• image

    Mỗi tuần một nhân vật

    Chương trình " Mỗi tuần một nhân vật" cập nhật liên tục và mới nhất những nhân vật, sự kiện tiêu biểu đều có trong chương trình được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chương mới nhất
  • 19/05/2022
    Sáng chế máy cấy lúa của anh Trần Đại Nghĩa ngày càng được nhiều bà con nông dân sử dụng vì tính hữu ích của nó. Chiếc máy này giúp bà con tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/03/2022
    Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ - Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 4 năm 2021 Tạp chí Fox Việt Nam vinh danh bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng năm 2021, chị cũng được bầu chọn là gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong công tác phòng chống covid - 19.
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/03/2022
    Năm 2021 là một năm đầy biến động do những ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn là cột mốc đáng nhớ đối với Huỳnh Như – đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Cô gái sinh năm 1991 đã cùng CLB TPHCM lập cú đúp vô địch Quốc gia và cúp Quốc gia chỉ sau 15 ngày, và đặc biệt đầu năm nay, Huỳnh Như đã góp công giúp đội tuyển Quốc gia giành tấm vé lịch sử tham dự vòng chung kết Wordcup năm 2023.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/02/2022
    Khẳng định giáo dục trực tuyến là một hình thức hoàn toàn khác với giáo dục truyền thống, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam – người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX kêu gọi các trường đại học mạnh dạn đổi mới, thúc đẩy đào tạo online, tạo cú hích cho nền giáo dục.
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/11/2021
    Nghề giáo, bậc học nào cũng là một hành trình gieo chữ khó khăn, vất vả. Nhưng là cô giáo mầm non, hành trình ấy còn gian nan, vất vả hơn gấp nhiều lần. Không chỉ vậy, là giáo viên mầm non của một điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như cô Ly Thị Cộng, giáo viên trường mầm non xã Nậm Pin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên thì những khó khăn ấy là không kể xiết.
    Xem thêm Thu gọn
  • 15/11/2021
    Tạ Đình Huy – Giám đốc Công ty Cổ phần máy nông nghiệp Đa năng Hòa Phát AHM ở huyện Chương Mỹ - TP Hà Nội được bà con gọi là nhà sáng chế của nông dân. Dù không được đào tạo qua trường, lớp, nhưng niềm đam mê tìm tòi, khám phá đã giúp anh tự khẳng định mình và trở thành "nhà sáng chế" đáng nể trong lĩnh vực sản xuất các loại máy nông nghiệp. Thành công của anh đã góp phần giúp người nông dân tiếp cận với phương thức canh tác mới và giải phóng được sức lao động của mình...
    Xem thêm Thu gọn
  • 07/10/2021
    Trần Văn Quyến sinh năm 1985, thạc sỹ ngành sử học Hán Nôm tại trường Đại học Huế, hiện đang công tác tại viện nghiên cứu nhận thức và giáo dục Thăng Long, Đại học Thăng Long. Là tác giả và đồng tác giả của các công trình nghiên cứu như: chỉnh lý mộc bản tại bảo tàng Bắc Ninh, chương trình nghiên cứu làng xã Quảng Nam, nghiên cứu và chỉnh lý mộc bản tại chùa Từ Đàm – Huế, tại chùa Tam Chúc – Hà Nam, điều tra và số liệu hóa nguồn tư liệu Hán Nôm tại miền Trung.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/08/2021
    Xưởng nghề dành cho người khuyết tật thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày ngày vẫn rền vang tiếng máy, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt gỗ hương như chiếu ngủ, gối, vòng tay, vòng cổ và cả khẩu trang.... tất cả được tạo ra từ bàn tay khéo léo của những hội viên trong câu lạc bộ người khuyết tật. Sau bốn năm đi vào hoạt động, gần 40 người khuyết tật đã có công ăn việc làm ổn định nhờ xưởng sản xuất.
    Xem thêm Thu gọn
  • 12/07/2021
    Theo báo cáo của Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần Quốc gia, Việt Nam có khoảng 8 triệu người mắc căn bệnh trầm cảm, chiếm khoảng 10% dân số. Mỗi năm, Việt Nam còn ghi nhận khoảng 30.000 người tự tử vì trầm cảm, đó là còn chưa kể hàng triệu người giấu bệnh và một mình chống chọi với nỗi đau vô hình.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/06/2021
    Trên nền gạch của ngôi nhà cũ nằm ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, lớp học khiêu vũ thể thao miễn phí vang lên những giai điệu trầm bổng vào mỗi sáng thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Đứng lớp là HLV dance sport cấp quốc gia Tô Văn Hòa....
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/06/2021
    7 năm theo đuổi việc "giành lại sân chơi cho trẻ", kiến trúc sư Chu Kim Đức luôn đau đáu về việc trẻ con cần những không gian để vui chơi, ngay cả ở những thành phố chật hẹp, khu dân cư đông đúc...
    Xem thêm Thu gọn
  • 04/05/2021
    Ông Nguyễn Trung Chắt là người thành lập Mái ấm Hy vọng tại Lạng Sơn, người cha của gần 300 đứa trẻ mồ côi và có hành trình hơn 18 năm giúp đỡ thay đổi cuộc đời của những cô bé, cậu bé không cha mẹ. Đến nay, ông đã xây dựng được 3 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập mang tên Hy Vọng, để nuôi dạy trẻ mồ côi tại tỉnh Hưng Yên và Lạng Sơn. Năm 2020, ông được vinh danh trong Lễ tuyên dương Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 05/04/2021
    Dù mất một chân nhưng Đoàn Ngọc Bảo vẫn vô cùng lạc quan, vui tính và trở thành vận động viên trượt tuyết, trượt patin chuyên nghiệp.
    Xem thêm Thu gọn
  • 29/03/2021
    Hơn cả là một nhà báo văn hóa, nữ nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung là một người con của Hà Nội. Bà yêu Hà Nội và nhớ thương từng con phố, từng địa danh, từng hương vị của mỗi món ăn Hà Thành.
    Xem thêm Thu gọn
  • 22/03/2021
    Cái tên Diego Chula từ lâu đã không còn xa lạ trong giới thiết kế thời trang. Người đàn ông Tây Ban Nha được xem là một trong những nhà thiết kế ấn tượng. Những mẫu hoa văn, những bộ trang phục của ông luôn toát lên một phong cách rất riêng, độc đáo. Yêu văn hóa Việt Nam, biến những chất liệu trong đời sống hàng ngày thành những bộ trang phục đẹp đẽ. Câu chuyện của Diego là câu chuyện của một người nước ngoài tình cờ đến, bất chợt yêu và muốn gắn bó mãi với Việt Nam.
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/03/2021
    Nữ lính cựu Mai Thị Hồng Nguyên muốn sống thay cho những đồng đội của mình đã ngã xuống. Đó là mong ước không phải của riêng một người mà là của cả một thế hệ đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 18/01/2021
    Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cùng các cộng sự cho hay, dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 của ông và các đồng sự đã có kết quả: “vaccine dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao”...
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/12/2020
    36 tuổi, hàng ngày đại úy - Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng vẫn chạy đi chạy lại như con thoi giữa Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự và Học viện Quân y. Mọi người gọi chị là nhà khoa học “ba trong một”: vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, đồng thời là một nữ quân nhân.
    Xem thêm Thu gọn
  • 08/12/2020
    PGS.TS Trần Thị Thu Hà là nhà khoa học nữ đầy tâm huyết, say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam. Thành tựu đáng chú ý của bà là nghiên cứu, lai tạo và nuôi trồng thành công 40 loại cây dược liệu quý của Việt Nam, mang lợi ích kinh tế cao. Với những cống hiến đó, PGS, TS Trần Thị Thu Hà vinh dự được Hội LHPN Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/11/2020
    Xã Quất Động – Thường Tín – Hà Nội cách trung tâm chừng 25km về phía Nam được coi là đất tổ nghề thêu tay truyền thống. Hãy cùng chương trình lắng nghe câu chuyện về nghệ nhân Hoàng Thị Khương với những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và tâm huyết giữ nghề truyền thống của quê hương. Sau một cơn sốt cao khi còn ẵm ngửa, chị Hoàng Thị Khương đã bị liệt một chân, không thể đi lại bình thường. Nhưng điều đó không cản trở chị theo đuổi đam mê của mình và giữ nghề thêu truyền thống của gia đình. Hiện, chị Khương không chỉ thêu tranh mà đã có một công ty cho riêng mình, là công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương. Không chỉ lo sinh kế cho bản thân, chị Khương còn đau đáu giữ nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Hiện nay, chị Hoàng Thị Khương là chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
    Xem thêm Thu gọn
  • 16/11/2020
    Từng phải chống nạng đi học trong nhiều năm nhưng thầy giáo Nguyễn Đức Trường, tổ trưởng tổ tự nhiên, trường THCS Đa Tốn – huyện Gia Lâm – Hà Nội vẫn hiện thực hóa giấc mơ: được đứng trên bục giảng. Không những thế, thầy Trường còn là người truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ học trò. Còn với các giáo viên trong nhà trường, thầy Nguyễn Đức Trường còn là một tấm gương vượt khó vươn lên, tiếp thêm động lực để các thầy cô cố gắng hơn nữa trong công việc dạy học. Mới đây, thầy Nguyễn Đức Trường đã được thành phố Hà Nội vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú của thủ đô, không chỉ bởi nghị lực vươn lên của thầy mà còn bởi những sáng kiến, đóng góp của thầy trong công tác giảng dạy.
    Xem thêm Thu gọn
  • 09/11/2020
    Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống bình yên đang hiện hữu. Nhưng đâu đó vẫn có những cuộc chiến khốc liệt, khiến không ít những chiến sỹ cảnh sát gặp hiểm nguy, thậm chí hy sinh tính mạng. Và vẫn có những người chọn cho mình phần việc không nhẹ nhàng ấy.... Gần 20 năm công tác trong ngành công an, thượng tá Phí Ngọc Hóa đã được nhận 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Mới đây, anh được chọn là một trong những điển hình tiên tiến dự Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc trong toàn lực lượng công an nhân dân lần thứ 8.
    Xem thêm Thu gọn
  • 28/10/2020
    Marathon là môn thể thao thuộc hệ thống Olympic có tầm phổ biến bậc nhất thế giới, Phạm Thị Hồng Lệ - Cô gái sinh ra ở đất võ Bình Định hiện đang là một trong những gương mặt trọng điểm của thể thao Việt Nam, sở hữu hàng loạt huy chương Quốc gia và Quốc tế trên đường chạy Marathon.
    Xem thêm Thu gọn
  • 14/10/2020
    Là Giám đốc Bệnh viện đồng thời là đại biểu Quốc hội nhưng phía sau đó là một con người thật dung dị, gần gũi và thân thiện, yêu thương trẻ nhỏ. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, công việc trên nghị trường, ông còn thường đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để hỗ trợ bà con nghèo và khám chữa bệnh cho trẻ em. Chân dung PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu quốc hội khóa XIV được phác họa trong chương trình "Mỗi tuần một nhân vật".
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Vì sao một người chưa từng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về máy móc cơ khí lại trở thành một nhà sáng chế tài ba? Và động lực nào khiến anh không quản ngại khó khăn vất vả để làm ra những sản phẩm giúp bà con nông dân nâng cao năng suất lao động, bớt đi những khó khăn vất vả, đời sống ngày một được cải thiện. Quý vị và các bạn sẽ hình dung phần nào sau khi cùng PV Nguyễn Vũ Hà gặp gỡ và trò chuyện với anh Nguyễn Hải Châu-Nhà sáng chế-Doanh nhân-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Tuấn Tú.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    “1 nhà vật lý, nhà tổ chức có trái tim rộng mở”, “1 nữ bác học bắt rễ cây phải nở hoa”, “Những con người không bao giờ dừng lại”, “Cặp vợ chồng phi thường” … đó là cách bạn bè quốc tế yêu quý dành cho vợ chồng GS Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc trong suốt những năm qua. Hơn 80 tuổi, đi về không mệt mỏi giữa Việt Nam và Pháp, Ông, Bà vẫn mải miết, gắng gượng cho những kế hoạch, những dự án trong suốt hơn 50 năm qua - những dự án mang tên Việt Nam.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Nhạc sỹ Dương Thụ nổi tiếng với những tình khúc trữ tình, lắng đọng, êm ái, nhẹ nhàng, ca từ tinh tế và tình cảm như: Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Mặt trời dịu êm, Hơi thở mùa xuân, Tháng tư về, Phố mùa đông, Nghe mưa, Gọi anh, Lời tôi ru, Em đi qua tôi vv…Song, trong chương trình Mỗi tuần một nhân vật phát 16/07/2017, chúng ta sẽ biết thêm một góc khác ở con người ông: Đó là một người nặng lòng trong tình yêu: Tình yêu với công việc và tình yêu với văn hóa dân tộc.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Ông là người lính lái xe Trường Sơn và cũng là người sở hữu 3 tấm bằng ĐH: Đại học Tổng hợp, khoa Văn; Đại học Thương Mại và lấy bằng cử nhân Luật Hà Nội ở tuổi 60. Ông được mọi người mến mộ, gọi với cái tên gần gũi "Luật gia của nhân dân", còn vợ ông thì gọi ông là "Người hâm nhất Việt Nam".
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Thông thường khi nhắc tới danh từ “cậu ấm”, chúng ta dễ hình dung về một dạng quý tử “con nhà”, được nâng niu, chiều chuộng như báu vật. Có hai kiểu “cậu ấm”, hoặc quen dựa dẫm tới mức thụ động, hoặc vòi vĩnh, phách lối, dẫn đến ăn chơi, đua đòi. Nhân vật tuần này có thể coi là một “cậu ấm” nhưng lại hoàn toàn khác biệt với những điều nêu trên. Anh là Quách Phan Tuấn Anh, con trai của nghệ nhân Quách Văn Trường – người đặt nền móng cho việc khôi phục lại nghề đậu bạc truyền thống ở Định Công (Hà Nội).
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Chắc hẳn trong đời, bạn đã từng có những lúc nản lòng muốn bỏ cuộc vì những vấp ngã, vì những muộn phiền ưu tư. Trước điều đó, có người ngọn lửa động lực của họ ngày càng bùng cháy mạnh mẽ hơn, nhưng cũng có người ngọn lửa ấy ngày càng tàn lụi và tắt dần. Đó là lý do vì sao nhiều người trong chúng ta luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi trước những thử thách nghiệt ngã của cuộc sống. Doanh nhân-Diễn giả Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty TGM luôn tin rằng có rất nhiều người Việt Nam thật sự đang cần một động lực mạnh mẽ hơn nữa để bứt phá trong cuộc sống nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa khám phá ra. Và anh mong mỏi có thể trở thành người truyền cảm hứng; một ngọn nến lan tỏa nhiều ánh sáng của giá trị, của xảm xúc đến với bạn thông qua những buổi hội thảo với chủ đề “Động lực từ trái tim”.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Là họa sĩ song ông lại dành thời gian tìm hiểu sâu nhiều lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu mỹ thuật, trang phục cổ. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm tranh sơn dầu có mặt trong các bộ sưu tập ở Đức, Pháp, Bỉ, Anh, Canada, Mỹ…..; tiêu biểu hơn cả là bộ tranh sơn dầu phỏng dựng về Thăng Long xưa; ông là tác giả của nhiều xuất bản phẩm được các nhà khoa học đánh giá cao và được đông đảo công chúng đón nhận. Trước khi thể hiện những mảng màu trên những tác phẩm hội họa cũng như trước khi phục dựng những bức tranh cổ là một quá trình ông dày công nghiên cứu đa ngành. Ông là ai và tại sao người họa sĩ đa tài này lại đi theo hướng nghiên cứu đa ngành?
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng", đó cũng là thông điệp lan tỏa từ câu chuyện sống và khởi nghiệp của chuyên gia đào tạo tư vấn và trị liệu tâm lý Trần Kim Thành. Tinh thần tự học và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của chị đã truyền động lực, nguồn cảm hứng cho nhiều người đang loay hoay đi tìm hạnh phúc đích thực của mình.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    "Cuộc đời tôi gắn với nghĩa trang Hàng Dương và Côn Đảo. Tôi không thể và không muốn rời xa nơi này. Được chăm sóc phần mộ của những anh hùng liệt sĩ, được thuyết minh cho bà con du khách về tội ác của thực dân, đế quốc khi xưa, tôi cảm thấy rất thiêng liêng, tự hào" - Thuộc thế hệ những người đầu tiên ra Côn Đảo sau giải phóng, chị Huỳnh Thị Kim Loan là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc quy tập hài cốt Liệt sĩ và tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương. 34 năm gắn bó với Côn Đảo cũng là chừng ấy thời gian người phụ nữ này dành trọn thời gian cho những người đã hy sinh trong đấu tranh cách mạng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Đã bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao nhiều người, nhất là các bạn học sinh bây giờ thường e ngại, thậm chí căng thẳng khi đứng trước những kiến thức về lịch sử? Có lẽ thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhiều người viết sử, giáo viên dạy sử cũng đang tìm cách tối ưu, hấp dẫn để chuyển tải, truyền thụ lịch sử. Một trong những người đã tìm ra cách “giải mã” con đường đưa kiến thức sử sách tới học sinh và mọi người, cũng là nhân vật tuần này của chúng tôi, thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Vương.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Có những người khi tiếp xúc, chuyện trò, ta vừa thấy gần, mà vẫn lại thấy xa, vừa thoạt trông một tâm hồn nô nức, trẻ thơ, trong trẻo đã lại nhận ra sự già dặn, triết luận trong chính một câu chuyện cuộc đời, một số phận. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Phước, nghệ danh MPK mang lại tổng hòa những cảm nhận đó
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Chơi chim, hoa, cá, kiểng hay sưu tầm tranh, tượng, tem, sách, đồ cổ… là thú chơi tao nhã của bất cứ ai - bất kể giàu nghèo, địa vị xã hội. Tuy nhiên, nghề chơi nào cũng đòi hỏi người chơi phải có kiến thức nhất định và trên tất cả là niềm đam mê. Bởi thế, mới có câu “nghề chơi cũng lắm công phu” là vậy. Trong chương trình Mỗi tuần một nhân vật phát 21/1/2018, chúng tôi mời các bạn làm quen với một nhân vật mà tên tuổi anh gắn với một thú chơi tốn công, tốn sức, tốn của hơn cả, đó là nghề sưu tầm tranh.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Nói tiếng Việt, một điều thực đơn giản nếu ta sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nhưng với một người đến từ một quốc gia với hệ chữ khác biệt, việc sử dụng thuần thục đã quá khó, sử dụng luyến láy, sinh động và có thể tung tẩy bằng tiếng Việt thì đến thời điểm này có thể khẳng định khó ai vượt qua được ngài Saadi Salama, đại sứ Palestine. Có được điều này trước hết bởi lòng quyết tâm của một con người đến từ vùng đất cách mạng Palestine, nữa là bởi tình yêu cho đất nước, con người Việt Nam...
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    “Mình theo đuổi một cách bền vững từ khi bắt đầu cho đến bây giờ về bạo lực giới. Mình không thay đổi mục đích của cuộc sống, của công việc” - đó là chia sẻ của Chị Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (gọi tắt là Csaga). Gần 20 năm bền bỉ đấu tranh cho mục đích cao cả, cũng có nhiều khó khăn và thành công...
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    “Tôi muốn mỗi chiếc áo dài không chỉ là thiết kế thời trang mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi vậy mà tôi muốn tự tay vẽ lên áo dài, lấy cảm hứng từ tranh dân gian, từ văn hóa Việt. Mỗi chiếc áo dài sẽ như chiếc cầu nối để bạn bè quốc tế hiểu hơn về áo dài và văn hóa Việt Nam.” Đây là chia sẻ của chị Bùi Mai Thủy, hiện đang công tác tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, một người có niềm đam mê đặc biệt với áo dài. Bằng những nét vẽ tài hoa, chị đã mang đến áo dài một vẻ đẹp rất riêng.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    “Làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, thành phố Quế Lâm, Trung Quốc - mặc dù tiền rất ít nhưng mình cảm thấy rất vui vì có thể giúp đỡ các em những lúc ốm đau hay cần phải đi bệnh viện, đặc biệt là được gần gũi với người Việt, được trao đổi, được giao lưu thật ấm áp. Ngoài lớp học mọi ánh nhìn tình cảm giống như người chị chăm sóc những người em hay như người mẹ chăm sóc cho các con...” - Đó là tâm sự của chị Ngô Tuệ Quân, hiện là trợ lý Việt Nam của phòng Hợp tác quốc tế đồng thời giam gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây ở thành phố Quê Lâm, Trung Quốc. Với tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia, chị đã truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam học tập tại ngôi trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. Nhiều sinh viên đã coi chị như người mẹ thứ hai của họ.
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Là một kiến trúc sư nhưng đam mê hội họa, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình đã được giới họa sĩ đánh giá cao với các tác phẩm mang dấu ấn riêng, nổi bật ở thể loại tranh phong cảnh và chân dung. Mỗi nơi ông đi qua đều để lại cho ông những rung động và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận. Với triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Cảm xúc”, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình đã mang lại cho người xem những ấn tượng riêng mà ở đó, cảm xúc và tình yêu với hội họa chính là những thăng hoa để ông sáng tác nên những tác phẩm có hồn. Chương trình “Hành trình sáng tạo” sẽ giới thiệu với quý thính giả về những tác phẩm hội họa tinh tế, sâu lắng của người kiến trúc sư đầy đam mê này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 21/09/2020
    Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc từng là học sinh "đầu gấu", từng nhiều lần bám đuôi xe container đến trường, cầm đầu đám nam sinh với nhiều trò quậy phá...Thế nhưng, sự xuất hiện của những giáo viên "đặc biệt" đã khiến cuộc đời cô học trò cá biệt rẽ sang một lối khác. Giờ đây, khi nhận đủ yêu thương, Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc tiếp tục truyền cảm hứng người thầy đến nhiều giáo viên trong cả nước.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    “Rời quê lên phố lập nghiệp” là hướng đi, là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Đảng viên Bùi Văn Cương ở xã Đông Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình lại đi ngược con đường ấy. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp một số gia đình vươn lên từ cây trái, đồng thời sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cộng đồng. Chương trình Mỗi tuần một nhân vật gặp gỡ và trò chuyện với người đảng viên "dám nghĩ dám làm này".
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Vào những năm 1970, có một người thợ gốm tên là Nguyễn Văn Chi (biệt danh Chi “lọ”) tự mình lập một lò gốm và làm ra những sản phẩm lạ, khác biệt so với những mẫu gốm từ các làng nghề truyền thống ở miền Bắc, tạo dựng nên một thương hiệu mang tên Gốm Chi. Dung dị mà độc đáo, những hình khối không cân xứng nhưng lại rất "vừa mắt", đáng yêu, Gốm Chi hút hồn bao thế hệ yêu gốm Thủ đô không bằng những họa tiết trang trí cầu kỳ, kiểu dáng ngay ngắn "bằng nhau chằn chặn", mà bởi những phá cách rất ngẫu hứng, rất duyên. Nửa thế kỷ qua, gốm Chi làm người ta "say" bằng cái duyên ngầm đầy tinh tế. Chẳng thế mà cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng ví Gốm Chi là thơ, là nhạc, là kịch không lời. Khi nói về tranh phố, người ta nhắc đến danh hoạ Bùi Xuân Phái, còn với gốm, khó mà thiếu được gốm Chi. Câu “gốm Chi, phố Phái” cũng từ đó mà truyền tai nhau...
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Trong hai năm 2019 - 2020, hàng chục con hẻm chật chội của quận 3 thành phố Hồ Chí Minh đã được mở rộng theo chủ trương vận động người dân hiến đất mở hẻm. Nhiều con hẻm vốn chỉ rộng từ 1,2 - 1,5m đi lại khó khăn thì nay được mở rộng đến 5 - 6m tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại của bà con. Nếu tính từ năm 2015 đến cuối đầu năm 2020, cả quận 3 TP Hồ Chí Minh có 34 tuyến hẻm được mở rộng, với số hộ dân hiến đất là 1.172. Tổng diện tích đất hiến hơn 9.300m2, tương ứng với số tiền gần 445 tỉ đồng. "Tấc đất, tấc vàng", nhiều hộ gia đình đã hiến cả chục mét vuông đất mà không nhận bất kỳ một khoản tiền đền bù nào. Câu chuyện tưởng như rất khó tin nhưng lại có thật ngay tại quận 3 TP. HCM. Vậy điều gì đã biến một chủ trương lớn tưởng chừng rất khó thực hiện nhận được sự đồng thuận của người dân? Vai trò của Đảng viên trong công tác vận động quần chúng nhân dân có ý nghĩa then chốt ra sao? Chương trình Mỗi tuần một nhân vật gặp gỡ ông Võ Khắc Thái - Chủ tịch UBND quận 3, TP Hồ Chí Minh, người trực tiếp chỉ đạo chủ trương hiến đất mở rộng hẻm ở quận 3, TP Hồ Chí Minh.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Một con đường được định sẵn, một con đường bằng phẳng dễ đi có thể là sự lựa chọn của ai đó. Nhưng BS Nguyễn Văn Mạnh lại chấp nhận một sự dấn thân khác: tình nguyện nhận nhiệm vụ tại một huyện mới thành lập “khó khăn nhất bậc nhất” của cả nước – huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Anh cùng các đồng nghiệp, chính là những người đã bước đi trong bền bỉ, trong cố gắng để hình thành nên một “con đường” cho y tế cơ sở ở vùng đất mới nơi miền biên viễn.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi công đúng ngày 2/9/1973 và khánh thành ngày 29/8/1975. Người thiết kế dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chữ ký của Bác là kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn. Trong quá trình thiết kế, thi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông còn tham gia nhiều phần việc khác. Cùng gặp gỡ và trò chuyện với KTS Nguyễn Tấn Vạn để hiểu thêm về "dấu ấn một công trình lịch sử".
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Được thành lập từ năm 1997, tuy mới trải qua hơn 20 năm, nhưng bóng đá nữ Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công và vinh quang về cho thể thao nước nhà, 3 lần vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á, 6 lần giành HCV SEA Games, hiện đang đứng hạng 35 thế giới và thứ 6 tại Châu Á. Thành tích vang dội là vậy nhưng phải đến SEA Games 30 diễn ra ở Philippines vào cuối năm ngoái, đội tuyển nữ Việt Nam mới bắt đầu nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ bởi tinh thần thi đấu qua cảm, hết mình vì màu cờ sắc áo. Trong số những nữ chiến binh áo đỏ ấy, có một người đã để lại ấn tượng sâu sắc, khiến những người yêu bóng đá Việt Nam phải ngả mũ thán phục bởi sự kiên cường, thi đấu quyết liệt, lăn xả trong suốt 120 phút với đôi chân rướm máu. Đây là nhân vật sẽ được chúng tôi giới thiệu tới quý vị và các bạn trong chương trình Mỗi tuần một nhân vật ngày hôm nay. Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, nhân vật “đặc biệt” này.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    21 tuổi - mất đi bàn tay phải khi chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, ước mơ chớp những khoảnh khắc cuộc đời bằng nghệ thuật nhiếp ảnh như đóng lại trước anh chiến sỹ Bùi Đăng Thanh. Phục viên, tiếp tục học và bước chân vào giảng đường đại học. Cho đến một ngày, chiếc máy ảnh do người họ hàng mang về từ chiến trường đã giúp Bùi Đăng Thanh thắp lại giấc mơ chinh phục nhiếp ảnh. Ông đã từ bỏ công việc của một công chức, mở một hiệu ảnh dạo ở hồ Vị Xuyên, Nam Định vừa để kiếm sống, vừa sáng tác nghệ thuật và còn giảng dạy nhiếp ảnh. Để rồi hôm nay, ông chính là người nắm giữ những giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, truyền lửa để nhiếp ảnh không chỉ dừng ở kỹ thuật bấm máy. "Mỗi tuần một nhân vật" hi vọng vẽ một bức chân dung bằng âm thanh về con người cả đời mình chứng minh một điều: Chiến tranh không thể tàn phá giấc mơ nghệ thuật
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Ngoài công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cứ có thời gian rỗi, Tiến sĩ Nguyễn Vũ lại như một người nông dân thực thụ, chăm chút cho đường hoa quê hương ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Gần 2 năm cùng đội môi trường của thôn xây dựng và phát triển đường hoa, lượng rác thải đổ ra kênh nước đã giảm hẳn. Một sự quan tâm và tình yêu môi trường được khơi dậy trong mỗi người dân thôn Thụy Lôi.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Thể thao Việt Nam năm qua ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều thành tích ở đấu trường khu vực và thế giới. Trong đó, SEA Games 30 trên đất Philippines được coi là kỳ Đại hội thành công nhất trong lịch sử của thể thao nước nhà. Đóng góp không nhỏ vào thành công đó phải kể đến đội tuyển điền kinh, trong đó có gương mặt ấn tượng Nguyễn Thị Oanh – VĐV lập cú hat-trick Vàng kỳ tích. Cô cũng được xem là người truyền cảm hứng mãnh liệt nhất của thể thao Việt Nam năm 2019. Hãy cùng nghe những chia sẻ về hành trình chinh phục đỉnh cao đầy vinh quang nhưng phía sau đó cũng không ít gian nan, thử thách của cô gái nhỏ bé và nghị lực này trong chương trình Mỗi tuần một nhân vật hôm nay!
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Hành trình của chiếc "tai giả" - thiết bị giúp các y bác sĩ giảm áp lực tai trong cuộc chiến chống Covid-19 là một câu chuyện với nhiều cảm xúc và năng lượng tích cực.
    Xem thêm Thu gọn
  • 03/09/2020
    Chứng kiến những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt, trăn trở với người dân Đồng bằng sông Cửu Long hằng ngày phải cực nhọc chống chọi với hạn mặn… là động lực để kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" cùng một số nhà khoa học trẻ khác nghiên cứu, chế tạo thành công máy lọc nước mặn thành nước ngọt để cùng chia sẻ khó khăn với người dân nơi đây....
    Xem thêm Thu gọn
  • 23/09/2020
    Bác sĩ Và Bá Tủa là người dân tộc Mông. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, anh đã quyết định về quê để giúp đỡ bà con nghèo dù trước đó được mời làm ở bệnh viện huyện. Anh đã tự học thêm tiếng Thái, tiếng Khơ Mú để có thể giao tiếp và tư vấn bệnh cho người dân tốt nhất. Người dân gọi anh là “Bác sỹ của bản làng” vì bất kể ngày đêm, mưa nắng, ở đâu có người bệnh ở đó có bác sĩ Tủa.
    Xem thêm Thu gọn