Kiến nghị xử nặng tội tham ô, nhận hối lộ: Bộ trưởng Tư pháp nói gì?

05/10/2022, 16:50

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long có văn bản gửi các Đoàn ĐBQH trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV liên quan xử lý tội phạm tham nhũng.

Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị xem xét, nghiên cứu trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng mức hình phạt đối với tội phạm tham nhũng.

Trả lời cử tri, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, một trong những quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 là thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là chủ trương: “Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”.

Quán triệt quan điểm trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với nhóm tội phạm về chức vụ theo hướng tăng cường hiệu quả xử lý đối với nhóm tội phạm này.

Cụ thể như bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với tội phạm tham ô tài sản, nhận hối lộ trong nhiều trường hợp; sửa đổi bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với tội danh nhận hối lộ, tham ô tài sản theo hướng đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Về hình phạt áp dụng đối với tội phạm về chức vụ, luật cũng sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt bổ sung.

Kiến nghị xử nặng tội tham ô, nhận hối lộ: Bộ trưởng Tư pháp nói gì? - 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Trong khi đó, cử tri Đà Nẵng phản ánh điểm c, khoản 3, điều 40 của Bộ luật hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cử tri cho rằng, việc quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo lỗ hổng trong công tác phòng, chống tham nhũng khiến việc tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn. Do đó cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh lại quy định này.

Trả lời, Bộ Tư pháp cho biết quy định nêu trên nhằm thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được khẳng định tại nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng.

Quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Tuy vậy, quy định này chỉ được áp dụng đối với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm: Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

“Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai thì người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Với những trường hợp thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4, điều 353 và khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự sẽ bị xem xét truy cứu với mức hình phạt cao nhất là tử hình - hình phạt nghiêm khắc nhất quy định trong chế tài hình sự.

Do vậy, quy định tại điểm c, khoản 3, điều 40 Bộ luật hình sự không ảnh hưởng tới việc xem xét quyết định áp dụng hình phạt trong quá trình xử lý hành vi phạm tội tham ô, nhận hối lộ đối với người phạm tội.

Còn cử tri Hải Dương có đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình đối với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ luật hình sự năm 2015 đã dành một chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều (từ điều 352 đến điều 366). Trong đó, 2 điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô tài sản (điều 353) và tội nhận hối lộ (điều 354).

Cụ thể, khoản 4, điều 353 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Ngọc Thành(VOV.VN)
Bài liên quan
Bắc Ninh thu hồi gần 35 tỷ từ các vụ án tham nhũng, tiêu cực
Trong quý 1/2024, qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi tổng số tiền gần 35 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất