Sơn/VOV-TPHCM | 20/07/2025, 17:47

Trong kỷ nguyên số hóa, không chỉ các ngành kinh tế mà cả lĩnh vực giáo dục cũng đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tại các trường mầm non ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũ nay là TPHCM cũng không nằm ngoài công cuộc chuyển đổi số chung của xã hội.

Thích ứng để nâng cao chất lượng

Hiện nay, tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) nay là TPHCM, giáo viên đã biết cách thiết kế bài giảng điện tử, tạo ra các nhân vật hoạt hình, động thực vật và video bằng công nghệ AI thông qua các phần mềm như ChatGPT, Canva, Cap Cut… Việc áp dụng số hoá áp dụng vào bài giảng được giáo viên nỗ lực và sáng tạo từng ngày.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng trường mầm non Hương Sen, phường Tam Thắng chia sẻ, việc đưa công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy cho trẻ được nhà trường chủ động áp dụng từ những năm trước.

Cụ thể, đối với trẻ 3 tuổi, nhà trường tập cho trẻ làm quen với bàn phím, màn hình máy tính, cách nhấp chuột… qua bài học số, thêm và bớt.

Bà Thuỷ ví vụ: trẻ học đến con số 5 màn hình hiện lên 5 bông hoa, sau khi giáo viên hướng dẫn cách nhấp chuột, trẻ được chia nhóm nhỏ (3-5 em) cùng nhau thảo luận đưa ra đáp án.

Đối với bài học thêm và bớt, thì trẻ được học cách bỏ đi hoặc cộng thêm bông hoa bằng cách nhấp chuột. 

Bà Thuỷ cho biết thêm, phương pháp này giúp trẻ hứng thú hơn khi được làm quen với máy tính, tự mình giải quyết các yêu cầu của giáo viên.

"Lợi ích của việc giáo dục số này đầu tiên là trẻ được tiếp cận với công nghệ thông tin qua bài học, thứ hai là trẻ tự làm, tự thảo luận trong nhóm. Ví dụ: trẻ học đến số 5 với chủ đề thực vật thì có 5 bông hoa thì trẻ được nhấp vào máy tính. Và 5 bông hoa này nếu dạy bài học về thêm - bớt cho bạn 1 bông hoa thì còn 4 bông hoa, trẻ tự nhấp vào". Bà Thuỷ chia sẻ.

Tương tự, cô Nguyễn Thái Chi Quỳnh, giáo viên Trường Mầm non Trúc Xanh, xã Nghĩa Thành chia sẻ, những bài giảng áp dụng các phần mềm công nghệ không chỉ giúp giáo viên tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại, năng động… cũng như giúp cho giáo viên có bài giảng mới hơn không khuôn mẫu. 

Cô Quỳnh cho bết thêm, áp dụng công nghệ vào bài giảng còn giúp khơi gợi sự tò mò và niềm yêu thích khám phá ở trẻ ngay từ những năm đầu đời.

"Chuyển đổi số áp dụng trong giáo dục mầm non giúp cho việc soạn giảng của giáo viên và lưu trữ bài giảng trở nên dễ dàng hơn. Học sinh thì được tiếp xúc với các công nghệ thông tin, AI… các cháu sẽ dễ dàng tiếp thu các kiến thức mới. Cô Quỳnh nói.

Không chỉ là xu thế 

Anh Lương Quảng Châu, phụ huynh tại phường Vũng Tàu cho biết, chuyển đổi số không chỉ thay đổi cách quản lý, cách dạy và học, mà còn tạo ra cầu nối thông tin hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh. 

Theo anh Châu, các ứng dụng quản lý trường học giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập, sức khỏe và các hoạt động hàng ngày của con em mình một cách nhanh chóng và tiện lợi.

"Việc chuyển đổi số rất có lợi cho phụ huynh chăm sóc các con. Với nhà trường đảm bảo thuận tiện việc chăm sóc các con được tốt hơn". Anh Châu chia sẻ thêm.

Đối với các trường mầm non, để đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của thời đại số, hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên sử dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng các phần mềm ứng dụng trong dạy học thường xuyên được tổ chức.

Song song đó, thông qua nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số tại các trường được đầu tư mạnh mẽ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên khai thác- ứng dụng.

Theo bà Dương Thị Tuyển, Hiệu trưởng Trường mầm non 1/6, phường Tam Thắng, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên và hạ tầng công nghệ của các trường chưa đồng đều, vấn đề an toàn thông tin và quản lý thiết bị vẫn còn hạn chế. 

Để khắc phục những khó khăn này, các trường mầm non tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng công nghệ cho giáo viên để không chỉ theo kịp xu thế mà còn là trách nhiệm của giáo viên đối với trẻ mầm non.

"Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà là nhiệm vụ tất yếu của ngành giáo dục. Vì vậy, khi nhận thức được điều đó nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng để phát triển công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là công nghệ AI để đưa vào nhiệm vụ năm học". Bà Tuyển cho biết.

Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới Chương trình giáo dục Mầm non, từ năm học 2029-2030, ngành giáo dục triển khai áp dụng đại trà Chương trình giáo dục mầm non mới trên phạm vi toàn quốc. Vì thế, ngay từ bây giờ, đội ngũ giáo viên, sinh viên ngành mầm non Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) được trang bị những hình thức, phương pháp và cách thức tiếp cận với mô hình giáo dục tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Bài liên quan
Thủ tướng: Nỗ lực đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Ngày 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Nỗ lực đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Ngày 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Mới nhất