Mưa thành phố

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ | 06/06/2022, 17:12

Mưa Hà Nội không dữ dội như mưa rừng, không bất chợt đi và tới như mưa Sài Gòn, không dai dẳng mưa miền Trung, không lạnh buốt như mưa ở Đức, nhưng chưa khi nào tôi quên được những cơn mưa thành phố của tôi, với biết bao hình ảnh mà khi nhớ lại, lòng cứ xôn xao.

Với tôi, mưa mỗi nơi một khác.

Mưa Hà Nội không dữ dội như mưa rừng, không bất chợt đi và tới như mưa Sài Gòn, không dai dẳng mưa miền Trung, không lạnh buốt như mưa ở Đức, nhưng chưa khi nào tôi quên được những cơn mưa thành phố của tôi, với biết bao hình ảnh mà khi nhớ lại, lòng cứ xôn xao.

Mưa Xuân Hà Nội đẹp. Lây rây hạt li ti giữa chợ hoa. Mưa lao xao trắng, chập chờn bay và đọng lại trên các nhành hoa đón xuân và đón Tết. Mưa Xuân nhỏ mà nao nao tuổi người.

Tháng Ba mưa nàng Bân tới. Trong ánh điện đêm, mưa giăng giăng, cảm thấy lạnh lại trở về xuyên qua áo mỏng. Cứ như thế rẽ mưa, dăm đứa rủ nhau tới góc phố Mai Hắc Đế. Tại đó có một quán bánh trôi Tầu. Nước nâu ngọt sắc, xông lên mùi gừng, mùi đồng mía, nóng cay thơm nhưng nhức. Nhẩn nha ăn từng miếng nhìn mưa. Chợt thương đứa bạn thân vừa xa người yêu lên đường, lên lâm trường tận Việt Bắc hôm qua. Nó vừa mười bẩy tuổi trai, giờ ở đâu?

Tháng Tư sấm rền. Mưa hạ bắt đầu rồi đây! Bắt đầu là sét xanh loằng nhoằng, làm lũ trẻ giật mình khi dãy phố đêm đột ngột hiện ra trắng phớ. Rồi sấm rõ to, đùng đoành ầm ầm nổ, rung hết cả ngói nhà. Đôi khi cốc chén trên khay cũng kêu lên khe khẽ: hè về.

Mưa chiều Hè sau tuần oi tới ngột ngạt thì thú vị lắm. Sầm sập đổ xuống, mưa kéo dài tới hai ba giờ đồng hồ. Lũ trẻ hàng phố chúng tôi rời nhà, chạy toá ra cả đường. Cởi hết quần áo, lông nhông từng đám chạy dọc phố thoả thê hét, nô đùa, đá bóng. Ừ đá bóng, vì mưa rồi không còn người lớn đi xe đạp trên đường mà có cớ la hét mắng mỏ lũ chúng tôi. Bao giờ cũng vậy, mẹ nhắc con phải uống một ngụm nước mưa cho khỏi cảm. Tìm cái ống đang ồng ộc nhả nước chảy tràn ra Hè. Bắt lòng tay vào, hứng nước mưa trong vắt, uống vài ngụm ngọt và mát như đường phèn. Con phố Trần Cao Vân khi ấy, nhà cửa không lấn, từ bên kia tường nghĩa địa tràn ra giữa phố, lấp đi cái nắp cống giữa ngã ba đường phố như hiện trạng bây giờ. Ở nắp cống đó, bữa nào mưa lớn, nước phun lên trắng xoá và cá rô nhẩy lao xao, có bận cả đàn dăm chục con, cho lũ chúng tôi thi nhau vồ.

Mưa Hè tới và đi, chảy dọc như con suối bên các vỉa ba-toa trên các phố chính. Cuốn theo cơ man nào hoa sấu rụng trắng vỉa hè trước khi có mưa. Nước rút hết, còn lại đám hoa không trôi hết từng vệt chàn chạt, dầy tới một hai centimet, đọng ở mép đường. Hôm sau nắng lên, nóng ẩm và se gió. Dăm sớm đi học qua, đã nhận ra thoang thoáng mùi men rượu, thơm hừng lên từ đám hoa như còn lưu luyến mặt đất nằm kia.

Mưa Hè trên rừng thì dữ dội và lạnh lắm. Còn mưa thành phố làm những hàng cây bàng tươi lên, khoe thêm bao búp non và những chiếc lá biếc, xanh mướt. Chẳng có thể có cái lá nào trên đời nom mát mắt tới vậy.

Mùa Thu Hà Nội ít mưa. Đang đẹp hanh hao thì ai nỡ làm mưa. Mưa hiếm và cũng chẳng mong chờ. Cuối Thu, nếu có mưa thì buồn lắm. Ai xa Hà Nội vào mùa Thu, lại bất chợt gặp thu mưa điệp điệp, khi tầu rúc còi rời bến, tiếng còi trong mưa lây phây trùm sân ga, lòng đổ òa ra, còi chợt như xé lòng, đứt từng khúc ruột mà đi. Vườn hoa Chí Linh, cạnh bưu điện Bờ Hồ năm nào có cái nhà Loa kèn cho văn nghệ sĩ biểu diễn. Năm ấy, Đặng Thế Phong ở Hải Phòng lên. Tại nhà Loa kèn, có kì nữ trong tiếng đàn ghi ta hát bài Giọt mưa thu. Giọt mưa thu vốn buồn nao lòng, lại hát giữa vườn hoa, dưới trời đổ một cơn mưa bất chợt. Ca sĩ khóc. Đặng Thế Phong gạt nước mắt. Giữa mưa, người nghe đội mưa nghe hát. Nghe mà trào lệ. Bao đôi nhân tình sụt sịt. Người đàn bà áo dài trắng, đưa mùi xoa lên chấm mắt; hay ai kia, anh Hoàng, cô Tố nào của Vũ Hoàng Chương đang tựa vào vai nhau; ai tựa vai người đàn ông cầm ô đứng bên nghe thu mưa hay cảm tình người ở thu. Những mưa và nước mắt thương thu hay thương người nước mắt đầm bên áo người trai Hà Nội. Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời vắng u buồn mây hắt hiu, gió ngừng trôi! Bài ca Giọt mưa thu ông Phong viết ở dưới Hải Phòng, lên gặp mưa Thu Hà Nội. Chợt biến thành bản tình ca buồn nhất thế kỉ. Và, thành máu thịt của một Thu mưa buồn Hà Nội xưa một thời. Mãi sau 1950 các ca sĩ như anh em Ngọc Báu, Ngọc Bảo còn ca mãi bài Thu mưa buồn này tới tận sau hoà bình cho ngay lòng lũ trẻ chúng tôi.

Thế mà có mùa mưa Thu Hà Nội không buồn mà níu chân kẻ lên đường. Năm 1965. Hà Nội đưa tiễn gần vạn chàng trai lên đường nhập ngũ, khi những trái bom ném bừa bãi xuống khu Tư và Hải Phòng, Quảng Ninh. Đêm trung đoàn 220. Tôi yên lặng nghe bạn tôi khe khẽ hát bên tháp pháo khi mưa Thu giăng giăng cho đầy tình yêu Hà Nội của chúng tôi cần bảo vệ.

Mùa Đông. Những cơn mưa thối đất, làm ẩm mốc những ngôi nhà cổ đã đầy rêu phong. Trên nóc mái chùa Hai Bà. Những cây sứ dại lóng lánh trong mưa. Đường lép nhép. Nền nhà lép nhép. Thoắt cái, gió mùa Đông bấc tràn về khô cong, làm đôi chân trần nứt nẻ của những người nghèo, lại mong mưa.

Mưa Đông dai dẳng lắm. Nó cũng dẳng dai dấu mãi ở lòng ta, những kỉ niệm chẳng khi nào phai nhoà, dù ta có đạp chân trên khắp cả thế gian…/.

Bài liên quan
Loạt dự án thoát nước “lụt” tiến độ, Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu
Trước tình trạng hàng loạt dự án thoát nước chậm tiến độ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất