Mỹ tính dùng lực lượng tàu ngầm Nhật Bản tạo gọng kìm siết chặt hải quân Trung Quốc

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Nikkei | 06/05/2021, 06:19

Giới phân tích cho rằng, việc kiểm soát các hiểm lộ trên biển có thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản cho liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.

Điểm yếu lớn của Trung Quốc

Dù sở hữu một lực lượng quân đội lớn mạnh, nhưng Trung Quốc có một số điểm yếu rất khó khắc phục. Một trong số đó là vị trí địa lý.

Ông Tom Shugart, cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói với Nikkei Asia rằng: “Khi bạn nhìn vào các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, mỗi một căn cứ này đều có một vùng nước nông mà tàu ngầm của họ phải đi qua trước khi đến vùng nước sâu”.

Hình ảnh trên Google Earth cho thấy bờ biển của Trung Quốc được bao quanh bởi màu xanh nhạt – chỉ dấu thể hiện vùng nước nông, trái ngược với màu xanh thẫm trải rộng đến các vùng biển phía đông của Đài Loan và Nhật Bản. Các tàu ngầm của Nhật Bản có thể tiến thẳng vào vùng nước sâu – điều mà tàu ngầm Trung Quốc không thể thực hiện được. Một khi tàu ngầm hoạt động ở vùng nước sâu, chúng sẽ rất khó bị phát hiện.

Chuyên gia Shugart, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “Để di chuyển từ vùng biển gần tới vùng biển mở, tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải quá cảnh qua các hiểm lộ (hay điểm thắt cổ chai) tại các chuỗi đảo hoặc các eo biển. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho đối phương – các lực lượng tàu ngầm của Mỹ và đồng minh, giám sát chặt chẽ và đánh chặn nếu nguy cơ xung đột xảy ra”.

Vai trò của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản

Nhà khoa học chính trị Jeffrey W. Hornung tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corp cho rằng, việc kiểm soát các hiểm lộ có thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản cho liên minh do Mỹ dẫn đầu trong kịch bản xung đột với Trung Quốc.  

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra một khái niệm mới về "khả năng răn đe tích hợp". Với khái niệm mới này, Mỹ kêu gọi các đồng minh “chung tay” chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh sẽ xảy ra trong tương lai không giống như những cuộc chiến trước đây.

 “Vai trò của Nhật Bản là kiểm soát các hiểm lộ. Chẳng hạn tại quần đảo Nansei có rất nhiều vị trí án ngữ. Nhật Bản có thể kết hợp khả năng của tàu ngầm với năng lực phòng thủ để bịt các nút thắt lại nhằm ngăn cản đà tiến của Trung Quốc, hoặc buộc Bắc Kinh bước vào một cuộc chiến tại biển Hoa Đông, nơi Mỹ và Nhật Bản đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng”, chuyên gia Hornung nói.

Quần đảo Nansei của Nhật Bản trải dài từ tỉnh cực nam Kyushu đến phía Bắc của Đài Loan. Nó bao gồm các nhóm đảo nhỏ hơn, trong đó có các chuỗi đảo Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama. Vào tháng 4/2021, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và 5 tàu hộ tống đã đi qua Eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km nằm giữa Okinawa và Miyako, trước khi đến phía Nam tới Đài Loan.

“Nhật Bản càng tập trung vào khả năng phòng thủ - với việc sử dụng tên lửa hành trình chống hạm hoặc máy bay tuần tra hàng hải P-3C để tìm hoặc săn tàu ngầm, thì càng tạo cơ hội cho Mỹ tập trung nguồn lực để chiến đấu”, ông Hornung nói.

Còn chuyên gia Shugart cho rằng, các tàu ngầm điện diesel của Nhật Bản đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ như vậy.

“Hạm đội tàu ngầm điện diesel của các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản và Australia có thể rất hữu ích trong việc phòng thủ các hiểm lộ, ông Shugart cho biết, đồng thời lưu ý, nhiệm vụ này không đòi hỏi tính cơ động và các tàu ngầm không cần phải di chuyển nhanh. “Tàu ngầm điện diesel hoạt động rất êm vì vậy nếu nơi bạn cần bảo vệ là một hiểm lộ trong một chuỗi đảo thì việc sử dụng loại tàu ngầm này sẽ rất hữu ích”.

Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ chỉ phù hợp với vùng biển mở, có thể đuổi theo đối phương hoặc chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa từ một địa điểm bí mật.

Phối hợp giữa các lực lượng tàu ngầm có thể là loại hình hợp tác mà Mỹ và các đồng minh đang tính đến khi tăng cường khả năng đối phó với các năng lực hiện đại của Trung Quốc.

Thắt chặt liên minh Mỹ-Nhật

Trong bài phát biểu chính sách quan trọng đầu tiên tại Hawaii ngày 30/4 sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Austin nói rằng, Washington sẽ tiếp tục răn đe những kẻ thù tiềm tàng rằng "cái giá phải trả và nguy cơ nếu họ xâm lược sẽ cao hơn bất kỳ lợi ích nào họ có thể tưởng tượng".

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phát huy các năng lực hiện có và xây dựng các năng lực mới, sử dụng chúng trong mạng lưới hợp tác với đồng minh và đối tác”.

Trung tướng về hưu Wallace Gregson, cựu chỉ huy Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương cho rằng, ông Austin đang hướng tới ba đối tượng khán giả. Thứ nhất là các thành viên trong Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm củng cố sự đoàn kết giữa các cơ quan của Bộ này. Thứ hai là toàn bộ chính phủ Mỹ, kêu gọi đưa ra cách tiếp cận mới có thể huy động được toàn bộ sức mạnh của quốc gia. Thứ 3 là các đồng minh và đối tác, trong bối cảnh ông Austin đang tìm kiếm một hình thức phối hợp hành động chung với các quốc gia như Nhật Bản

Số lượng binh sỹ và vũ khí áp đảo của Trung Quốc buộc liên minh Mỹ-Nhật phải phối hợp tốt hơn và đưa ra quyết định nhanh hơn, chuyên gia Gregson nhận định.

“Để có thể tích hợp giữa các lực lượng của Mỹ và Nhật Bản, điều quan trọng là các bên cần phải vạch ra kế hoạch hành động một cách chi tiết, hiểu rõ vai trò của nhau và tăng cường khả năng phản ứng nhanh khi phát hiện mối đe dọa. Các bên cần phải tiến hành các cuộc tiếp xúc, tham vấn hàng ngày, cùng nhau giải quyết các vấn đề và lập kế hoạch dự phòng đối phó với những diễn biến bất ngờ”./.

Bài liên quan
Cấm xuất cảnh đối với Chủ tịch Hội đồng trường quốc tế Mỹ Việt Nam
Cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) do nợ thuế thu nhập cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất