Lý do khiến Đức tái cân nhắc khả năng mua tiêm kích tàng hình F-35

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp) | 18/01/2022, 06:16

Trên các phương tiện truyền thông, việc tiêm kích tàng hình F-35 đang nằm trong tầm ngắm của Berlin nhằm thay thế phi đội Tornado đã lạc hậu của Không quân Đức, đang là tiêu điểm của các nhà phân tích quân sự thế giới.

Tình thế thay đổi

Máy bay tấn công Panavia Tornado, được đưa vào hoạt động từ những năm 1970, là máy bay được chỉ định của Không quân Đức để mang 20 quả bom hạt nhân B61 do Mỹ sản xuất tàng trữ tại Đức trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, kể từ năm 2017, Không quân Đức bắt đầu tìm kiếm "người kế nhiệm" thích hợp cho chiếc Tornado đã già cỗi, hiện quá cũ để tham gia các nhiệm vụ của NATO.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Đức (cùng Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ), sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Washington vẫn không rút chúng về nước. Là một phần của thỏa thuận, các quốc gia thuộc NATO có nghĩa vụ duy trì những phi đội máy bay có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân đến khu vực có thể xảy ra xung đột.

Máy bay Tornado của Đức có thể mang vũ khí hạt nhân, nhưng lần đầu tiên chúng cất cánh thực hiện nhiệm vụ này cách đây đã gần nửa thế kỷ, vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Những chiếc Tornado khó có thể tồn tại trong điều kiện chiến tranh hiện đại và sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương trước sự đe dọa của các hệ thống phòng không tiên tiến.

Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khi đó là bà Ursula von der Leyen đã kêu gọi loại bỏ gần 90 chiếc Tornado của Không quân Đức vào năm 2030. Nhưng Berlin đã từ chối Lockheed Martin F-35A Lightning II, vì lo ngại bất kỳ việc mua lại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 nào cũng có thể khiến liên minh quốc phòng Pháp - Đức khó chịu. Hai nước này đang cùng với Tây Ban Nha phát triển Hệ thống Phòng không Chiến đấu Tương lai (FCAS).

Các quan chức Đức bày tỏ quan tâm đến việc mua khoảng 90 chiếc Eurofighter Typhoon cũng như một thế hệ mới của Boeing F/A-18 Super Hornet với tổng cộng 30 chiếc có khả năng mang bom B-61 theo cam kết chia sẻ hạt nhân NATO của Đức. Tháng 11/2020, đơn đặt hàng Eurofighter đã được xác nhận.

Việc mua sắm Super Hornet bị hoãn lại cho đến sau cuộc bầu cử liên bang Đức vào tháng 10/2021, do việc tàng trữ vũ khí hạt nhân Mỹ tại Đức là một chủ đề bàn cãi trong chiến dịch tranh cử. Tháng 11/2021, nội các liên minh mới thành lập của Đức đã gia hạn cam kết của nước này để trở thành một phần trong khả năng răn đe hạt nhân của NATO.

Tháng 4/2020, Đức đã sở hữu 30 chiếc F/A-18 Super Hornet, có khả năng mang bom B61. Đức đã chính thức xác nhận với Mỹ rằng họ sẽ mua 45 chiếc F/A-18 Super Hornet từ Boeing để thay thế một phần phi đội Panavia Tornado. Trong thời gian chờ nhận hàng, F/A-18F đã bị Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ loại khỏi danh sách các máy bay được chứng nhận mang bom hạt nhân B-61. Tháng 10/2021, Không quân Mỹ đã hoàn thành cuộc trình diễn hệ thống vũ khí đầu tiên bằng cách thả các Tổ hợp thử nghiệm chung (JTA) B61-12 từ hai máy bay phản lực F-35A.

Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Đức, dẫn đầu bởi Airbus Defense and Space, đã vận động hành lang để Eurofighter có thể được phát triển ít nhất đến mức năng lực hạt nhân thì F-35A hiện được đang được tiến hành chứng nhận hạt nhân. Ban đầu, Eurofighter Typhoon đã được xem xét, nhưng theo phía Mỹ, chứng nhận sẽ cần từ 3-5 năm. Lịch trình đó sẽ bất cập, vì Tornado của Đức dự kiến sẽ nghỉ hưu muộn nhất vào năm 2025, 2030. Do đó, F-35A dường như sẽ được xem xét một lần nữa.

Đức tái cân nhắc trang bị tiêm kích thế hệ năm F-35

Theo trang 19FortyFive, việc lựa chọn F-35 và nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu sẽ cho phép Berlin thực hiện hiệu quả mọi nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên NATO. Đáng nói là trước đó, Berlin có vẻ như không nghiêng về lựa chọn này.

Truyền thông Đức đưa tin, chính phủ mới của nước này đang cân nhắc về ứng viên kế nhiệm Tornado. Berlin đã xem xét lại quyết định mua F/A-18 Super Hornet trước đó để chuyển sang tiêm kích tàng hình F-35. Sự lựa chọn của chính phủ Đức có thể bị ảnh hưởng bởi việc gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa NATO và Moscow.

F-35 sẽ vẫn được sản xuất trong tương lai gần và có ưu thế hơn khi đang trở thành loại máy bay ngày càng phổ biến ở châu Âu. Nhiều nước láng giềng của Đức và các đồng minh NATO đã mua hoặc sẽ sớm vận hành loại máy bay này (Anh, Italy, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Ba Lan) - điều có tác dụng đối với việc tăng cường tương tác trong Liên minh.

Tuy vậy, thương vụ F-35 có thể bị cản trở bởi sự phản đối nội bộ, do ở Đức không phải ai cũng ủng hộ việc tham gia vào các chương trình quốc phòng của Mỹ. Nhưng Berlin vẫn là một thành viên NATO và có nghĩa vụ trong khuôn khổ khối quân sự. Một trong những nhiệm vụ chính của NATO là răn đe hiệu quả đối thủ lớn nhất của mình tại châu Âu (ám chỉ Nga). F-35 rõ ràng chính là nền tảng khả thi nhất mà Không quân Đức có thể lựa chọn vào thời điểm hiện nay.

Pháp và Tây Ban Nha đã bất mãn việc Đức rút khỏi một số chương trình của châu Âu (MAWS, Tiger ...) để ủng hộ một giải pháp của Mỹ trong vài tháng qua. Tuy nhiên, do các hợp đồng cấu trúc chương trình FCAS đã được ký kết vào tháng 9/2021, việc mua lại F-35A sẽ không đe dọa đến sự phát triển của máy bay chiến đấu châu Âu như đã xảy ra vào năm 2020./.

Bài liên quan
Ông Putin: Nói Nga tấn công NATO là 'vô lý'
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/3 cho biết Moskva không muốn đối đầu với các nước NATO.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất