Bạn trẻ và xu hướng "không kết hôn"
Ở bất kỳ một thời đại nào, việc rời khỏi cuộc sống vốn dĩ đang có, xa rời mẹ cha và tới ở cùng với một gia đình mới có lối sống khác biệt vẫn luôn là một thách thức với tất cả những người phụ nữ, đặc biệt là các bạn nữ trẻ chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn sống.
Hiện nay, xuất hiện những bạn nữ trẻ có xu hướng “không muốn lấy chồng”, "không kết hôn". Những cô gái hiện đại có thể sống tự lập không chấp nhận những quan niệm cũ kỹ dẫn đến bất bình đẳng giới.
Nhà văn Thục Linh, tác giả của rất nhiều đầu sách cho giới trẻ chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ hiện đại "ngại lấy chồng". Chẳng hạn như chuyện mẹ chồng – nàng dâu, một câu chuyện muôn thuở, kèm theo đó là những xích mích, bất đồng trong mối quan hệ vợ chồng sau hôn nhân, những thách thức để quen với một môi trường sống hoàn toàn khác biệt... Đặc biệt nếu như gia cảnh của người chồng lại có phần giàu có hơn sẽ khiến chênh lệch về tiếng nói của những người phụ nữ trẻ thêm mờ nhạt và yếu đuối.
“Tuy nhiên ngay cả giữa những cặp đôi trẻ tuổi tương đồng về gia cảnh, thì ở nhiều bạn nam trẻ vẫn mang tư tưởng áp đặt người phụ nữ trong gia đình. Họ đòi hỏi người vợ, người mẹ phải chu toàn về mọi mặt nhưng lại không có hoặc có rất ít sự chung sức hay chia sẻ. Điều này cũng được coi như cản trở lớn đối với hạnh phúc hôn nhân lâu dài”, nhà văn Thục Linh nhấn mạnh.
Ngay trong quá trình xây dựng nhân vật ở nhiều tác phẩm của mình, nhà văn Thục Linh đã lấy chất liệu từ cuộc sống xung quanh để thấy rõ những bất bình đẳng giới. Ở “Khế ước bán dâu”, tác phẩm mới nhất của mình, nữ nhà văn xây dựng hình tượng Nhài, con gái một nhà nho nghèo bước chân vào làm dâu của một gia đình phú hộ nức tiếng vùng Kinh Bắc. Nhưng Nhài không ngờ, điều chờ đón cô trong căn nhà uy nghi, bề thế chẳng phải cuộc sống ấm êm, lụa là. Cuộc đời Nhài lún sâu xuống vực thẳm không lối thoát. Không đơn giản chỉ là một câu chuyện kể, “Khế ước bán dâu” vẽ nên những định kiến sâu sắc đè nặng lên vai người phụ nữ.
“Nhài được tôi xây dựng ở độ tuổi rất trẻ. Cô mang phẩm chất, bóng dáng của những bà, những mẹ trong xã hội xưa. Nhưng đọc về Nhài, độc giả sẽ thấy một tinh thần của ngày hôm nay, không cam chịu và dám đấu tranh. Kết của tác phẩm mở và tôi kỳ vọng sẽ viết tiếp phần 2 để nhân vật được cơ hội đấu tranh cho bản thân mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đó chính là tinh thần đâu đó đã có trong những nhân vật phụ ở những tác phẩm trước đây của tôi”, nhà văn Thục Linh chia sẻ.
Các bạn nữ trẻ, đừng sống cam chịu!
Chưa bước vào tuổi 30, nhà văn Thục Linh đã chọn và theo đuổi dòng văn chương tâm linh, thần bí từ sớm. Đến nay, chị đã sở hữu 4 cuốn tiểu thuyết.
Từ những trải nghiệm cá nhân, những câu chuyện từ bạn bè, nữ nhà văn cho rằng mỗi người phụ nữ từ nhỏ đến lớn nhiều khi sẽ phải đối mặt với sự bất bình đẳng giới ở nhiều dạng, nhiều biểu hiện khác nhau, trong các mối quan hệ tình cảm, hôn nhân hay trong nghề nghiệp và đôi khi điều đó lại đến từ chính những người thân của mình.
"Mọi người vẫn bảo thế hệ mình lười yêu, lười cưới nhưng thực sự nhìn cách mẹ và các bác vận hành cuộc sống, phải lo lắng đủ thứ thì bản thân thấy cũng không cần thiết phải như thế. Mình đã tốt nghiệp, vừa có việc làm và cũng có thu nhập, sao phải gánh vác thêm các việc khác nữa?."
Phương Chi, Hà Nội.
"Sống tự do thế này rất thích, chẳng phải lo lắng gì. Bạn mình ở quê lấy chồng xong vất vả cực kì trong khi đó mình vẫn đang học đại học, vẫn đi làm thêm và được làm những việc mình thích."
Ngọc Anh, Lào Cai.
"Em đang học đại học, chị em ra trường đi làm và có gia đình riêng rồi mà mẹ năm ngoái vẫn đẻ em để bố có con trai nối dõi. Sau này nếu có lấy ai mà cứ khổ sở về việc con trai con gái thì thà em ở một mình còn hơn."
Đặng Thủy, Hòa Bình.
Tuy nhiên, Thục Linh cho rằng việc cam chịu hay im lặng sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Trong hôn nhân cũng vậy, đừng sợ việc bày tỏ hoặc chia sẻ suy nghĩ thực. Hiện nay, bình đẳng nam nữ trong xã hội đã thay đổi nhiều, trở nên hiện đại và cởi mở hơn, phụ nữ trẻ có quyền được lựa chọn: từ bỏ hay tiếp tục một cuộc hôn nhân.
“Nếu có thể, tôi sẽ thẳng thắn bày tỏ quan điểm để tìm tiếng nói chung và khẳng định vị thế của bản thân. Nếu như vẫn không thể tìm được tiếng nói chung, cuộc hôn nhân trở nên quá đau khổ và mệt mỏi, các bạn gái trẻ hãy tự giải thoát cho chính mình", nữ nhà văn khẳng định.
Nhà văn nữ cũng nêu quan điểm về sống chung với nhà chồng hay ở riêng khi bắt đầu hôn nhân. Theo cô, việc tách ra ở riêng ngay trong giai đoạn đầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính điều này tạo ra trách nhiệm cho cả hai người trong việc cùng chăm lo, gánh vác công việc chung, chi tiêu chung.
Một tín hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều bạn nam trẻ có tư tưởng đổi mới, sẵn sàng san sẻ cùng vợ công việc nhà, chăm sóc con cái, tạo nên sự công bằng hơn từ cách ứng xử hằng ngày.
“Tôi cũng có đôi lời nhắn nhủ tới những người làm cha mẹ và những người thân trong gia đình,với con dâu và con rể, nhất là khi họ vừa bắt đầu cuộc sống chung, hãy đối xử bằng tình yêu thương. Còn các bạn trẻ, nếu không tự tháo bỏ, không tự nhìn nhận về sự bình đẳng, về vai trò của cả nam và nữ trong tiến trình phát triển chung sẽ khiến xã hội khó thay đổi theo hướng tiến bộ.”, nhà văn Thục Linh chia sẻ. /.