Lãi suất tăng, nhà đầu tư bất động sản 'đứng ngồi không yên'

24/09/2022, 07:38

Việc điều chỉnh tăng lãi suất của ngân hàng Nhà nước đã khiến nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản lo lắng thị trường đóng băng.

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 23/9/2022. 

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 5,0%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ.

Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 1%/năm lên 6,0%/năm.

Như vậy, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã tăng 1%/năm so với quy định cũ.

Lãi suất tăng, nhà đầu tư bất động sản 'đứng ngồi không yên' - 1

Lãi suất tăng, thị trường bất động sản sẽ chịu tác động.

Theo anh Trần Văn Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Hà Nội chia sẻ, lâu nay người mua nhà thường dùng đòn bẩy tài chính khá nhiều, vì vậy, nếu lãi suất tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quyết định mua nhà của nhiều khách hàng.

Anh Tuấn cho hay, từ đầu năm đến nay, việc buôn bán bất động sản của anh gần như rất khó khăn vì khách mua lo lắng lãi suất tăng cao, họ sẽ phải trả một khoản lãi lớn hơn dự tính.

Có khách rất ưng căn nhà tôi bán, nhưng họ phải vay ngân hàng tới 70% nên rất ái ngại vì lo lãi suất sẽ tăng cao, vượt khả năng chi trả hàng tháng của mình. Vì vậy, họ chấp nhận thuê nhà thay vì vay tiền mua nhà”, anh Tuấn chia sẻ.

Còn theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, nếu tăng lãi suất, doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro nhất. Vì bản thân doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, bản thân người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép.

Thời gian trước, thị trường nhà đất từng nhiều lần chịu ảnh hưởng tiêu cực trong mỗi chu kỳ lãi suất đi lên với giai đoạn đầu thường có hiện tượng nhiều nhà đầu tư vì không chịu nổi áp lực nên phải bán cắt lỗ nhanh, rồi sau đó thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trầm lắng, đóng băng trong suốt thời gian dài.

3 năm gần đây các ngân hàng đã mạnh tay triển khai các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu, thu hút nhiều người vay vốn để mua nhà, đầu tư bất động sản. Sau thời gian này, lãi suất thả nổi trong bối cảnh xu hướng lãi suất có thể tăng trở lại sẽ khiến áp lực tài chính tăng lên, khi thu nhập nhiều người trong 2 năm trở lại đây đã bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo các chuyên gia bất động sản, tăng lãi suất là một trong những công cụ siết dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản. 

Nếu lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Nhưng nếu lãi suất cao, ngược lại, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán cắt lỗ. 

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản.

Trước đó, thị trường bất động sản sốt nóng, không ít người vay để lướt sóng bất động sản. Nhưng hiện nay thị trường bất động sản đang chững, giao dịch khó, nhiều người vẫn đang bị kẹt. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc”, ông Điệp nói.

Theo vị chuyên gia, tại một số thị trường bất động sản tỉnh thời gian qua, sốt nóng chủ yếu là đầu cơ thổi giá và không có nhu cầu thực. Do vậy, ở những thị trường này khả năng bán tháo rất cao.

Ngọc Vy
Bài liên quan
Phước Sang: Vua phim Tết, vỡ nợ bất động sản và nỗ lực làm lại từ 'tay trắng'
Từng là ông bầu nổi tiếng một thời, có hãng phim riêng, được mệnh danh là "Vua phim Tết", Phước Sang lâm vào cảnh khốn khó sau khi ôm món nợ nghìn tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất