Miền núi Quảng Nam ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Long Phi/VOV-Miền Trung | 15/09/2021, 19:26

Trong kịch bản ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tỉnh Quảng Nam chú trọng những giải pháp linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với khó khăn khi vừa tập trung phòng, chống với dịch bệnh Covid-19, vừa triển khai phương án ứng phó với mùa mưa bão năm nay. Trong kịch bản ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tỉnh Quảng Nam chú trọng những giải pháp linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Tại huyện miền núi cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu gây mưa lớn kéo dài từ ngày 10 đến 12/9 vừa qua, huyện Phước Sơn khẩn trương di dời gần 270 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu.

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, trong đợt mưa lớn mấy ngày trước, xã Phước Thành phải di dời khẩn cấp hơn 100 hộ ở những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, địa phương gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất cần vật tư, nhu yếu phẩm, cũng như tất cả thuốc men, để vừa phòng chống bão, vừa giúp cho bà con, đặc biệt là việc di dời để bà con tập trung như thế nào để khi xảy ra bão cũng phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19”- ông Hồ Văn Phức cho biết.

Tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, việc khắc phục hậu quả thiên tai hồi cuối năm 2020 vẫn chưa xong, hạ tầng giao thông, các công trình dân sinh còn hư hỏng nặng. Trong khi đó các địa phương phải xây dựng kịch bản kép, vừa đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, vừa đảm bảo phòng dịch Covid-19. Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã gia cố các khu cách ly tập trung, đồng thời triển khai tập huấn phòng chống dịch cho đội ngũ xung kích phòng chống thiên tai, cung ứng khẩu trang, nước sát khuẩn tại các điểm tránh trú bão.

“Bắc Trà My cũng xây dựng các kịch bản để vừa thực hiện phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh. Và cũng sử dụng tổ cộng đồng, giám sát, vừa tuyên truyền dịch Covid-19 và tuyên truyền vận động người dân thực hiện việc phòng chống thiên tai năm 2021”- ông Thái Hoàng Vũ cho biết. 

Một trong những khó khăn hiện nay đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam là việc triển khai di dời người dân phòng tránh mưa bão phải hạn chế tối đa việc tập trung đông người, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, trong đợt mưa lớn vừa qua, nhiều địa phương miền núi đã di dời người dân bằng hình thức xen ghép, giữa hộ ở vùng không an toàn với hộ có nhà kiên cố. Tuy nhiên, theo ông Trương Xuân Tý, nếu thiên tai diễn biến phức tạp thì phương án này không khả thi.

“Phải có sự phối hợp giữa Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai cấp huyện, xã với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện, xã. Theo đó, tăng cường trang bị dụng cụ, công cụ vật tư y tế cho lực lượng này. Đặc biệt là hỗ trợ thiết bị y tế đối với những khu vực được sắp xếp, được lên kế hoạch sơ tán dân. Trong đó tập trung cho sơ tán xen ghép và hạn chế tối đa việc sơ tán tập trung”- ông Trương Xuân Tý cho biết. 

Mới chỉ sau một đợt mưa lớn kéo dài, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã phải di dời, sơ tán hơn 600 hộ dân với gần 3000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ có nhiều cơn bão đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam, trong khi đó dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần chủ động lên phương án ứng phó. 

“Chúng tôi giao cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế cá các ngành, địa phương xây dựng kịch bản phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh diễn ra trên diện rộng. Hiện nay, phương án đó đã hoàn chỉnh, trên cơ sở phương án chung của tỉnh thì các địa phương miền núi, đồng bằng, ven biển phải chủ động xây dựng các phương án phù hợp với thực tiễn địa phương mình”- ông Lê Trí Thanh cho biết./.

Bài liên quan
Nhiều cán bộ bị kỷ luật, thôi chức: Quảng Nam xốc lại tinh thần đội ngũ cán bộ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang tập trung động viên, xốc lại tinh thần của đội ngũ cán bộ, phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người đứng đầu các đơn vị, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất