Mỹ thức tỉnh trước những tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo SCMP | 05/05/2021, 06:40

Tầm quan trọng chiến lực của vùng cực phía Bắc Alaska ngày càng rõ ràng khi Mỹ chuẩn bị tiến hành cuộc diễn tập huấn luyện quân sự ở khu vực này trong bối cảnh những tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực ngày càng lớn hơn.

Trong 2 tuần tới, khoảng 10.000 binh sỹ thuộc các lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận Northern Edge ở Alaska, cuộc diễn tập huấn luyện nhằm bảo vệ khu vực này trước một cường quốc đang có những tham vọng ngày càng bất chấp địa lý.

Diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh nước lớn ngày càng mạnh mẽ, cuộc diễn tập này là nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga cùng các đối thủ tiềm năng khác đang đe dọa đường biên giới Bắc Cực và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

“Ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những tuyên bố chủ quyền không được cộng đồng quốc tế công nhận. Chúng ta thấy Trung Quốc đang sử dụng một loạt ‘chiến thuật’ đe dọa, bắt nạt, và cả đòn bẩy kinh tế để củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình. Chúng ta cần phải đảm bảo điều đó sẽ không lặp lại ở Bắc Cực”, Trung tướng David Krumm, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Alaska và Lực lượng Không quân 11 cho biết.

Người dân địa phương cho rằng, Mỹ cuối cùng cũng đã thức tỉnh trước tầm quan trọng chiến lược của Alaska, bang lớn nhất của Mỹ về mặt địa lý nhưng lại có mật độ dân cư thấp nhất của Mỹ.

Tương tự như Mỹ, năm 2018, các nước Bắc cực như Canada, Na Uy, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ và Nga đã phải thức tỉnh khi Trung Quốc tự tuyên bố mình là “cường quốc gần Bắc cực” bất chấp đường biên giới nước này cách xa 1.496km.

Tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực ngày càng lớn

Có lẽ ít người cho rằng Trung Quốc đang muốn tranh giành lãnh thổ ở Bắc Cực. Nhưng tiền bạc, thương mại, hậu cần, 6 trạm nghiên cứu, chương trình chế tạo tàu phá băng, các dự án nghiên cứu “lưỡng dụng”, cùng một bản đồ dài hạn rõ ràng về Bắc Cực đã không che đậy được tham vọng của Bắc Kinh.

Các học giả Trung Quốc cũng thừa nhận rằng kiểm soát được khu vực này sẽ đem lại lợi thế địa lý “của 3 châu lục và 2 đại dương” ở Bắc bán cầu. Hồi tháng 3 vừa qua, Bắc kinh cũng đã cam kết sẽ đưa “Con đường Tơ lụa Bắc Cực” vào Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai và Con đường.

“Trung Quốc luôn tìm cách để trở thành một ‘quốc gia lớn vùng cực’, nhưng lại công khai hạ thấp mục tiêu này”, Viện Brooking cho biết trong một báo cáo hồi tháng 4/2021.

Sách Trắng Trung Quốc năm 2018 đã nêu ra 3 mục tiêu: hiểu, bảo vệ và phát triển Bắc Cực, một khu vực mà sự hấp dẫn của nó là rất rõ ràng. Tiếp cận được với các nguồn tài nguyên của khu vực này sẽ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc. Sự tan băng ngày càng nhanh từ Alaska tới Na Uy cũng có thể mở ra các tuyến vận tải mới, giúp giảm một nửa kinh phí vận tải tới châu Âu và giảm thiểu những rủi ro từ việc phải đi qua kênh đào Suez, nhất là sau vụ siêu tàu mắc kẹt hồi tháng 3 khiến tàu thuyền không thể lưu thông trong vài ngày.

“Họ rất giỏi trong việc thực hiện một chiến lược dài hạn. Trung Quốc rất khôn ngoan, cho dù là Alaska hay các khu vực khác của Bắc Cực, họ đều rất giỏi trong việc đưa mình vào đó”, Cameron Carlson, Giám đốc sáng lập Chương trình kiểm soát khẩn cấp và an ninh nội địa tại Đại học Alaska, nói.

Điều đó bao gồm việc tham gia vào các tổ chức lớn ở Bắc Cực, cử 33 quan chức cấp cao đến khu vực này kể từ năm 2000, tận dụng việc thăm dò khoa học để tạo “dấu chân” ở Bắc Cực, và lập bản đồ đáy biển bằng tàu phá băng Tuyết Long 2 (Xuelong 2) tự sản xuất trong nước.

“Họ tiến hành nghiên cứu hải dương học về biến đổi khí hậu nhưng tôi nghi ngờ đó là tác chiến dưới mặt nước”, James Kraska, giáo sư luật hàng hải tại Đại học Hải quân Mỹ nhận định.

Trên các mặt trận khác, Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát cơ sở hạ tầng có thể sử dụng cho mục đích quân sự, tham gia vào việc phát triển một cảng lớn trong khu vực và có được một căn cứ tàu ngầm ở Thụy Điển; mua một căn cứ hải quân cũ và 3 sân bay ở Greenland; và có được 250 km2 ở Iceland để xây dựng một đường băng và sân golf “trong một khu vực mà golf không thể chơi”, theo báo cáo của Viện Brookings nói.

Bắc Kinh cũng đã sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt được đòn bẩy chính trị, đầu tư hàng tỷ USD vào các quốc gia Bắc Cực nhỏ hơn cùng các chiến thuật khác. Theo các nhà phân tích, khi các khoản đầu tư vào Greenland gia tăng, điều đó cũng làm dấy lên mong muốn độc lập khỏi Đan Mạch.

