Lợi thế quân sự khiến NATO muốn kết nạp Thụy Điển và Phần Lan

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Business Insider | 02/07/2022, 07:02

Nếu trở thành thành viên chính thức, Thụy Điển và Phần Lan có thể bổ sung thêm sức mạnh cho NATO với các tài sản quân sự có giá trị, đặc biệt là máy bay chiến đấu của các nước này.

Với cái gật đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể diễn ra nhanh chóng. Nếu trở thành thành viên chính thức, 2 quốc gia Bắc Âu có thể bổ sung thêm sức mạnh cho NATO với các tài sản quân sự có giá trị.

Trên thực tế, mối quan hệ đối tác đã chặt chẽ giữa NATO với Thụy Điển và Phần Lan đã được thể hiện trên bầu trời Bắc Âu vào đầu tháng 6.

Ngày 2/6, lực lượng không quân Thụy Điển và Phần Lan tập trận với các đối tác Anh, Pháp, Đức, Na Uy và Bỉ dọc bờ biển phía Tây Na Uy. Khoảng 45 máy bay tham gia cuộc tập trận nhằm chứng tỏ khả năng tiến hành các hoạt động không quân tầm xa phức tạp.

Người đứng đầu lực lượng không quân Na Uy cho biết đây là lần đầu tiên nước này tiến hành một cuộc tập trận quy mô như vậy với NATO và các quốc gia đối tác, bao gồm Thụy Điển và Phần Lan.

Từ ngày 5-17/6, các lực lượng Phần Lan và Thụy Điển đã cùng quân đội của 14 thành viên NATO, trong đó có Mỹ, tham gia Chiến dịch Baltic 2022. Cuộc tập trận tập trung vào hàng hải, có sự tham gia của hơn 45 tàu, hơn 75 máy bay và 7.500 quân nhân.

Trong khuôn khổ tập trận, một máy bay KC-135 của Không quân Mỹ đã tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay của Phần Lan, Thụy Điển và Đức, cho phép chúng tiếp tục hoạt động trên vùng biển Baltic.

Sức mạnh không quân trên bầu trời Bắc Âu

Các cuộc tập trận tháng 6 không chỉ thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa Phần Lan và Thụy Điển với các nước láng giềng NATO mà còn cho thấy khả năng quân sự đáng kể của các quốc gia Bắc Âu.

Năng lực quân sự của Thụy Điển và Phần Lan sẽ giúp tăng cường đáng kể sức mạnh không quân và khả năng răn đe của NATO ở phía Bắc nếu 2 nước trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự.

Phần Lan hiện đang vận hành 55 chiếc McDonnell Douglas F/A-18C Hornet mua từ những năm 1990. Mặc dù đã được đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng F/A-18C một chỗ ngồi là loại máy bay có khả năng cơ động và có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa cấu hình tiêm kích và cường kích.

Dòng máy bay này cũng được vận hành trong Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng như một số đồng minh khác của Mỹ. F/A-18C cũng từng tham chiến ở Bắc Phi, Trung Đông và Balkan.

Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết, những chiếc Hornet sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030, nhường chỗ cho 64 chiếc F-35A mà Helsinki đã đặt hàng vào tháng 12/2021 trong gói mua sắm quân sự lớn nhất của nước này từ trước tới nay. Chiếc F-35 đầu tiên dự kiến được bàn giao vào năm 2026.

Máy bay tàng hình thế hệ thứ năm F-35A ngày càng được các đồng minh của Mỹ ưa chuộng. F-35 có thể thực hiện cả nhiệm vụ tiêm kích và cường kích, sử dụng khả năng tình báo, giám sát và trinh sát để nâng cao hiệu quả của các lực lượng trên không và trên bộ.

Thụy Điển có một nền công nghiệp quốc phòng hoàn chỉnh

Máy bay chiến đấu duy nhất của Thụy Điển là Saab JAS.39 Gripen. Được thiết kế và chế tạo trong nước.  Gripen hiện tại là máy bay thế hệ 4+.

“Gripen không có khả năng tàng hình như F-35 hay hiệu suất cao như F-15, nhưng đó là một máy bay đáng tin cậy và hiệu quả về chi phí và điều này có thể mang lại một số khả năng quan trọng trong một cuộc chiến”, ông Alex Hollings, nhà phân tích hàng không đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí quân sự Sandboxx, đánh giá.

Theo ông Hollings, Gripen cũng rất linh hoạt. Kích thước nhỏ gọn cho phép nó cất cánh và hạ cánh trên những đường băng thô sơ hoặc thậm chí đường cao tốc trong khi có thể mang vũ khí không đối không cực kỳ hiệu quả như tên lửa Meteor và AMRAAM.

Gripen của Thụy Điển là một trong số ít máy bay chiến đấu có khả năng hành trình siêu thanh, tức khả năng duy trì tốc độ siêu thanh mà không cần đổ nhiên liệu vào bộ phận đốt sau. Điều đó làm tăng sức bền của máy bay ở tốc độ siêu thanh bằng cách giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, cho phép nó bay nhanh hơn và mang theo ít nhiên liệu hơn.

Ngoài Gripen của Thụy Điển, F-22 do Mỹ sản xuất, Dassault Rafale do Pháp chế tạo và Eurofighter Typhoon của châu Âu cũng có khả năng hành trình siêu thanh. Không có máy bay nào của Nga có khả năng này.

Ông Hollings cho biết, Gripen được thiết kế để dễ vận hành, không tốn kém chi phí bảo trì, dễ áp dụng các gói nâng cấp. Tất cả các yếu tố này giúp Gripen có trong tay nhiều lợi thế trong một cuộc chiến.

Dù chưa từng tham chiến nhưng Gripen của Thụy Điển đã chứng tỏ được giá trị của nó trong các cuộc tập trận. Đáng chú ý, trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận lớn do Mỹ dẫn đầu ở Alaska năm 2016, Gripen đã 10 lần tiêu diệt các máy bay đối thủ giả định, trong đó có cả Eurofighter Typhoon thế hệ 4,5, mà không phải chịu thương vong.

Lực lượng không quân Thụy Điển vận hành 71 chiếc Gripen C và đã đặt hàng 70 chiếc Gripen E - bản nâng cấp so với mẫu C, dự kiến bàn giao vào năm 2027.

Khả năng tích hợp sức mạnh không quân

Bất chấp khả năng của Thụy Điển và Phần Lan, việc tích hợp hai lực lượng không quân Bắc Âu với một phi đội máy bay chiến đấu kết hợp gồm 126 chiếc vào các hoạt động của NATO sẽ không đơn giản.

Mặc dù F/A-18C và Gripen đều được các thành viên NATO khác sử dụng, nhưng việc tích hợp chiến thuật mới chỉ thực hiện thông qua các cuộc tập trận chung thường xuyên, giống như cuộc tập trận được tiến hành trong tháng 6 vừa qua.

Ông Hollings nói rằng: “Luôn có những thách thức cố hữu đối với việc kết hợp các lực lượng không quân và các nền tảng mà mỗi nước vận hành. Một khi đạt được khả năng tương tác cả về công nghệ và chiến thuật, một phi đội kết hợp sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến quy mô lớn”.

“Việc tham chiến với nhiều loại máy bay chiến đấu trong tay, mỗi loại có sức mạnh lợi thế riêng, có thể làm phức tạp những tính toán chiến đấu của đối phương”, ông Holdings nhận định.

F-35A và Gripen E sẽ giúp lực lượng không quân của Phần Lan và Thụy Điển có năng lực mạnh mẽ hơn. Cho dù không có các loại máy bay tiên tiến này, các nhà lãnh đạo NATO vẫn muốn Phần Lan và Thụy Điển trở thành một phần của  liên minh.

Tướng Christopher Cavoli, người sẽ đảm nhận chức vụ lãnh đạo Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Âu và Tư lệnh tối cao của lực lượng Đồng minh châu Âu trong tháng 7, cho biết: “Từ góc độ quân sự, tôi mong muốn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh”.

Theo ông Cavoli, bên cạnh các dòng máy bay chiến đấu với lợi thế riêng, quân đội Phần Lan và Thụy Điển cũng mang lại nhiều khả năng và năng lực khác cho liên minh NATO “ngay từ ngày đầu tiên trở thành thành viên chính thức”./.

Bài liên quan
Tổng thống Putin cảnh báo các căn cứ NATO nằm trong tầm bắn của tên lửa Oreshnik
Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo những căn cứ quan trọng của NATO ở châu Âu có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa siêu thanh Oreshnik mới nhất do Nga sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Quốc hội đồng ý khởi động lại dự án BT đổi đất lấy hạ tầng
Với 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,69% tổng số đại biểu), chiều nay 29/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Mới nhất