Mỹ, Nhật Bản củng cố quan hệ đồng minh dưới thời Joe Biden và Suga Yoshihide

Phạm Huân/VOV-Washington, Hoàng Nguyễn/VOV-Tokyo | 16/04/2021, 11:33

Quan hệ đồng minh đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản lại đứng trước bước phát triển mới sau khi Mỹ có tổng thống mới.

Quan hệ đặc biệt Mỹ-Nhật dưới thời các chính quyền mới

Kể từ khi nhậm chức hồi cuối tháng 1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trương củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác thân cận trên toàn thế giới trong đó có Nhật Bản, một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Á.

Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Mỹ cũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với Nhật Bản bao gồm chuyến thăm Nhật của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của hai quan chức này kể từ khi nhậm chức và đây được coi là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng và trấn an đồng minh về vai trò của Mỹ ở châu Á. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là một thành viên của nhóm Bộ tứ bao gồm Ấn Độ, Australia và Mỹ và nguyên thủ 4 nước này mới đây cũng đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên để thảo luận cách thức giải quyết “các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hội nhập”.

Một loạt các cuộc tiếp xúc như vậy đã cho thấy Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng mối quan hệ với Nhật Bản cùng với Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở châu Á, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc các biện pháp ứng phó với Trung Quốc trên nhiều mặt trận cũng như vấn đề Triều Tiên, nước mới đây đã nối lại thử tên lửa đạn đạo sau một thời gian dài tạm ngừng.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Washington dưới thời ông Joe Biden và đây cũng là chuyến công du Mỹ đầu tiên của ông Suga kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản tháng 9 năm ngoái. Tại thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này, hai bên được cho sẽ thảo luận các sáng kiến đối phó với các thách thức mà Bắc Kinh đặt ra với an ninh hàng hải, nhân quyền và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyến thăm cũng là cơ hội để hai bên trao đổi về cách thức phối hợp trong các hội nghị thượng đỉnh đa phương sắp tới như thượng đỉnh về biến đổi khí hậu có thể sẽ có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội nghị nhóm G-7 + 3 (bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia. Việc Nhà Trắng chuyển lời mời tới Thủ tướng Suga sẽ phát đi thông điệp tới cả đồng minh và đối thủ tiềm năng của Mỹ, nhất là Trung Quốc, rằng liên minh Mỹ-Nhật vẫn đóng vai trò là cấu trúc an ninh nền tảng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cuộc gặp Biden-Suga thúc đẩy hợp tác song phương như thế nào?

Chuyến thăm lần này được lên kế hoạch khẩn trương ngay sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm bộ Tứ và Đối thoại chiến lược ngoại giao quốc phòng (2+2) cấp bộ trưởng Nhật - Mỹ, cho thấy quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ ngày càng được coi trọng và củng cố vững chắc dưới thời tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Nhật Bản thời gian gần đây nhận được sự “ủng hộ” chiến lược của Mỹ như cam kết bảo vệ quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư theo Điều 5 hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, 2 nước cũng nhanh chóng thống nhất được mức chia sẻ kinh phí quân sự.

Mặt khác, nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã tự mình “rút” khỏi các Diễn đàn, Hiệp định quốc tế và khu vực thì Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ thời gian qua lại ngày càng trở nên năng động, tích lũy được quan hệ ngoại giao lâu dài với nhiều nước và trở nên có “tiếng nói” hơn trong cộng đồng quốc tế. Nhật Bản có ưu thế là nước điều phối và đưa ra các kiến nghị quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình trật tự quốc tế như vai trò dẫn dắt trong đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CP-TPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP hay thúc đẩy sự phối hợp chiến lược trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ. Như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh lần này cho thấy Nhật Bản có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách “đưa nước Mỹ trở lại” của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các nội dung trong tuyên bố chung sau cuộc họp 2+2 ngày 16/3 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước sẽ là cơ sở cho chương trình nghị sự lần này. Theo truyền thông Nhật Bản, hai nước vẫn đang thảo luận việc đưa vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) vào tuyên bố chung hay không? và nếu có thì đây sẽ là lần hiếm hoi đánh dấu sự bày tỏ công khai về những quan ngại chung của các lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản về vấn đề này.

Ngoài việc thúc đẩy củng cố quan hệ đồng minh, cùng nhau phối hợp giải quyết các vấn đề “nóng” của quốc tế và khu vực, chuyến thăm lần này của ông Suga sẽ là cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo.

Đã lộ rõ hơn cách tiếp cận của Mỹ và Nhật Bản đối với vấn đề Triều Tiên?

Quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên thời gian gần đây tiếp tục “căng thẳng” với những động thái “ăn miếng trả miếng”. Ngày 25/3, Nhật Bản khai mạc lễ rước đuốc Olympic Tokyo (25/03), Triều Tiên phóng vật 2 thể lạ mà nước này cho là “đầu đạn dẫn đường chiến thuật mới”; Ngày 6/4, Nhật Bản gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thêm 2 năm thì cùng ngày Triều Tiên chính thức tuyên bố không tham dự Olympic Tokyo năm nay với lý do bảo vệ các vận động viện khỏi dịch Covid-19, chấm dứt cơ hội hiếm hoi để có thể xúc tiến đến các cuộc đàm phán.

Nhật Bản một mặt lên án các vụ thử của Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi các biện pháp trừng phạt đối với nước này và mặt khác, nhiều thời thủ tướng Nhật Bản đã muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “vô điều kiện” để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong quá khứ, tuy nhiên đều bị Triều Tiên thẳng thừng từ chối. Do quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên đang xấu đi nên Nhật Bản sẽ không phải là “điểm mấu chốt” để giải quyết vấn đề tên lửa hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này 2 bên sẽ nhất trí thúc đẩy các biện pháp ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và có thể những nội dung trong tuyên bố chung sẽ gây ra cho Triều Tiên những phán ứng tiêu cực.

Các khác biệt cần giải quyết

Nhật Bản được đánh giá là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á, nhưng giữa hai nước vẫn tồn tại những khác biệt cần phải giải quyết, phần lớn trong số đó nảy sinh trong bốn năm dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trước tiên và quan trọng nhất chính là quan điểm và cách tiếp cận giữa hai nước trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Đối với Thủ tướng Suga, đàm phán và lựa chọn hướng đi đúng trong cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa hai siêu cường Mỹ-Trung là điều khó khăn. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số một của Nhật Bản do đó nếu trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Suga ký vào một tuyên bố chung cứng rắn đề cập vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, Tokyo rất có thể sẽ bị Bắc Kinh tẩy chay và áp đặt thuế quan lên hàng hóa của Nhật Bản xuất sang Trung Quốc. Thậm chí Nhật Bản còn có thể phải hứng chịu mức thuế cao hơn so với Australia, sau khi Canberra công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan và Hồng Công.

Thứ hai, chính quyền Biden cũng phi quan tâm đúng mức tới những quan ngại của Nhật Bản trong tiến trình hoạch định và thực thi chính sách đối với Triều Tiên. Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản là nơi đầu tiên và trực tiếp hứng chịu hậu quả nếu xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, khi tiến hành can dự với Triều Tiên, Mỹ cũng cần giúp giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trước đây.

Thứ ba, hai nước phải xử lý những khác biệt liên quan tới chính sách thương mại, thuế quan và việc áp dụng các rào cản phi thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu của nhau, sau khi cựu Tổng thống Trump đã áp thuế lên tới 25% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản. Chính quyền Biden cũng cần lưu tâm tới mong muốn của Nhật Bản về việc đưa Mỹ tái gia nhập TPP, mà hiện nay là CPTPP.

Cuối cùng, hai nước cần giải quyết dứt điểm việc chia sẻ kinh phí cho việc đồn trú của binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản. Mới đây, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận cho năm tài khóa 2021, nhưng sẽ phi sớm bước vào quá trình đàm phán không ít khó khăn cho năm tài khóa 2022 trở đi. Ngoài ra, Mỹ cũng phải quan tâm giải quyết yêu cầu của Nhật Bản liên quan tới việc tái bố trí lực lượng nhằm giảm thiểu tác động môi trường và cuộc sống của người dân địa phương./.

Bài liên quan
Pháp có thủ tướng trẻ nhất lịch sử
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Gabriel Attal - Bộ trưởng Giáo dục, 34 tuổi làm tân thủ tướng nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Những ký ức hào hùng không thể nào quên của cựu chiến sĩ Điện Biên
Những ký ức còn đọng mãi với thời gian của cựu chiến sĩ Điện Biên như tiếng chuông lịch sử vang mãi, nhắc nhở các thế hệ sinh ra trong hòa bình trân trọng công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống để dựng xây hòa bình cho hôm nay.
Mới nhất