“Những tham vọng và sự tự tin của Bắc Kinh ngày càng gia tăng tỷ lệ thuận với nền kinh tế khổng lồ và tầm quan trọng toàn cầu của họ. Nhưng họ có ý định vượt quá tầm tay mình, giống như một người đàn ông to béo trong một hàng buffet”, Walter Skya, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Alaska.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không phải là nước duy nhất có tham vọng mở rộng lãnh thổ theo cách như vậy. Năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump cũng từng đề nghị “mua” Greenland, nơi có nguồn tài nguyên đất hiếm được sử dụng trong mọi thứ từ máy bay chiến đấu đến pin điện thoại...

Khả năng liên kết giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực

Một yếu tố khác cũng khiến Washington lo lắng là khả năng Bắc Kinh và Moscow liên kết với nhau.

Nga là điểm đến nước ngoài thường xuyên nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình và tỷ trọng thương mại nước ngoài của Trung Quốc với Nga đã tăng từ 10% năm 2013 lên lên hơn 18% vào năm 2020.

Sự phụ thuộc của Nga vào tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực - bao gồm cả cảng ở Zarubino, một cảng nước sâu tại Arkhangelsk và dự án Yamal LNG - đã tăng lên đáng kể sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Hai bên cũng đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở biển Barents và biển Bắc cũng như phía đông Siberia. Nga tăng cường bán máy bay chiến đấu, tên lửa và hệ thống phòng không cảnh báo sớm cho Trung Quốc. Tháng 12/2020, Nga và Trung Quốc cùng tuần tra bằng máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông.

Dù vậy, vẫn có những bất đồng giữa Moscow và Bắc Kinh. Trung Quốc ủng hộ việc kiểm soát đa phương hơn đối với Bắc Cực để phù hợp với tình trạng “cận Bắc Cực”. Trong khi đó, Nga với đường bờ biển Bắc Cực dài nhất thế giới và kiểm soát hiệu quả các tuyến đường biển, tự coi mình là “siêu cường Bắc Cực”.

Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường các sân bay và phục hồi thời các vị trí quân sự thời Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực, trong đó có một đồn trên đảo Wrangel cách bờ biển Alaska vài trăm km. Năm 2020, Nga đã đưa tàu phá băng năng lượng hạt nhân mới đến Bắc Cực.

Những người chỉ trích nói rằng, Washington chỉ thức giấc một cách chậm rãi khi ngư dân Mỹ phàn nàn về các động thái của Nga ở Biển Bering, vùng biển mà ở nơi hẹp nhất thì Alaska chỉ cách bờ biển Nga khoảng 88km.

Theo các nhà phân tích, 2 tàu phá băng thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ liên tục gặp phải những trục trặc hoặc bị cháy, trong khi Nga đã có tới 40 tàu và 9 tàu trong số đó là tàu năng lượng hạt nhân. Bắc Cực cũng chỉ mới được đưa vào quy hoạch chiến lược của Mỹ thời gian gần đây, Lầu Năm Góc vẫn thiếu một văn phòng điều phối trung tâm ở Bắc Cực.

Năm 2020, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Mỹ nói rằng, đó là “mức độ hiện diện không thể chấp nhận được ở một khu vực mà chúng ta đáng lẽ phải là lực lượng hàng đầu”.

Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Cực là lợi ích của Mỹ

Cuộc tập trận Northern Edge sẽ diễn ra tại Căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson. Được tổ chức hai năm một lần - với cuộc tập trận Arctic Edge được tổ chức vào các năm xen kẽ - Northern Edge diễn ra từ ngày 3-14/5, có sự tham gia của khoảng 300 máy bay và lực lượng Mỹ từ khắp Thái Bình Dương. Thông tin chi tiết chưa được công bố.

Các kịch bản diễn tập trước đây thường bao gồm cả cá heo được huấn luyện để giúp phát hiện những kẻ xâm nhập dưới nước. Tuy nhiên, bối cảnh mới buộc các lãnh đạo quân đội của Mỹ phải đưa ra nhiều tình huống hơn, nhất là khi đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, liên lạc bị cắt đứt, không có đường băng và sự hợp tác hạn chế giữa các nhánh quân sự.

Lầu Năm Góc sẽ dựa vào công nghệ không người lái để “tuần tra” các vùng rộng lớn của Alaska, bao gồm hệ thống radar vùng cực ở đường chân trời, vệ tinh quỹ đạo thấp và giám sát cố định dưới đáy biển. Kế hoạch của Mỹ cũng phải bao gồm cả việc chống lại các chiến thuật “vùng xám”, như Trung Quốc đã từng sử dụng ở Biển Đông.

Cho đến nay, chính quyền Biden phần lớn vẫn duy trì chính sách Bắc cực của người tiền nhiệm Donald Trump, trong đó kêu gọi tập trung nhiều hơn vào việc cản trở tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực.

“Chúng ta có muốn Bắc Băng Dương biến thành một Biển Đông mới với các hành động quân sự hóa và tranh chấp lãnh thổ hay không?” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trước Hội đồng Bắc Cực phi quân sự vào năm 2019.

“Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc Cực, và lợi ích của Mỹ là kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc”, Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết trong một báo cáo gần đây, viện dẫn nguy cơ chạy đua vũ trang ở khu vực này.

Có một điều được nhiều người đồng tình: khi các thế mạnh về kinh tế và quân sự tăng lên, thì sự đối đầu sẽ chỉ ngày càng gia tăng.

“Tầm quan trọng chiến lược của Alaska là không thể chối cãi. Sự leo thang hoạt động của Nga và tham vọng của Trung Quốc trong khu vực cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực. Cạnh tranh sẽ chỉ tăng lên”, Thiếu tá Meg Harper thuộc Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Cấm xuất cảnh đối với Chủ tịch Hội đồng trường quốc tế Mỹ Việt Nam
Cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) do nợ thuế thu nhập cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất