Mỹ rút khỏi Afghanistan, Iran chưa kịp mừng đã vội lo

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) | 27/10/2021, 11:35

Iran vui mừng khi người Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, nhưng việc Taliban tiếp quản Afghanistan ngay lập tức đã tạo ra một loạt vấn đề không dễ giải quyết cho Tehran.

Trong suốt 20 năm, các quan chức Iran không hề giấu giếm mong muốn của họ về việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Iran cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Afghanistan để chống lại lính Mỹ. Iran cũng đã “tán tỉnh” Taliban bằng các chuyến thăm ngoại giao bí mật và sau đó là công khai.

Nhưng khi Mỹ rời đi vào tháng 8/2021, sự tiếp quản nhanh chóng của Taliban đã khiến Iran mất cảnh giác.

Việc Taliban tiếp quản đất nước đã kích hoạt một làn sóng người tị nạn Afghanistan tràn vào Iran, dẫn đến lo ngại rằng Afghanistan một lần nữa sẽ trở thành cái nôi của chủ nghĩa khủng bố và khiến các lãnh đạo Iran vướng vào rắc rối ngoại giao trong việc ứng xử với chính phủ Taliban - vừa là kẻ thù vừa là đối tác tiềm năng.

Tình huống này là một bài học kinh điển về việc “hãy cẩn thận với những gì bạn muốn”.

Mohammad Hossein Emadi, một cựu quan chức ngoại giao Iran, người từng cố vấn cho chính phủ Afghanistan và làm việc tại Liên Hợp Quốc cho biết: “Iran đã hiểu rằng kẻ thù của kẻ thù không phải là bạn của bạn và Taliban là một vấn đề phức tạp hơn người Mỹ”.

Các quan chức cho biết, mối quan tâm lớn nhất của Iran chính là sự trỗi dậy của chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm này đã thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào người Shiite ở Afghanistan và có thể sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở Iran.

Bất chấp những lời hứa hẹn đảm bảo an ninh và ổn định, Taliban cho đến nay vẫn tỏ ra không muốn hoặc không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của IS nhằm vào người Shiite ở Afghanistan.

Vấn đề là như vậy, nhưng bất kỳ phản ứng nào của Iran đối với tình hình mới ở Afghanistan đều tiềm ẩn những cái giá phải trả.

Việc thừa nhận Taliban có thể gây ra phản ứng dữ dội trong dân chúng Iran bởi họ luôn coi Taliban là một nhóm khủng bố và điều này sẽ làm hoen ố hình ảnh của Iran với tư cách là người bảo vệ những người Shiite trong thế giới Hồi giáo.

Nhưng chối bỏ Taliban có thể khiến công sức tiếp cận của Iran đối với nhóm này trong những năm qua trở thành “công cốc” và nhanh chóng biến quan hệ giữa hai bên trở thành thù địch. Các quan chức Iran rất lo sợ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột kéo dài mà họ không hề mong muốn và bản thân họ cũng không đủ khả năng xử lý. Hiện Iran đang thực hiện cách tiếp cận nước đôi.

Iran tiếp cận nước đôi với Taliban

Iran thừa nhận Taliban kiểm soát Afghanistan là một thực tế nhưng không công nhận họ là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.

“Chúng tôi đang liên hệ với tất cả các bên ở Afghanistan và khuyên họ thực hiện ý tưởng về một chính phủ hòa nhập. Afghanistan đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Sự tồn tại của IS – lực lượng có kinh nghiệm chiến tranh du kích ở Afghanistan là một mối đe dọa thực sự”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdullahian cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Iran đã điều các chiến binh và chỉ huy đến Syria vào năm 2011 và Iraq vào năm 2014 để chống lại IS, nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngay cả khi Iran có đưa ra đề nghị thì Taliban cũng khó có thể chào đón các lực lượng Iran như cái cách Iraq từng làm.

Iran đã có ít nhất hai cuộc gặp ngoại giao với đại diện Taliban kể từ khi nhóm này lên nắm quyền, trong đó có cuộc gặp với Ngoại trưởng của Taliban hôm 23/10 vừa qua. Iran đưa ra ba yêu cầu đối với Taliban. Trong đó có việc đảm bảo không để khủng bố xâm nhập lãnh thổ Iran qua biên giới, ngăn chặn IS giành được chỗ đứng ở Afghanistan và bảo vệ các quyền, an ninh của các dân tộc thiểu số Shiite.

Ngoài ra, Iran đã yêu cầu Taliban giúp ngăn chặn các trùm ma túy sử dụng Iran như hành lang để vận chuyển thuốc phiện đến châu Âu, giữ thương mại cởi mở và trao đổi tiền tệ với Iran, đồng thời cải thiện các điều kiện kinh tế xã hội để người Afghanistan không chạy sang Iran, Kamal Kharazi, cựu ngoại trưởng và hiện là người đứng đầu Hội đồng chiến lược về quan hệ đối ngoại của Iran nói cung cấp thông tin cho báo chí vào tuần trước.

Ông Kharazi nói: “Chiến lược của chúng tôi ở Afghanistan hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi của Taliban. Cộng hòa Hồi giáo Iran không muốn can thiệp vào các vấn đề của Afghanistan nhưng đương nhiên chúng tôi có những lợi ích hợp pháp cần được đảm bảo”.

Mối quan hệ chính trị của Iran và Afghanistan có sự trồi sụt trong nhiều thập kỷ, tùy thuộc vào việc ai nắm giữ quyền lực ở Afghanistan. Trong những năm 1980, Iran hậu thuẫn cho các chiến binh Hồi giáo chống lại sự chiếm đóng của Nga và phe Haqqani thuộc dòng Sunni, hiện là một phần của Taliban. Vào cuối những năm 1990, Iran và Taliban suýt xảy ra chiến tranh vì Taliban đã giết 10 nhà ngoại giao Iran và một nhà báo ở Mazar-i-Sharif.

Năm 2001, Iran đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan, cung cấp thông tin tình báo quân sự và hợp tác an ninh. Nhưng sau khi Tổng thống George W. Bush đưa Iran vào cái gọi là “trục ma quỷ” hồi năm 2002 và sau đó thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq - nước láng giềng phía tây của Iran, thì tính toán ở Tehran đã thay đổi. Iran bắt đầu tiếp cận với Taliban với mục tiêu đuổi Mỹ ra khỏi đất nước.

Vali R. Nasr, người từng là cố vấn cấp cao của chính quyền Obama về Afghanistan và Pakistan, cho biết Iran bắt đầu hoảng sợ khi chính quyền Trump tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Các quan chức Iran chỉ trích chính quyền Trump vì không yêu cầu Taliban nhượng bộ chính trị trong các cuộc đàm phán ở Doha, Qatar, dẫn đến "một thỏa thuận của Mỹ và Pashtun" thay vì một thỏa thuận mang lại lợi ích cho tất cả người Afghanistan.

Ông Nasr nói: “Người Iran là bậc thầy về đòn bẩy. Họ biết một khi thỏa thuận ở Doha được ký kết thì Taliban sẽ không thể ngăn cản được nữa. Chính sách của Iran hiện tại là ngay bây giờ tránh điều tồi tệ nhất ở Afghanistan và gạn lọc trong mớ hỗn độn mà Mỹ để lại cho họ, tìm ra thứ để theo đuổi”./.

Bài liên quan
Vì sao phiến quân IS vội vàng nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố ở Moskva?
Phiến quân ISIS-K đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố vào trung tâm thương mại Crocus, nhưng cơ quan an ninh Nga vẫn chưa xác nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất